Chỉ số phái sinh có thể hồi phục kỹ thuật
Nhịp giảm sâu trong tuần qua đã kéo nền giá về vùng hấp dẫn, nhưng dòng tiền mua lên thể hiện rõ sự “thờ ơ”. Xu thế giảm có khả năng tiếp diễn, nhưng sẽ có những phiên hồi phục đan xen.
Yếu tố cơ bản: Khối ngoại liên tục bán ròng
Bất chấp những diễn biến vẫn lành mạnh từ TTCK Mỹ thì TTCK Việt Nam có phản ứng rất tiêu cực khi gần như đi ngược hoàn toàn hoặc giảm mạnh hơn mặt bằng chung của thị trường quốc tế. Nếu xét theo vòng tuần hoàn thì VNIndex đang ở pha suy yếu và có khả năng sẽ còn chuyển sang pha giảm mạnh…
Khối ngoại liên tục “xả mạnh” trên sàn nhưng giao dịch theo chỉ số thì lại mua ròng: khối ngoại liên tục duy trì trạng thái bán ròng trong tất cả các phiên của tuần qua và tính trong tháng 11 này khối ngoại đã bán ròng gần 1.700 tỷ đồng và bán ròng 3 tháng liên tiếp.
Nhưng ở một động thái khác các nhà đầu tư giao dịch theo chỉ số lại liên tục mua gom trong các nhịp giảm, tính tổng cộng từ đầu tháng 10 khối ngoại đã mua ròng khoảng 135 tỷ đồng giá trị chứng chỉ quỹ E1VFVN30.
Yếu tố kỹ thuật: Ðiểm cân bằng mới
Nhịp giảm trong tuần qua phải nói là “khủng khiếp”, điều đáng nói là nhịp giảm này mạnh hơn dự báo, với sự quyết liệt của bên bán và cách phản ứng khá hời hợt của bên mua.
Mặc dù vậy, chỉ số phái sinh vẫn liên tục duy trì trạng thái basis (độ lệch) dương trong suốt nhịp giảm vừa qua, mà gần như không có dấu hiệu thu hẹp. Ðiều này có thể lý giải là dòng tiền lớn cũng “sốc” với nhịp giảm này!
Diễn biến giao dịch cho thấy, dòng tiền bên mua không còn làm chủ tình hình, bên bán tỏ ra chủ động ép xuống khiến các nhịp hồi phục diễn ra trong phiên rất yếu ớt. Trong bối cảnh này, những nhịp hồi phục nếu có xảy ra sẽ chưa được đánh giá cao.
Ðà lan tỏa ngắn hạn bị nhúng rất sâu và dao động ở vùng quá bán; đà lan tỏa tính theo trung bình 10 phiên đang trên đà giảm nhưng chưa ở trong trạng thái đủ tin cậy cho khả năng đảo chiều, phản ánh dư địa giảm có thể tiếp diễn.
Nhịp giảm nhanh của nhóm ngân hàng (VCB, TCB, VPB) là tác nhân chính khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, nhóm bất động sản dù rất nỗ lực neo giữ thị trường nhưng cũng không có nhiều điểm sáng tích cực. Trong khi đó, nhóm thực phẩm - đồ uống (VNM) có mức độ thiệt hại ít hơn trong 2 phiên cuối tuần hoảng loạn.
Bất động sản và thực phẩm - đồ uống là những nhóm có khả năng tạo đột biến nhất trong việc giúp thị trường hồi phục, khi các nhóm này chống chọi khá tốt với nhịp giảm mạnh 2 phiên cuối tuần qua. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì xu hướng của các nhóm này vẫn đang là giảm, nên những nhịp hồi nếu có cũng chỉ là hồi về mặt kỹ thuật.
Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Khả năng hồi phục kỹ thuật
Nhịp giảm sâu trong tuần qua đã kéo nền giá về vùng hấp dẫn, nhưng dòng tiền mua lên trong nhịp này thể hiện rõ sự “thờ ơ”, nên khả năng trở lại đà tăng còn gặp nhiều trở ngại.
Ngoài ra, muốn quay trở lại đà tăng thì các trụ cần phải có thời gian tích lũy để ít nhất là tạo dựng lại niềm tin mới cho dòng tiền đầu cơ. Do đó, xu thế giảm có khả năng tiếp diễn, nhưng sẽ có những phiên hồi phục đan xen.
Chiến lược giao dịch chủ đạo trong những phiên đầu tuần này có thể là canh mua để tận dụng các nhịp hồi phục kỹ thuật. Càng về cuối tuần, chiến lược bán khi giá hồi được áp dụng sẽ có xác suất thành công cao hơn, với kháng cự từ khu vực 910 - 915 điểm.