Thị trường nội địa - Lá chắn bảo vệ Trung Quốc trong chiến tranh thương mại
Các công ty Trung Quốc đại lục kinh doanh đủ mọi loại mặt hàng, từ túi xách cho đến thực phẩm tươi, bóng đèn trang trí Giáng sinh đang cố gắng kích cầu tiêu dùng nội địa.
Ngày 11/7/2018, doanh nhân Trung Quốc Zhuo Peihui nhận ra rằng khoản lợi nhuận vốn đã thấp mà anh thu được từ bán đồ nội thất gỗ sang Mỹ trong 13 năm qua sẽ “bốc hơi”. Lý do là bởi mặt hàng bàn trang điểm và bàn ăn tối do hơn 100 công nhân trong xưởng của anh sản xuất tại tỉnh Quảng Đông đã bị đưa vào danh mục hàng hóa bị tăng thuế khi vào Mỹ mà Tổng thống Trump đưa ra.
Tổng thống Trump cho rằng việc trừng phạt Trung Quốc bằng sắc thuế cao hơn sẽ buộc Trung Quốc phải ngừng lại những hoạt động thương mại mà theo chính quyền Trump hết sức thiếu công bằng.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc có ít nhất 1 chiến lược để hạn chế tác hại của các biện pháp thuế: Trung Quốc hối thúc 1,4 tỷ người tiêu dùng nước này, đặc biệt những người tiêu dùng trung lưu ngày một giàu có, chi tiêu nhiều như người Mỹ.
Năm 2018, Trung Quốc bán vào Mỹ 29,2 tỷ USD hàng nội thất. Theo tính toán của Deustche Bank, việc chính quyền Mỹ tăng thuế với khoảng 200 tỷ USD hàng Trung Quốc sẽ có nhiều tác động lên ngành kinh doanh đồ nội thất. Mặt hàng này sẽ bị áp mức thuế 10% hoặc thậm chí 25%.
Những doanh nhân như ông Zhuo và nhiều hãng sản xuất nội thất khác đang phải cố gắng tìm thị trường ở gần địa điểm sản xuất, ông Zhou nói: “Dù thị trường nội địa mới với chúng tôi và cạnh tranh vô cùng khốc liệt, ít nhất ở đây có nhu cầu. Thị trường rộng lớn, người tiêu dùng đang chấp nhận trả thêm tiền để mua được những sản phẩm tốt”.
Khi mà căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một tồi tệ hơn, các công ty Trung Quốc đại lục kinh doanh đủ mọi loại mặt hàng, từ túi xách cho đến thực phẩm tươi, bóng đèn trang trí Giáng sinh đang cố gắng kích cầu tiêu dùng nội địa.
Có thể kể đến ví dụ về công ty Taizhou Tianhe Aquatic Products. Tại trụ sở của công ty tại tỉnh Chiết Giang miền đông Trung Quốc, hơn 1.000 công dân sản xuất mỗi năm khoảng 10 nghìn tấn hải sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu và Australia.
Những mặt hàng này sẽ phải chịu mức thuế cao hơn tại Mỹ. Nhưng thật may mắn cho Taizhou Tianhe, người trẻ Trung Quốc rất thích các mặt hàng cũng được bán chạy tại châu Âu và Mỹ. Giờ đây, đại diện công ty cho biết thậm chí họ có thể bỏ luôn thị trường Mỹ nếu kinh doanh tại đây khó khăn quá.
Ngay cả từ trước khi căng thẳng thương mại lên cao, sức mua ngày một lớn dần của người tiêu dùng Trung Quốc vốn đã thu hút nhiều công ty sản xuất nội địa vốn thường sản xuất hàng bán ra nước ngoài. Tiêu dùng người dân đóng góp khoảng hơn 39% tổng GDP của Trung Quốc trong năm 2016 và 2017, tỷ lệ cao nhất tính từ năm 2005.
Thêm một thách thức lớn đối với các công ty sản xuất tại Trung Quốc đại lục: Nhiều người Trung Quốc thường nghĩ rằng thương hiệu nội địa đi kèm với chất lượng kém. Tuy nhiên với những doanh nghiệp đã có tiếng về bán hàng sang Mỹ hay châu Âu, họ có lợi thế. Nhiều người tiêu dùng tin rằng nếu công ty đó có thể xuất hàng sang Mỹ, điều đó đồng nghĩa với việc chất lượng hàng hóa tốt, như vậy họ sẽ có lợi thế trong phát triển thị trường nội địa.