Chiến lược kinh doanh mới của Sony là gì?
(Tài chính) Sony vừa mới tiết lộ chiến lược kinh doanh mới của mình. Theo đó, họ đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là sẽ đạt lợi nhuận hoạt động ít nhất 43 tỉ USD trong năm tài chính 2017 (dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31/3/2018).
Nội dung nổi bật:
- Sony vừa công bố chiến lược kinh doanh mới với tham vọng đạt lợi nhuận hoạt động ít nhất 43 tỉ USD trong năm tài chính 2017.
- Sony sẽ tập trung vào ít sản phẩm hơn, thu hẹp những mảng yếu kém và môi trường cạnh tranh khốc liệt như điện thoại thông minh hay tivi.
- Kazuo Hirai - CEO mới được bổ nhiệm năm ngoái - có vẻ đang đi đúng hướng
Đây là bước nhảy vọt so với con số 20 tỉ yen lợi nhuận hoạt động được dự báo cho năm tài chính hiện tại, theo kế hoạch sẽ kết thúc vào ngày 31/3 năm nay, dù rằng nếu tính luôn cả những hoạt động đầu tư khác Sony vẫn có thể sẽ tiếp tục bị lỗ trong suốt 7 năm qua. Sony cũng công bố rằng chỉ số ROE (tỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) ở mức 10% là mục tiêu mà họ hướng đến.
Ít sản phẩm hơn
Ông lớn ngành điện tử này tin rằng chìa khóa để giúp họ đạt được mức lợi nhuận trên là thu hẹp sản phẩm. Về cơ bản, Sony cho biết rằng họ sẽ không tiếp tục theo đuổi tăng trưởng ở những lĩnh vực có sự cạnh tranh khốc liệt khiến họ gặp bất lợi, chẳng hạn như điện thoại thông minh, nơi họ phải vất vả cạnh tranh với không chỉ những đại gia như Samsung hay Apple mà còn phải dè chừng những nhà sản xuất giá rẻ như Huawei và Xiaomi.
Mặc dù Sony vẫn sẽ tiếp tục sản xuất điện thoại thông minh và tivi, nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ rút lui trong hai lĩnh vực này. Có thể họ sẽ tính đến đường sản xuất sản phẩm phụ hay hợp tác sản xuất cho những mặt hàng trên và sẽ chuyển sang những sản phẩm khác có lợi nhuận cao hơn như cảm biến camera, các trò chơi điện tử và những sản phẩm giải trí khác.
3 nhóm doanh nghiệp
CEO của Sony, Kazuo Hirai, đã chia công ty mẹ ra làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất sẽ gồm các lĩnh vực kinh doanh có tiềm năng mang lại lợi nhuận như: thiết bị, dịch vụ mạng và trò chơi, điện ảnh và âm nhạc. Sony sẽ đầu tư mạnh cho các lĩnh vực này, với mục tiêu là đạt được mục tiêu tăng trưởng doanh số và nâng cao lợi nhuận. Họ cũng sẽ đầu tư thêm vào các cảm biến hình ảnh, cũng như bộ phận nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này, với tham vọng là mở rộng các ứng dụng của mình trên mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến các thiết bị y tế. Song song đó, Sony sẽ mở rộng lượng người dùng PlayStation. Ở lĩnh vực điện ảnh, Sony sẽ tập trung hơn nữa vào lượng khán giả ngày càng tăng. Còn âm nhạc thì họ sẽ đầu tư vào những phân khúc đang ăn nên làm ra như thị trường âm nhạc trực tuyến.
Nhóm tiếp theo sẽ gồm những sản phẩm và dịch vụ sinh lợi ổn định. Với nhóm này Sony sẽ ưu tiên cho 2 công ty Imaging Products & Solutions và Video & Sound. Bằng cách đầu tư vào chuyên môn công nghệ sẵn có (thay vì đầu tư tràn lan như thời thua lỗ vừa qua), cũng như tối ưu hóa các chi phí cố định và tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, Sony nhắm đến mục tiêu sẽ đạt được lợi nhuận tối đa và tỉ lệ hoàn vốn đầu tư.
Nhóm cuối cùng sẽ gồm các công ty trong những lĩnh vực dễ thay đổi và mang tính cạnh tranh cao như tivi và điện thoại thông minh. Bằng cách chọn lựa cẩn thận các thị trường cũng như sản phẩm, Sony sẽ cố gắng hạn chế các nguồn vốn đầu tư mà vẫn tạo được một bộ khung có thể mang lại lợi nhuận ổn định và an toàn. Để đạt được điều này, Sony đang nhắm đến mục tiêu sẽ biến Video & Sound thành công ty con có 100% cổ phần do công ty mẹ sở hữu vào tháng 10 năm nay. Sony nói rằng họ cũng sẽ xem xét việc liên minh với các công ty khác.
Liệu Sony có đạt được mục tiêu?
Mục tiêu lợi nhuận đầy lạc quan của Sony có vẻ trái ngược hẳn với những kết quả kinh doanh “u ám” mà công ty này phải chịu trong thời gian gần đây. Chẳng phải là họ vẫn đang trong thời kì tái cấu trúc, buộc lòng phải “bán đổ bán tháo” phân khúc máy tính cá nhân, rồi thành lập công ty chuyên về mảng tivi, vốn từng là lĩnh vực họ nổi tiếng từ lâu, cũng như cắt giảm hàng ngàn việc làm trên toàn cầu đó sao?
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ đã dành lời khen cho “quỹ đạo” mà Sony đang theo đuổi trong suốt một năm qua, vì nhờ thế mà giá trị cổ phần của họ đã tăng hơn 80%.
Sự tăng trưởng này một phần là nhờ vào việc bổ nhiệm Kazuo Hirai làm CEO và Kenichiro Yoshida làm người phụ trách chiến lược của Sony hồi cuối năm 2013. “Cặp đôi hoàn hảo” này có thể sẽ tiếp tục theo đuổi việc tái cấu trúc công ty trong ngắn hạn cũng như trung hạn một cách quyết liệt. Trong phần trình bày chiến lược gần đây của mình, ông Kazuo Hirai đã đặc biệt nhấn mạnh đến khả năng sinh lợi lớn, bảo đảm quyền tự chủ của các công ty thành viên với trọng tâm là giá trị cổ đông, đồng thời giúp cho mọi người có được cái nhìn rõ ràng hơn về vai trò và vị trí của mỗi thành viên trong toàn bộ hoạt động kinh doạnh của đại gia đình Sony.