Chiến thuật làm cho đồng tiền lên giá
Tuần rồi trên tờ The Wall Street Journal có bài phân tích cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã sử dụng công cụ phái sinh hoán đổi ngoại hối (FX swap) làm đồng Nhân dân tệ (NDT) lên giá. Đây không phải lần đầu tiên họ làm điều này. Bây giờ để hiểu chiến thuật của PBoC trước hết ta cần hiểu thế nào là FX swap.
Nói đơn giản, có hai chân đứng trong một giao dịch FX swap điển hình. Chân thứ nhất bán (hoặc mua) một đồng tiền với tỷ giá thị trường hiện tại (tỷ giá giao ngay). Chân thứ hai đồng thời thực hiện giao dịch ngược lại là mua (hoặc bán) đồng tiền đó với tỷ giá thỏa thuận cho một thời kỳ nhất định (tỷ giá kỳ hạn).
Đồng NDT hiện đang mất giá quá nhanh nhưng vấn đề là PBoC lại không muốn chúng biến động vượt khỏi tầm kiểm soát, trong khi lại không muốn mất đô la dự trữ để mua vào đồng NDT, PBoC vì vậy đã thực hiện các giao dịch FX swap. PBoC đã làm gì?
Theo đó, PBoC mua đô la từ các định chế tài chính trong nước với tỷ giá giao ngay (được điều khiển thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước), đồng thời PBoC cam kết bán hợp đồng kỳ hạn đồng đô la cho các ngân hàng thương mại này. Việc PBoC cam kết bán với số lượng lớn đồng đô la trên các hợp đồng kỳ hạn có tác dụng làm cho cung đô la kỳ hạn tăng lên và do đó làm cho tỷ giá giao ngay tương lai của đồng đô la yếu đi. Lưu ý là không có đồng dự trữ ngoại hối nào mất đi trong FX swap. Đó là hiệu ứng xuôi làm cho NDT mạnh lên.
Hiệu ứng ngược là kỳ vọng về NDT mạnh lên trong tương lai sẽ tác động trở lại vào tỷ giá giao ngay hiện thời. Nó làm cho niềm tin vào NDT tăng lên, hay chí ít cũng không làm NDT mất giá quá mức ngoài tầm kiểm soát. FX swap theo cách này đã làm cho NDT mạnh lên thay cho việc PBoC phải tăng lãi suất hoặc/và bán ra dự trữ ngoại hối. FX swap còn phát đi tín hiệu đến những ai bán khống NDT, rằng họ phải trả giá nếu như sau đó NDT lên giá. Nếu thuyết phục thị trường tin vào điều này, phải chăng PBoC đang phát đi tín hiệu NDT sẽ không bị mất giá nhiều hơn nữa từ nay đến cuối năm?
Công cụ hữu hiệu của các ngân hàng trung ương
Thiết nghĩ đã đến lúcNgân hàng Nhà nước nên cân nhắc để xem FX swap như là một công cụ mới của chính sách tiền tệ, ít nhất là ở giai đoạn căng thẳng trên thị trường ngoại hối hiện nay.
Trong những giai đoạn khủng hoảng, nhiều ngân hàng trung ương (NHTƯ) cố tình bán đô la với tỷ giá kỳ hạn “mềm”, tức bán rẻ hơn giá trị hợp lý của nó là chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền. Việc bán đô la kỳ hạn có tính toán này với chủ đích làm tăng tỷ suất sinh lợi thực như là phần thưởng cho những ai dám bán giao ngay ngoại tệ cho NHTƯ và gửi tiền vào các ngân hàng thương mại hoặc đầu tư vào trái phiếu chính phủ. FX swap theo cách này rõ ràng có tác dụng khuyến khích các định chế tài chính có nguồn thu bằng đô la (hoặc vay đô la ở nước ngoài) bán lại để nhận đồng nội tệ và đầu tư trở lại vào nền kinh tế.
Ngoài ra, đối với các quốc gia theo cơ chế tỷ giá linh hoạt, FX swap chẳng những là một thành tố không thể thiếu của cơ chế tỷ giá hướng về thị trường mà còn là công cụ hữu hiệu giúp các NHTƯ bảo vệ dự trữ ngoại hối, giảm tính bất ổn cao của tỷ giá, duy trì sự ổn định hệ thống tài chính.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm cách tháo vốn ra nước ngoài, FX swap còn giúp cải thiện tính thanh khoản của thị trường tiền tệ, NHTƯ các nước vì vậy đã dùng FX swap như là một công cụ của chính sách tiền tệ để hãm đà mất giá quá mức của đồng nội tệ, nhất là trong thời điểm chiến tranh thương mại căng thẳng như hiện nay. Trong số đó, cách làm của NHTƯ Brazil có thể là bài học quý để chúng ta học tập.
Họ thỉnh thoảng đem bán đấu giá số lượng lên đến hàng chục tỉ đô la kỳ hạn trên thị trường (mỗi hợp đồng có giá trị khái toán 50.000 đô la và tất cả được chi trả bằng đồng nội tệ) thông qua FX swap với các định chế tài chính. Trong nhiều trường hợp, FX swap của NHTƯ Brazil đã làm cho tỷ giá đồng real/đô la chuyển động đúng theo mục tiêu của họ trong điều hành tỷ giá hướng về điểm cân bằng. Những thành công này khiến cho NHTƯ Brazil liên tục thực hiện FX swap kể từ khi triển khai giao dịch này vào năm 2011 đến nay. Từ kinh nghiệm của Brazil, ngày càng có nhiều NHTƯ các nền kinh tế mới nổi Thái Lan, Malaysia, Indonesia...cũng đã triển khai các FX swap trong những giai đoạn thị trường tài chính có những xáo động mạnh.
