Chi hơn 8.000 tỷ đồng cải tạo 418 “điểm đen” tai nạn giao thông
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB) Trung ương ngày 7/2. Theo đó, trong năm 2017, Quỹ BTĐB đã thu nộp ngân sách trên 7.100 tỷ đồng, trong khi tổng nguồn chi BTĐB của năm 2017 là hơn 8.100 tỷ đồng.
8.142,7 tỷ đồng cải tạo 418 "điểm đen” tai nạn giao thông (TNGT)
Ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2017, số tiền thu phí sử dụng đường bộ năm 2017 nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 7.173 tỷ đồng, đạt 116,65% kế hoạch thu cả năm, trung bình một ngày thu xấp xỉ 27 tỷ đồng. "Số phí sử dụng đường bộ vượt thu so với số thu Bộ Tài chính giao đầu năm là 1.023,7 tỷ đồng”, ông Lê Hoàng Minh nói và cho biết, tổng nguồn chi năm 2017 của Quỹ BTĐB Trung ương là 8.142,7 tỷ đồng.
Liên quan đến việc phân bổ nguồn chi, Chánh văn phòng Quỹ BTĐB cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao kế hoạch hơn 7.881 tỷ đồng (chiếm 65%) để thực hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ, còn lại 35% được phân bổ cho các địa phương, gồm: 113,3 tỷ đồng phân bổ từ Quỹ BTĐB Trung ương, hơn 1.832 tỷ đồng phân bổ từ nguồn ngân sách Trung ương và 320 tỷ đồng phân bổ hỗ trợ từ nguồn dự phòng (chiếm 15% nguồn kinh phí bảo trì được phân cho các địa phương).
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, năm 2017, Quỹ BTĐB đã chi cải tạo 418 "điểm đen", tiềm ẩn tai nạn giao thông. Đây là những vị trí đã được các cơ quan liên quan thống kê, khảo sát về mức độ nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông và lên kế hoạch ưu tiên khắc phục, sửa chữa. Cùng với cải tạo điểm đen, đã có 243 cây cầu, trên 10,4 tỷ m² mặt đường được sửa chữa và nhiều hạng mục đảm bảo an toàn giao thông được xây mới, bổ sung. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu bảo trì đường bộ hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: kể từ khi Quỹ BTĐB Trung ương đi vào hoạt động, nhiều tuyến đường được sửa chữa, duy tu kịp thời đã góp phần rất lớn trong việc kéo giảm TNGT bình quân mỗi năm từ 5 - 10%, đây là điều không thể tính được bằng tiền”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh cũng chỉ ra bất cập hiện nay tại các tuyến đường BOT khi trách nhiệm duy tu, sửa chữa thuộc các nhà đầu tư. “Một số tuyến đường BOT, nhà đầu tư không duy tu, sửa chữa đến nơi đến chốn, nhất là ở khu vực miền Trung, đường hỏng nhưng vẫn thu phí. Việc này cần phải xử lý nghiêm, đường BOT nào hỏng không sửa phải buộc dừng thu phí”, ông Nguyễn Văn Thanh đề xuất.
Không có chuyện đường sá hư hỏng mà vẫn tiến hành thu giá
Đồng tình với kiến nghị của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, duy tu ở các dự án BOT, cần thiết phải ban hành một thông tư để quản lý công tác duy tu, sửa chữa tại các dự án BOT. Thông tư này phải được phổ biến rộng rãi đến các nhà đầu tư BOT, không có chuyện đường sá hư hỏng mà vẫn tiến hành thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ.
“Tất cả đều phải công khai, minh bạch, nhà đầu tư thu giá đường bộ để hoàn vốn thì chất lượng phục vụ dịch vụ phải tốt, khi dịch vụ tốt thì chủ phương tiện sẽ không còn phàn nàn”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các cơ quan liên quan bố trí kinh phí để xử lý toàn bộ các điểm “đen” tiềm ẩn TNGT trên các tuyến quốc lộ như: đường cong, bán kính hẹp, cầu hẹp, cầu yếu,… “Về nguyên tắc là phải ưu tiên xử lý hết toàn bộ các "điểm đen". Trường hợp quá khả năng cân đối vốn, phải có kế hoạch cụ thể, cái nào làm trước, cái nào xử lý sau”, Bộ trưởng nói và yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp duy tu không đảm bảo.
“Toàn bộ công tác duy tu đã được đấu thầu, tiền chuyển cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có làm hay không thì các chi cục đường bộ, thanh tra tổng cục phải biết và xử lý thật nặng, kể cả là cấm tham gia đấu thầu đối với các doanh nghiệp duy tu không đảm bảo yêu cầu”, Bộ trưởng quyết liệt chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu Viện Chiến lược và phát triển GTVT trong tháng 3/2018 phải hoàn thành và trình Bộ GTVT đề án về công tác đảm bảo duy tu, sửa chữa thường xuyên cho hệ thống đường quốc lộ trên cả nước trong đó phải liệt kê đầy đủ danh mục 152 quốc lộ, 23.000km. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Báo cáo chung chung, chỉ bám mỗi vào kế hoạch giao 8.000 tỷ đồng, rồi chi tiêu thế nào, như thế là không được”.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng yêu cầu Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng cập nhật lại báo cáo tổng kết năm 2017 của quỹ để thấy rõ bức tranh toàn cảnh về hệ thống giao thông đường bộ, nhu cầu duy tu hàng năm thế nào, cơ sở tính toán giá thành để báo cáo Trung ương và Chính phủ.