Chiến lược kinh doanh số của doanh nghiệp viễn thông Việt Nam
Thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần xây dựng những định hướng, chiến lược phát triển phù hợp trên cơ sở nghiên cứu, phân tích môi trường kinh doanh bên ngoài và bên trong của mình. Bài viết tìm hiểu về chiến lược kinh doanh số, cũng như xu hướng và thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam.

Đăt vấn đề
Bối cảnh chuyển đổi số và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phá sản và thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, các DN hoạt động trong lĩnh vực viễn thông phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tồn tại và phát triển, DN cần xây dựng những định hướng, chiến lược phát triển phù hợp trên cơ sở nghiên cứu, phân tích môi trường kinh
doanh bên ngoài và bên trong của mình để có thể tận dụng tối đa các cơ hội tiềm năng, giảm thiểu các mối đe dọa từ môi trường kinh doanh, cũng như phát huy điểm mạnh, khắc phục, hạn chế điểm yếu.
Chính vì vậy, xây dựng chiến lược phát triển DN trở nên quan trọng và cấp bách. Nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với yêu cầu cấp thiết của Chính phủ, DN và xã hội, các DN viễn thông (DNVT) Việt Nam cũng đã có những chuyển tích cực. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có khoảng 58.000 DN công nghệ số đang hoạt động và dự báo chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Chiến lược kinh doanh số
Chiến lược kinh doanh số là chiến lược của tổ chức được hình thành và thực hiện bằng cách tận dụng các nguồn lực số, để tạo ra giá trị và xác định 4 yếu tố then chốt gồm: Phạm vi, quy mô, tốc độ và nguồn gốc tạo giá trị nhằm định hướng tư duy chiến lược. Chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đến 5 khía cạnh của chiến lược gồm: Khách hàng, cạnh tranh, đổi mới, dữ liệu và giá trị. Cụ thể:
Thứ nhất, về khách hàng. Khách hàng một mạng lưới năng động, họ sẽ liên tục kết nối và tạo ảnh hưởng lẫn nhau, qua đó, xác lập uy tín của DN và thương hiệu. Vì thế, truyền thông với khách hàng được thực hiện hai chiều thay vì một chiều và khách hàng trở thành nhân tố chính.
Thứ hai, về cạnh tranh. Đối thủ cạnh tranh của các DN không chỉ còn là những DN kinh doanh cùng ngành, mà là DN ngoài ngành, không có điểm tương đồng nhưng vẫn cạnh tranh để đem lại giá trị cho khách hàng. Ranh giới giữa cạnh tranh và hợp tác trở nên mờ nhạt, thậm chí, các đối thủ cạnh tranh có thể hợp tác trong những lĩnh vực then chốt.
Thứ ba, về cách thức DN quản lý và sử dụng dữ liệu. Hiện nay, dữ liệu được tạo ra ở mọi nơi, mọi lúc đã ảnh hưởng tới việc chuyển đổi những dữ liệu đó thành thông tin có ích cho các DN. Dữ liệu đặc biệt có giá trị để kết nối các bộ phận trong DN và trở thành tài sản vô hình cốt lõi giúp DN tạo ra giá trị.
Thứ tư, về đổi mới. Đây là quá trình DN phát triển, thử nghiệm và đưa sản phẩm ra thị trường. Công nghệ số hiện nay giúp kiểm chứng sản phẩm nhanh chóng và rẻ hơn nhiều nên bất kỳ ai có thể thử nghiệm liên tục.
Thứ năm, về giá trị DN mang lại cho khách hàng. Giá trị đem lại cho khách hàng thay đổi liên tục theo nhu cầu của khách hàng. Do đó, DN phải không ngừng tìm kiếm giá trị mới để tạo sự hài lòng, niềm tin cho khách hàng.
Đặc điểm của chiến lược kinh doanh số
- So sánh với các chiến lược chức năng khác trong DN, chiến lược kinh doanh số rộng hơn, nổi bật hơn và mang tính tổng quát gồm tất cả các chiến lược chức năng. Chiến lược kinh doanh bao gồm số hóa sản phẩm dịch vụ, thông tin về sản phẩm dịch vụ và mở rộng phạm vi, vượt ra bên ngoài DN và chuỗi cung ứng thành các hệ sinh thái năng động, phá bỏ rào cản ngành truyền thống.
- Về quy mô của chiến lược kinh doanh số. Khi thực hiện chiến lược kinh doanh số, các DN nên cân nhắc vai trò của hiệu ứng mạng lưới và mô hình kinh doanh trên nhiều nền tảng. Chiến lược kinh doanh số đòi hỏi DN phải hiểu cách phát triển năng lực bên trong tổ chức để khai thác hiệu quả dữ liệu đa dạng với số lượng lớn.
