Chế độ tài chính đặc thù cho công tác theo dõi thi hành pháp luật ở cấp tỉnh và cấp huyện

PV.

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 1534/BTC-NSNN trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk gửi tới sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về các vấn đề liên quan đến chế độ tài chính đặc thù cho công tác theo dõi thi hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này ở cấp tỉnh và cấp huyện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giải đáp kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk, Bộ Tài chính đã dẫn chứng các quy định của pháp luật liên quan đến chế độ tài chính đặc thù cho công tác theo dõi thi hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này ở cấp tỉnh và cấp huyện.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật thì: “UBND các cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc UBND cấp xã theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc UBND cấp xã tham mưu, giúp UBND cùng cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công...”.

Điều 19 của Nghị định này cũng quy định, kinh phí chi cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của cơ quan, đơn vị thuộc cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị...

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3, Điều 21, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước thì: “Thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định định mức phân bổ và chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu ngân sách:... Quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân sách trung ương không hỗ trợ. Riêng những chế độ chi có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp, trước khi quyết định phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp”.

Tại điểm 2 mục II Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp có nêu: “Tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế; không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề”. Đồng thời, Điểm 4 mục III cũng nêu rõ: “Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước...”.

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 8476/VPCP-KTTH ngày 06/9/2019 của Văn phòng Chính phủ: “Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.

Do vậy, đối với chế độ tài chính đặc thù cho công tác theo dõi thi hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này ở cấp tỉnh và cấp huyện, Bộ Tài chính đề nghị tỉnh Đắk Lắk thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP và Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ và phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/8/2018 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8476/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ.