Chiến lược phát triển tương lai của kinh tế tuần hoàn

Trần Dũng

Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế thẳng sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam. Việt Nam đang dần thay đổi cách tiếp cận, chuyển đổi từ mô hình “kinh tế truyền thống” sang “kinh tế tuần hoàn”.

Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững
Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững

Kinh tế tuần hoàn là một nguyên lý phát triển để có thể sử dụng hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phát triển kinh tế tuần hoàn cũng là cách để Việt Nam giải bài toán khó về môi trường. Kinh tế tuần hoàn sẽ dẫn dắt việc thực hiện thay thế sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, phát triển kinh tế tuần hoàn là sự lựa chọn đúng đắn để tìm đến một mô hình kinh tế bền vững hơn.

Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, yếu tố quan trọng nhất, quyết định chính là công nghệ. Cùng với đó phải đổi mới sáng tạo và kinh tế tri thức sẽ quyết định vấn đề thiết kế để cả hệ thống kinh tế, từng lĩnh vực đến từng doanh nghiệp liên kết với nhau, mang lại hiệu quả lợi ích cho tất cả mọi người. Nền kinh tế này sẽ kết nối được mọi người dân từ khâu sản xuất, tiêu dùng đến tái chế, tái sử dụng.

Việt Nam đã có chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn. Mặc dù chưa có quy định pháp luật cụ thể và cách tiếp cận một cách hệ thống về triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, nhưng nhiều chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng của kinh tế tuần hoàn.

Điển hình như: Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải; phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, cộng sinh công nghiệp… và nhiều mô hình thực tiễn về kinh tế tuần hoàn cũng đã được triển khai.

Chính vì vậy, cần hệ thống hóa một cách bài bản hơn các vấn đề liên quan đến kinh tế tuần hoàn, chuẩn bị đưa vào chiến lược phát triển trong thời gian tới của Việt Nam.

Ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực tháng 1 năm 2022 cũng đã khẳng định và đặt cơ sở pháp lý rất cụ thể của nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn…

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã khẳng định vai trò của nền kinh tế tuần hoàn cùng với các nền kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp hướng đến phát triển bền vững, đồng thời khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “Xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo cụ thể về chủ trương này. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất.

Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường đến phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp. Đây là nền kinh tế thay đổi cơ bản về nguyên lý và tư duy phát triển; chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.

So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.