Chiến lược phát triển thương mại trong 10 năm tới ra sao?

Theo laodong.com.vn

Theo PGS.,TS. Hoàng Thọ Xuân – Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), một số định hướng lớn trong chiến lược phát triển thương mại trong nước 10 năm tới là tiếp tục củng cố, phát triển chợ truyền thống trên thị trường nông thôn và phát triển đông đảo các cửa hàng tiện lợi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thông tin được nêu ra tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025” tổ chức sáng 14/12 tại Hà Nội.

Theo PGS.,TS. Hoàng Thọ Xuân, trong 4 phân ngành (nghề) của ngành dịch vụ phân phối, dịch vụ bán lẻ là phân ngành phát triển mạnh mẽ nhất. Các nhà phân phối, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, tập trung đầu tư chủ yếu vào phương thức cung cấp dịch vụ phân phối là hiện diện thương mại. Xu hướng mới là thương mại hiện đại phát triển nhanh chóng, lấn lướt thương mại truyền thống; gắn lưu thông với sản xuất, chế biến và hình thành nên các chuỗi cung ứng hàng hóa.

PGS.,TS. Hoàng Thọ Xuân cho rằng, áp dụng lý thuyết về phân khúc thị trường, trọng tâm sẽ là chợ dân sinh (hạng III, bán lẻ) loại chợ có vị trí và vai trò quan trọng nhất trên thị trường nông thôn, nơi đáp ứng chủ yếu các nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân. Ngoài ra, sẽ phát triển một lực lượng đông đảo các cửa hàng tiện lợi, phân bố rộng khắp, trở thành “người nội trợ” cho mọi nhà.

Theo ông Xuân, đối với Việt Nam, để dẫn dắt và lôi cuốn hàng triệu hiệu tạp hóa, cửa hàng nhỏ lẻ của hộ kinh doanh vào con đường hội nhập và phát triển cần phải có chính sách hỗ trợ, nâng đỡ thiết thực, cả từ phía Nhà nước lẫn các doanh nghiệp “đàn anh”. Nếu không nhanh, “miếng bánh” còn lại này sẽ rơi nốt vào tay các nhà đầu tư FDI.

Tại hội thảo, ông Phạm Nguyên Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại khẳng định, trải qua 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại Việt Nam đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế trong nước và thế giới, góp phần cải thiện sức cạnh tranh cũng như tăng trưởng kinh tế.

Điều này thể hiện qua việc hoạt động xuất nhập khẩu không ngừng được mở rộng cả về thị trường và danh mục hàng hóa, dịch vụ với giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng nhanh, cơ cấu và chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu được cải thiện theo hướng gia tăng các mặt hàng chế biến, giá trị gia tăng cao.

Cùng với đó, thương mại trong nước cũng chuyển biến mạnh mẽ theo cơ chế thị trường với tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội thường xuyên đạt ở mức 2 con số, tỷ trọng bán lẻ hàng hóa qua các loại hình thức thương mại hiện đại tăng nhanh.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Nguyên Minh, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tăng trưởng xuất khẩu trong những năm qua chưa thực sự vững chắc. Hầu hết chất lượng tăng trưởng và hiệu quả xuất khẩu còn thấp, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu dù đã chuyển dịch mạnh sang hàng chế biến, chế tạo nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, nhập siêu vẫn là nguy cơ, cơ cấu nhập khẩu cũng còn không ít bất cập.

Đồng thời, kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào tăng trưởng thương mại, khai thác tài nguyên, khoáng sản, xuất khẩu nông sản thô với hàm lượng chế biến thấp và gia công hàng hóa ở công đoạn thấp của chuỗi giá trị như dệt may, da giày, điện tử…

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn 2016-2025 Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, tham gia ngày càng nhiều vào các quá trình hợp tác khu vực và thế giới, đa phương, đa chiều, đa lĩnh vực; trong đó thương mại là một trong những lĩnh vực trọng tâm.

Trao đổi bên lề hội thảo, PGS.,TS. Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, năm 2017 sẽ mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động kinh tế của VN với nhiều cơ hội đến từ các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc… Một số mặt hàng chủ lực như rau quả bắt đầu vào được những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Châu Âu vào năm 2016, sẽ tiếp tục được mở rộng vào năm 2017.

Mặt khác, ông Thắng cho rằng, dù Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có được ký kết hay không thì các quy định của hiệp định này sẽ luôn là hình mẫu để các doanh nghiệp Việt Nam nâng sức cạnh tranh và vươn lên.