Ngân hàng Nhà nước nên có thêm công cụ FX swap
Thời gian qua đã có nhiều quan điểm tranh luận về chính sách tỷ giá của Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng và đồng NDT mất giá mạnh. Câu hỏi đặt ra là liệu có nên phá giá tiền đồng? Nhân câu chuyện trên tờ The Wall Street Journal và việc ngày càng có nhiều NHTƯ ở các nền kinh tế mới nổi sử dụng FX swap, ta thử xem xét vấn đề này ở Việt Nam.
Với những lợi ích hiển nhiên mà NHTƯ các nước sử dụng FX swap mang lại cho nền kinh tế, thiết nghĩ đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên cân nhắc để xem FX swap như là một công cụ mới của chính sách tiền tệ. Ít nhất ở giai đoạn căng thẳng trên thị trường ngoại hối hiện nay, nếu như NHNN có sẵn công cụ FX swap, đó có thể là một lựa chọn chính sách khả dĩ để làm giảm sức ép tỷ giá tiền đồng/đô la và đã không phải sử dụng quá nhiều dự trữ ngoại hối hoặc làm cho lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng lên đáng kể thời gian gần đây.
Tuy nhiên sử dụng FX swap cũng phải chú ý đến những hệ lụy không mong muốn mà nó mang lại. Trước hết, đó là quy mô và tần suất của các lần can thiệp phải vừa đủ và đúng lúc. Nếu sử dụng FX swap quá mức và nhiều lần, thị trường sẽ giảm dần niềm tin vào các cam kết bán ngoại hối kỳ hạn của NHNN. FX swap thường chỉ hiệu quả cho các kỳ hạn ngắn từ 3-9 tháng hơn là các kỳ hạn dài. Mặc dù vậy, thường thì các NHTƯ có khả năng sử dụng các kỹ thuật luân chuyển liên tục các hợp đồng FX swap để giãn các hợp đồng FX swap cho các kỳ hạn dài hơn.
Tiếp đến là tính độc lập và uy tín của NHNN. Nếu công chúng và nhà đầu tư tin tưởng vào uy tín và tính độc lập của NHNN, tỷ giá tương lai (futures exchange rate) sẽ đóng vai trò gần như thay thế cho tỷ giá hiện tại. Hoán đổi FX thực ra cũng chính là phép “hoán đổi thời gian”. Các nhà đầu tư nhìn vào dáng đi của tỷ giá trong tương lai sẽ đoán định được lập trường chính sách mà NHNN muốn phát tín hiệu đến “hiện tại” là tỷ giá giao ngay.
Hiện tại tỷ giá tuy đang có nhiều xáo trộn nhưng “tương lai” sẽ ổn nếu thị trường vẫn đặt giả thuyết vài tháng đến mọi điều sẽ trở lại bình thường (đó có thể là cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư, dòng vốn quốc tế chảy vào nhiều chẳng hạn). Trong trường hợp này, các giao dịch FX swap dễ thành công và thị trường sẽ nhìn vào sự ổn định của tỷ giá thị trường kỳ hạn, họ cũng xem đó giống như một cam kết ngầm định của NHNN về sự ổn định trong kinh doanh của họ trong tương lai vậy. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu NHTƯ không đủ độc lập và uy tín, càng giao dịch FX swap càng làm cho tỷ giá giao ngay tăng vọt vượt mức.
Thời gian qua NHNN vẫn không thay đổi chính sách lãi suất đô la bằng 0, sự kiên định này đã phần nào cho thấy có tác dụng tích cực làm giảm hiện tượng đô la hóa và những bất ổn trong tỷ giá. Nhưng trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chiến tranh tiền tệ ngày càng lan rộng và không biết khi nào đến hồi kết, ngoài các công cụ truyền thống như bán đô la dự trữ can thiệp hay tăng lãi suất để bảo vệ tiền đồng trước nguy cơ bị phá giá, NHNN cũng phải thật nhanh chóng sớm kết thúc quan hệ vay mượn ngoại tệ, đồng thời tạo khung pháp lý cho FX swap (và nhiều công cụ phái sinh tỷ giá khác như FX option giữa hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp) tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên FX swap chỉ là chiến thuật ngắn hạn làm dịu đi các bất ổn trong tỷ giá chứ không phải chiến lược căn cơ dài hạn. Dù vậy, các can thiệp trực tiếp như bán dự trữ ngoại hối và can thiệp gián tiếp như tăng lãi suất hay FX swap giống như các tuyến phòng thủ lớp lớp đan xen dựa vào nhau phía trước để bảo vệ đồng tiền không bị mất giá mạnh. Nhưng nếu như tuyến phòng thủ cuối cùng là lạm phát mục tiêu ở phía sau bị vỡ trận, cho dù có triển khai bao nhiêu công cụ và có muốn nói gì thì cũng không vì thế mà niềm tin vào tiền đồng tự động tăng lên.