Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ 8 tháng đầu năm 2016
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2016 tăng 0,1% so với tháng trước, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 6,18% (dịch vụ y tế tăng 8,12%) do trong tháng có 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế bước 2 theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,28%).
Nhóm giáo dục tăng 0,47%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 0,5% do có 9 tỉnh, thành phố thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14%; đồ uống và thuốc lá; thiết bị và đồ dùng gia đình cùng tăng 0,05%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm: Giao thông giảm 1,97% do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào các thời điểm 20/7/2016 và 04/8/2016 (làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 4,1%, tác động làm CPI chung giảm 0,17%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14% (Lương thực giảm 0,35%, thực phẩm giảm 0,19% do nguồn cung trong nước dồi dào); văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,12%; bưu chính viễn thông giảm 0,03%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,02%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2016 tăng 2,58% so với tháng 12/2015 và tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm nay tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2016 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng tăng 1,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.
Giá vàng trong nước tăng theo biến động của giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 8/2016 tăng 1,72% so với tháng trước; tăng 17,54% so với tháng 12/2015 và tăng 17,50% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2016 giảm 0,05% so với tháng trước; giảm 1,07% so với tháng 12/2015 và tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2015.