Chìa khóa cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, giữ người tài
Sự khan hiếm nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ là một nguyên nhân chính làm các doanh nghiệp chậm chân trong đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp đang phải tự tìm giải pháp cho mình để thu hút các lao động đáp ứng được các yêu cầu mới.
Tại tọa đàm “Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cần thêm động lực để đổi mới, sáng tạo” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 12/10, bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh (YBA), cho biết nhiều trường hợp doanh nghiệp nhỏ đang loay hoay, chưa tìm được lối ra cho việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ.
Có lợi nhưng chưa thể làm nhanh
Đồng tình với đánh giá của bà Phi, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Yeah1, cũng chỉ ra lợi ích của tiến trình áp dụng công nghệ. Mới đây, một công ty con của Yeah1 đã bán lại cho tập đoàn nước ngoài với giá 80 triệu đô la Mỹ chỉ sau hai năm hoạt động với 40 nhân viên. Việc áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong công ty truyền thông này đã giúp công ty nâng giá trị của mình.
Bà Phi chỉ ra nguyên nhân cho vệc nhiều doanh nghiệp muốn làm mà không làm được là do chưa có đủ nguồn lao động để triển khai công nghệ hay đưa ra các giải pháp đổi mới sáng tạo cho việc kinh doanh. Nguồn nhân lực có thể áp dụng các công nghệ mới như blockchain (công nghệ chuỗi khối), AI (trí thông minh nhân tạo), Internet kết nối vạn vật (IoT), nhân sự cấp quản trị có thể lèo lái doanh nghiệp trong thị trường thay đổi nhanh chóng đang còn thiếu. Trong khi đó các đơn vị đào tạo về công nghệ mới hay đổi mới sáng tạo vẫn còn rất ít.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Simon Matthews, Giám đốc vùng của công ty ManpowerGroup Việt Nam, cho hay nhân lực và lãnh đạo công nghệ thông tin nằm trong top 10 nhân tài đang được tìm kiếm nhiều nhất trên toàn cầu năm 2018. Ông cho rằng lãnh đạo phải có một số kỹ năng mới để có thể vạch ra chiến lược và thấy trước các rủi ro trong lúc thay đổi nhân sự, máy móc hoặc kỹ thuật khi chuyển đổi số. Họ phải có khả năng tạo ra mô hình kinh doanh mới, hiểu được nhu cầu trải nghiệm mới của khách hàng và xây dựng hệ thống nhân lực có các kỹ năng mới. Lãnh đạo doanh nghiệp nên chủ động biết mình cần gì và tìm đến các khóa đào tạo cho mình và cho tổ chức.
Đào tạo và giữ người lắm gian nan
Việc sử dụng lực lượng lao động công nghệ giá rẻ tại thành phố chưa có tính cạnh tranh so với thị trường quốc tế. Một số công ty đang phải tìm đến giải pháp nhanh, tạm thời là mời các lãnh đạo nước khác về để quản lý và đào tạo cho nhân sự của mình. Ông Tống cho hay tại Yeah1, các chuyên gia nước ngoài được giữ lại làm việc trong công ty để nhân viên mới có thể học hỏi từ các chuyên gia này rồi mới từ từ địa phương hóa đội ngũ nhân viên với chi phí nhân công rẻ hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty VNG, cho biết tuy là một công ty công nghệ lớn nhưng VNG phải thường xuyên làm mới chính sách đào tạo người, giữ người. Rất nhiều nhân lực công nghệ của công ty đã bỏ việc để khởi nghiệp riêng hoặc bỏ công ty sang làm cho các tập đoàn công nghệ nước ngoài. Nếu chỉ giữ người bằng mức lương cao thì công ty chưa thể cạnh tranh được với các đối thủ lớn.
Hiện tại, nguồn nhân lực về công nghệ trong nước có đủ tầm để bắt kịp thay đổi trong ngành còn đang thiếu, 80% nguồn nhân lực công ty tuyển từ các trường đại học danh tiếng trong nước đều cần được đào tạo lại sau đó lại phải có chế độ giữ người. Theo các nghiên cứu của VNG, các nhân lực công nghệ sẽ trụ lại nơi giúp họ phát triển tài năng nhiều hơn là vì tiền, do đó các chính sách về nhân sự của công ty thiên về kích thích tài năng nhiều hơn.
Công ty đã mở ra chương trình kết nối các cấp quản lý ngang hàng để chuyển giao công nghệ cho nhân viên cấp dưới. Song song đó, công ty cũng mở chương trình Fresher để đào tạo cho các sinh viên mới ra trường xử lý được tốc độ thay đổi của công nghệ. Ngoài ra, nhân viên cũng được tham gia các đề án tình nguyện để có cơ hội trổ tài trên các phương tiện công nghệ cao cấp, qua đó thể hiện sự đổi mới sáng tạo vào sản phẩm đưa ra thị trường, giúp họ giữ được sự đam mê công việc. Các đề án này được thiết kế rất thực tế từ nhu cầu của khách hàng và thị trường, qua đó nhân viên có thể tự định hướng được mục đích đóng góp cho công ty và nghề nghiệp cho bản thân.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh, đề xuất một số phương án giữ nhân tài khác là công ty có thể chia cổ phần cổ phiếu cho các nhân lực chủ chốt, tạo cơ hội cho nhân viên mình tiếp xúc với môi trường quốc tế bằng cách hợp tác với các tập đoàn nước ngoài hay thu hút người tài học và làm việc ở nước ngoài về. Quan trọng hơn nữa là vai trò của nhà nước trong việc phát triển ngành nghề, định hướng cộng đồng doanh nghiệp đầu tư hơn nữa trong ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo nghiên cứu của của ManpowerGroup, đến năm 2020 những doanh nghiệp tham gia vào số hóa có lợi nhuận cao hơn 26% và có giá trị thị trường cao hơn 12% so với đối thủ của họ. 10% các công ty trên toàn cầu mới tinh giản lực lượng nhân công của mình và khoảng 20% sẽ có thêm việc làm mới nhưng là những công việc đòi hỏi những kỹ năng mới. Trong ngành công nghiệp nặng, các nhà máy sẽ thay thế lực lượng nhân công có các kỹ năng thích hợp với nền công nghiệp số hóa.