- Về tốc độ của chiến lược kinh doanh số. Đây là yếu tố quan trọng giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh cho DN. Tốc độ của chiến lược kinh doanh số có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với các hoạt động ra mắt sản phẩm, ra quyết định, phối hợp chuỗi cung ứng, hình thành và thích nghi với mạng lưới.
- Về nguồn gốc xây dựng và nắm giữ giá trị. Các DN trước đây tập trung vào việc tận dụng nguồn lực hữu hình để xây dựng và nắm giữ giá trị. Chiến lược kinh doanh số bổ sung thêm một số khía cạnh giúp các DN tạo ra giá trị. Giá trị tăng thêm nhờ thông tin, mô hình kinh doanh trên nhiều nền tảng, phối hợp các mô hình kinh doanh qua mạng lưới và kiểm soát hạ tầng số của ngành.
Xu hướng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp viễn thông
Chuyển đổi số đã có những tác động tới các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông bắt đầu với sự xuất hiện của những dịch vụ OTT hay over-the-top (những dịch vụ cung cấp trên internet mà không phải trực tiếp từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như WhatsApp, Skype hay Netflix).
Bên cạnh đó, thói quen, hành vi và nhu cầu người sử dụng cũng thay đổi, họ tìm kiếm những dịch vụ và trải nghiệm tốt, tối ưu hơn. Trước những biến chuyển này, trong những năm qua, ngành Viễn thông đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh doanh thu từ những dịch vụ truyền thống cốt lõi như gọi thoại và nhắn tin, cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp dịch vụ OTT. Để cạnh tranh và bù đắp cho sự sụt giảm về doanh thu từ các dịch vụ truyền thống, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông buộc phải thực hiện các bước chuyển đổi hiệu quả, lấy khách hàng làm trọng tâm để cung cấp những dịch vụ mới, phù hợp, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Số hóa các nội dung và dịch vụ đã làm gia tăng thêm các lựa chọn, sự đổi mới và cạnh tranh giữa các DN và nhà cung cấp dịch vụ. Bởi vậy, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông không thể tiếp tục duy trì cách thức hoạt động như trước. Với sự phát triển nhanh chóng các công nghệ mới, chuyển đổi số đã trở thành một ưu tiên hàng đầu trong ngành. Các nhà cung cấp dịch vụ đang cố gắng tận dụng những tiềm năng mang lại từ mạng hiệu năng cao để đáp ứng những nhu cầu từ khách hàng.
Mạng 5G - Công cụ thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ
Những thay đổi từ sự xuất hiện của “trực tuyến” trong những năm qua đã định nghĩa lại cách thức giao tiếp của con người. Người dùng sử dụng điện thoại thông minh thường xuyên hơn, vì tính tiện lợi và di động. Trong số hơn 3 tỷ người dùng internet trên toàn cầu, đa số sử dụng điện thoại thông minh làm điểm truy cập internet chính. Những thiết bị di động này không chỉ hữu ích cho việc tìm kiếm trên internet, mà còn giúp người dùng quản lý các công việc quan trọng trong cuộc sống của họ.
Để đáp ứng nhu cầu người dùng, đồng thời, làm nền tảng đảm bảo cho quá trình chuyển đổi số được diễn ra thuận lợi, sự phát triển của mạng 5G và băng thông rộng và một yếu tố không thể thiếu. Hạ tầng 5G và băng thông rộng hứa hẹn về khả năng truy cập nhanh hơn và đem lại nhiều dịch vụ phong phú hơn như:
- Tốc độ dữ liệu nhanh hơn 4G gấp 100 lần, truy cập tức thì đến các dịch vụ và ứng dụng với tốc độ tải xuống lên đến 20 GB/s.
- Độ trễ của mạng sẽ được giảm xuống 1 mili giây so với 200 mili giây hiện tại trong 4G.
- Mở rộng khối lượng dữ liệu truy cập lên gấp 000.
Thời gian qua, nhiều quốc gia phát triển đã triển khai và sử dụng thành công 5G trong các lĩnh vực khác nhau. Điều này cũng không ngoại lệ ở Việt Nam khi năm 2020 các nhà mạng đã bắt đầu sản xuất được các thiết bị hạ tầng, làm chủ được công nghệ 5G đã triển khai ở một số khu vực và đạt được những kết quả khả quan. Mục tiêu trong năm 2021 của các nhà mạng viễn thông Việt Nam là triển khai 5G trên diện rộng và hứa hẹn sẽ mang đến nhiều trải nghiệm vượt bậc cho người dùng di động; đồng thời, cũng là nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số cho các DN và phát triển nền kinh tế đất nước.
