Thành viên APEC ưu tiên hội nhập kinh tế lên vị trí hàng đầu

Theo baoquocte.vn

Dù còn khoảng cách khá xa để đạt mục tiêu tự do hóa thương mại, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vẫn cần tiếp tục theo đuổi con đường hội nhập kinh tế và coi đây là ưu tiên hàng đầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lim Hng Kiang đưa ra phát biểu trên tại Hội nghị Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) Singapore ngày 13/2.

Bộ trưởng Lim Hng Kiang khẳng định tầm nhìn của APEC sẽ vẫn là thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác kinh tế sâu rộng hơn và tăng cường hội nhập trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Lim Hng Kiang thừa nhận APEC đang phải đối mặt với nhiều thách thức để thực hiện tầm nhìn này, như tình trạng thất nghiệp, bất bình đẳng thu nhập và vấn đề nhập cư... đặc biệt là lợi ích từ toàn cầu hóa chưa được phân bố một cách đồng đều khiến xu thế bảo hộ thương mại tăng lên.

Bên cạnh đó, đại diện Singapore cũng nhấn mạnh, việc ngắt kết nối các chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh các nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay sẽ dẫn đến việc thị trường bị thu hẹp và hạn chế việc làm, người tiêu dùng sẽ phải chịu chi phí cao hơn đồng nghĩa với lựa chọn ít hơn.

Theo Bộ trưởng Lim Hng Kiang, việc thực hiện Khu vực Mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) nên tiếp tục là "chìa khóa" trong chương trình nghị sự của APEC để tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và góp phần vào việc thực hiện mục tiêu tự do hóa thương mại.

Đặc biệt, chính phủ các nền kinh tế thành viên cần đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục và đào tạo để nâng cao kỹ năng cho người lao động cũng như triển khai mạnh các sáng kiến để hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp và 50% lực lượng lao động của các nền kinh tế APEC; tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết, với tư cách là nước chủ nhà đăng cai APEC 2017, Việt Nam nỗ lực cùng với các thành viên thảo luận các vấn đề dựa trên 4 trụ cột của APEC và đã đạt được sự đồng thuận rất cao.

Hiện tại, chuẩn bị cho Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất (SOM 1) tại Nha Trang vào đầu tháng 3 tới, Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các kiến nghị và sáng kiến trên tất cả các lĩnh vực để có thể đưa ra bàn thảo cùng các thành viên, bao gồm: Tăng cường liên kết kinh tế khu vực; Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao tính cạnh tranh của kỷ nguyên số; Xây dựng nền nông nghiệp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tiến tới thống nhất để có thể đưa lên cấp cao hơn là ở Hội nghị Bộ trưởng và sau đó là các nhà lãnh đạo tại Tuần lễ cấp cao APEC vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thành công của APEC 2017 hay việc APEC có đem lại lợi ích cho các nền kinh tế thành viên cũng như cho cộng đồng dân cư ở từng nền kinh tế thành viên được hay không phụ thuộc vào sự đóng góp của tất cả các thành viên, trong đó Việt Nam sẽ đóng vai trò đầu tàu thông qua việc kiên trì đường lối cải cách cũng như hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm như làm sâu sắc hơn mục tiêu của APEC gắn với liên kết, hội nhập, tự do hóa thương mại, đầu tư và kết nối... trong bối cảnh mới là phải thích ứng với những vấn đề đang nảy sinh và sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những năm trước mắt như chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy; tăng trưởng toàn diện, bền vững; ứng phó biến đổi khí hậu; giáo dục đào tạo kỹ năng để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Singapore về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (SINCPEC), TS. Tan Khee Giap chia sẻ rằng, APEC có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy thương mại đầu tư, đóng góp vào cho sự tăng trưởng và thịnh vượng chung ở khu vực cũng như xóa đói giảm nghèo, đồng thời khẳng định Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho tiến trình này.

Với việc đăng cai APEC 2017, Việt Nam cần thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy toàn cầu hóa, tạo sự gắn kết giữa các thành viên APEC nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại cũng như đưa tăng trưởng đến với mọi người dân, tạo sự thịnh vượng và phát triển bền vững ở khu vực.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), TS. Võ Trí Thành cho rằng, vai trò của APEC không những không bị suy giảm đi trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng mà ngược lại, sẽ càng tăng cường bởi chính lúc này.

TS. Thành nhấn mạnh, APEC cần đi đầu, cất cao tiếng nói đẩy mạnh công cuộc hội nhập, liên kết ở khu vực, tính đến những đòi hỏi, yêu cầu mới một cách đầy đủ hơn, như vấn đề tăng trưởng toàn diện, thích ứng với biến đổi khí hậu hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.