Chiến lược phát triển kinh tế của Singapore: Cú hích cho tăng trưởng

Theo daibieunhandan.vn

Trong nỗ lực nhằm tạo cú hích cho nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, Chính phủ Singapore đã công bố kế hoạch đầy tham vọng nhưng có tính khả thi cao để thúc đẩy phát triển kinh tế với 7 chiến lược cụ thể.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Chiến lược cấp bách

Các chiến lược phát triển là ý tưởng của Ủy ban Kinh tế tương lai (CFE), một hội đồng có 30 thành viên đứng đầu các cơ quan kinh tế chủ chốt tại Singapore.  Bảy chiến lược mới sẽ tập trung vào các lĩnh vực: mở rộng và đa dạng hóa các kết nối quốc tế nhằm tăng cường liên kết với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới; hình thành các kỹ năng chuyên sâu cho người lao động; tăng cường năng lực doanh nghiệp để đổi mới và mở rộng quy mô; tạo lập một nền tảng kỹ thuật số mạnh mẽ; xây dựng một thành phố sôi động và kết nối các cơ hội; chuyển đổi cơ cấu thúc đẩy các ngành công nghiệp; xây dựng các quan hệ đối tác để cùng nhau phát triển và đổi mới. 

Đáng chú ý, CFE khuyến nghị chính phủ cần thúc đẩy thương mại và hợp tác đầu tư, tận dụng việc giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan thông qua các sáng kiến như Cộng đồng Kinh tế ASEAN hay các hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực; thành lập một Liên minh Đổi mới toàn cầu để tạo sự gắn kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy đổi mới. 

Bên cạnh đó, những lộ trình phát triển các ngành công nghiệp cụ thể cần tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của từng ngành, nhóm lại thành các cụm để sự chuyển đổi của một ngành công nghiệp có thể tác động lan tỏa tích cực đến các ngành, lĩnh vực khác. Mặt khác, CFE cũng kêu gọi xem xét lại hệ thống thuế hiện hành, dựa trên nguyên tắc bảo đảm áp dụng trên diện rộng, tiến bộ và công bằng, cũng như duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng. 

Lý giải về việc đưa ra các chiến lược mới này, CFE cho rằng “xu hướng chống toàn cầu hóa sẽ làm suy yếu thương mại quốc tế, gây tổn thương cho các nền kinh tế, nhất là đối với Singapore - một nền kinh tế nhỏ nhưng lại có độ mở lớn”. Tuy môi trường toàn cầu đầy thách thức, song theo CFE vẫn có “nhiều cơ hội” để Singapore đổi mới, phát huy được tiềm năng, duy trì kết nối và giữ được sự gắn kết với thế giới.

Bước đi kịp thời

Theo các chuyên gia kinh tế, các chiến lược phát triển kinh tế trên hợp thời và cần thiết sau khi đảo quốc sư tử vừa trải qua năm 2016 nhiều sóng gió. Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2016 trong khoảng từ 1% đến 1,5%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Trước đó, Chính phủ Singapore đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu những “cơn gió ngược” từ bên ngoài và cơ cấu lại nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. 

Trong năm 2016, nền kinh tế mở và phụ thuộc thương mại của Singapore nhìn chung bị thiệt hại do suy thoái theo chu kỳ toàn cầu. Sự sụt giảm liên tục của giá dầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp liên quan đến dầu mỏ và việc xây dựng các giàn khoan.

Nhu cầu từ Trung Quốc cũng chậm lại khi Bắc Kinh tái cơ cấu nền kinh tế riêng. Những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu xuất phát từ sự kiện cử tri Vương quốc Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, trong khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng đã tạo ra những thách thức mới.    

Các ngành dịch vụ của Singapore đang bị đe dọa. Ngành hàng không và vận chuyển quốc gia đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng hàng không ở Trung Đông cũng như những khu vực cạnh tranh mới nổi từ Đông và Đông Nam Á.

Vị trí của Singapore như một trung tâm trung chuyển trong khu vực, vận tải đường biển và dịch vụ hậu cần cũng đang bị ảnh hưởng bởi các tuyến đường thương mại mới và cơ sở hạ tầng ở Bắc Băng Dương, khu vực xuyên Á và các nước ASEAN.

Ở trong nước, các doanh nghiệp Singapore đang chịu gánh nặng của chi phí vận hành cao, các chính sách hạn chế tiếp cận lao động nước ngoài và hiệu suất yếu. Xuất khẩu giảm trong khi sản xuất đang đối mặt với chi phí cao, thiếu lao động, đất đai… Sự suy thoái theo chu kỳ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Dân số và lực lượng lao động già đi nhanh chóng cũng ảnh hưởng đến chi phí y tế và an sinh xã hội. Bước vào năm 2017, triển vọng tăng trưởng của Singapore vẫn khá ảm đạm. Trong bối cảnh kinh tế u ám như vậy, chiến lược kinh tế của chính phủ là để chuẩn bị cho những thách thức trước mắt và lâu dài thông qua đổi mới, kinh doanh và kỹ năng cũng như nâng cao hiệu suất năng suất.