Xu hướng chuyển đổi số trong ngành Viễn thông
- Internet vạn vật và dữ liệu lớn: Trước hết, xu hướng triển khai các giải pháp IoT vào lĩnh vực viễn thông ngày càng được thúc đẩy nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của khách hàng một cách nhanh, hoàn thiện hơn. IoT giúp kết nối tất cả các thiết bị như các đồ dùng trong nhà hay các hệ thống máy móc trong nhà máy với nhau thông qua mạng không dây (wifi) hoặc mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G, 5G)…
Các thiết bị được kết nối trong hệ thống có khả năng liên lạc, hiểu nhau, cũng như có thể đưa ra phản ứng kịp thời và đồng bộ nhất. Theo Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA), ước tính IoT sẽ tạo ra doanh thu 1,8 nghìn tỷ USD cho các nhà khai thác mạng di động vào năm 2026. Các DNVT có thể tận dụng những cơ hội từ công nghệ này và phát triển các phương pháp, ứng dụng sáng tạo, nhằm tạo ra doanh thu đột phá.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tương lai của ngành Viễn thông để đáp ứng được những nhu cầu khắt khe của DN và khách hàng chính là phân tích dữ liệu lớn. Bằng cách tận dụng các giải pháp IoT, các công ty viễn thông có thể thu thập được khối lượng dữ liệu quan trọng cho DN. Áp dụng quy trình phân tích dữ liệu lớn vào thông tin thu thập được từ các cảm biến IoT, các nhà viễn thông có thể có được những hiểu biết có giá trị về hành vi và cách sử dụng của khách hàng...
- Trí tuệ nhân tạo (AI): Bên cạnh nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông
phải giải quyết những thách thức như tính chất phức tạp của hệ thống mạng, sử dụng tài nguyên không hợp lý, lưu lượng, tắc nghẽn và chậm trễ, lỗi mạng và đường truyền, yêu cầu băng thông ngày càng tăng để đáp ứng được nhu cầu thị trường một cách hoàn thiện nhất.
Với lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập từ các cơ sở khách hàng sử dụng dịch vụ và dữ liệu thanh toán, được chọn lọc từ các thiết bị, mạng, ứng dụng di động, vị trí địa lý… Các công ty viễn thông đang khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo AI để xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu lớn khổng lồ này, nhằm trích xuất thông tin chi tiết có thể hành động và cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt hơn, cải thiện hoạt động và tăng doanh thu thông qua các sản phẩm và dịch vụ mới. Với khả năng giúp quản lý, tối ưu hóa và duy trì đồng thời cơ sở hạ tầng và các hoạt động hỗ trợ khách hàng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã trở thành xu hướng mới nhất trong ngành. Tối ưu hóa mạng, bảo trì dự đoán, trợ lý ảo và robot tự động hoá quy trình (RPA) là những ví dụ về các trường hợp sử dụng mà AI đã tác động đến ngành viễn thông, nâng cao trải nghiệm khách hàng và giá trị gia tăng cho DN nói chung.
- Điện toán đám mây và an ninh mạng: Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông dựa vào cơ sở hạ tầng máy tính lớn để cung cấp các ứng dụng đa dạng, quản lý dữ liệu và lập hóa đơn dịch vụ. Trong quá trình này, các nhà cung cấp dịch vụ luôn phải đổi mới và cập nhật liên tục để cạnh tranh trong môi trường mạng thay đổi nhanh chóng.
Sự tăng trưởng vượt bậc về lưu lượng sử dụng video và di động cũng gây ra nhiều khó khăn cho các nhà mạng viễn thông hiện tại, buộc các nhà cung cấp phải tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới, giúp gia tăng sự hài lòng của khách hàng, giảm được giá thành dịch vụ và hoạt động hiệu quả hơn theo nhu cầu thị trường. Điều này dẫn đến nhu cầu dịch chuyển kiến trúc mạng truyền thống, đầu tư và chuyển dịch lên công nghệ điện toán đám mây của các nhà mạng viễn thông để cải thiện sự nhanh nhạy và giảm chi phí vận hành.
Ngoài những lợi thế truyền thống để nâng cao hiệu quả bên trong, công nghệ điện toán đám mây cho phép chuyển đổi từ mô hình dựa trên sản phẩm sang mô hình dựa trên dịch vụ. Mô hình dịch vụ dựa trên phần mềm có thể áp dụng các tính năng của cơ sở hạ tầng viễn thông truyền thống sẵn có, để quản lý các giao dịch và dịch vụ, mang lại lợi ích đáng kể về tính linh hoạt, thời gian giao hàng, giảm chi phí hoạt động.
Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp viễn thông Việt Nam
Thực tế cho thấy, nhiều DN viễn thông có chiến lược kinh doanh phù hợp đã đạt kết quả khả quan. Tính đến cuối tháng 6/2023, số lượng thuê bao băng rộng di động tại Việt Nam đạt 82%, tăng 9,3% so với tháng 1/2022 (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022). Tốc độ tăng trưởng thuê bao băng rộng di động đứng thứ 69/144 quốc gia, đạt 19%/năm. Số thuê bao băng rộng cố định ước đạt 20,5 triệu thuê bao, tăng 4,4% so với tháng 1/2022, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 60/144 quốc gia.
Trong bức tranh chung của ngành Viễn thông 6 tháng đầu năm 2023 còn có những gam màu ấn tượng. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang ước đạt 77,1%, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 91,8% kế hoạch năm 2023, tỷ lệ người sử dụng internet đạt 78,59%, đã vượt mục tiêu kế hoạch năm 2023 (kế hoạch năm 2023 là 76%).
Số thuê bao băng rộng cố định đạt 22,14 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 22,26 thuê bao/100 dân), tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 88,6% kế hoạch năm 2023. Số thuê bao băng rộng di động đạt 86,2 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 86,67 thuê bao/100 dân), tăng 5,67% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 95,2% kế hoạch năm 2023. Số thuê bao sử dụng điện thoại di động thông minh ước đạt 101,12 triệu thuê bao, tăng 8,73% so với cùng kỳ năm 2022.
Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) là DN viễn thông có kết quả kinh doanh tốt nhất trong 6 tháng đầu năm khi đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, với doanh thu đạt 81 nghìn tỷ đồng xấp xỉ đạt 101,2% kế hoạch; lợi nhuận đạt 24,1 nghìn tỷ đồng xấp xỉ 102% kế hoạch 6 tháng; nộp NSNN 21,6 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch 6 tháng.
Trong lĩnh vực viễn thông di động, Viettel đạt mức tăng trưởng tốt; giữ vị trí số 1 về thị phần thuê bao di động (chiếm tỷ lệ 53,8%) ; đồng thời, tích cực chuyển dịch thuê bao 2G, 3G lên 4G, nâng tỷ lệ thuê bao 4G/ tổng số thuê bao đạt khoảng 78%. Dịch vụ viễn thông nước ngoài của Viettel cũng tăng trưởng trên 20%, trong đó 5 thị trường tiếp tục giữ vững vị trí số 1 gồm: Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor và Burundi.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Viettel đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 93.500 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 174.500 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm. Tương tự, mức lợi nhuận mục tiêu trong 6 tháng cuối năm 2023 của Viettel là 21.000 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 45.100 tỷ đồng, qua đó hoàn thành 100% kế hoạch năm. DN cũng dự kiến nộp ngân sách nhà nước 16.500 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2023, lũy kế cả năm sẽ là 38.100 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch.
Về phía Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), doanh thu hợp nhất của tập đoàn này 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 26.323 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 18.600 tỷ đồng, bằng 47,1% kế hoạch năm, bằng 100,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VNPT trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.196 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 1.386 tỷ đồng, bằng 49,7% kế hoạch năm, bằng 101% so với cùng kỳ.
Trong số các nhà mạng lớn, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mang gam màu trầm hơn. Doanh thu của nhà mạng này trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 13.482 tỷ đồng, chỉ tương đương 89,3% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.566 tỷ đồng, đạt 69,5% cùng kỳ năm 2022. MobiFone cũng nộp ngân sách nhà nước là 1.347 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023...
Có thể khẳng định, chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đến 5 khía cạnh của chiến lược bao gồm khách hàng, cạnh tranh, đổi mới, dữ liệu và giá trị. Với các đặc điểm bao quát, quy mô lớn hơn, tốc độ nhanh hơn và nguồn gốc tạo ra giá trị là sự kết hợp của cả các yếu tố hữu hình và vô hình. Những yếu tố cốt lõi các DN cần quan tâm để chiến lược kinh doanh số thành công bao gồm quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng, phân bổ lại nguồn lực và tái cơ cấu tổ chức, xác định tư duy và lịch trình chuyển đổi số, xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số. Xác định tầm nhìn và vị thế của doanh nghiệp trong bối cảnh mới, biến dữ liệu đang dạng và dồi dào thành thông tin có ý nghĩa, chuỗi cung ứng biến đổi nhanh và chủ động hợp tác với bên ngoài. Bất chấp những thách thức, chuyển đổi số trong các DN viễn thông đang diễn ra mạnh mẽ, quá trình này hứa hẹn sẽ được thúc đẩy hơn nữa trong tương lai. ^
Tài liệu tham khảo:
- Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt 2021, Hội thảo Phát triển 5G và Hạ tầng băng rộng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam;
- 2017. GSMA Highlights US$1.8 Trillion IoT Revenue Opportunity for Mobile Network Operators;
- Rogers, D. (2016), The digital transformation playbook - Rethink your business for the digital age. New York, US: Columbia University Press;
- Holutiuk, F. & Beimborn, D. (2017), Critical success factors of digital business strategy. Wirtschaftsinformatik 2017 Proceedings, Track 9.