Chiến tranh thương mại và bài toán nguồn nhân lực của Mỹ trong tương lai
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng căng thẳng đã thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông quốc tế. Các nhà phân tích, chuyên gia kinh tế và bình luận đã bắt đầu lo lắng tới những hậu quả quan trọng lâu dài của chiến tranh thương mại trên phạm vi rộng hơn.
Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Mỹ và các quốc gia khác trong đó có EU được dự đoán sẽ nhanh chóng leo thang thành các cuộc xung đột địa chính trị rộng lớn. Điều này còn có thể dẫn tới một kịch bản tệ hơn, đó là sẽ ngăn chặn dòng chảy không chỉ của hàng hóa mà còn cả con người, qua các biên giới quốc tế. Và Mỹ lại chính là quốc gia chịu tổn thất khi đứng trước nguy cơ khủng hoảng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Nguồn lao động chất lượng cao của Mỹ sẽ sụt giảm
Theo báo cáo của cục thống kê lao động Hoa Kỳ tháng 5/2019, năm 2018 nước Mỹ có tới 28,2 triệu người lao động nhập cư, chiếm 17% tổng số trong lực lượng lao động nước này. Trong đó, người gốc Tây Ban Nha chiếm gần một nửa lực lượng và người châu Á chiếm 1/4.
Xét theo trình độ học vấn của nhóm người lao động nước ngoài so với lao động bản địa thì hai nhóm có trình độ học vấn tương đương nhau. Tuy nhiên, các cá nhân sinh ra ở nước ngoài từ một số khu vực trên thế giới có trình độ học vấn cao hơn đáng kể so với toàn bộ dân số sinh ở nước ngoài nói chung. Nổi bật nhất là lực lượng đến từ các nước Đông Á.
Và trong số các nước châu Á, thì trình độ và học vấn của người Mỹ gốc Á hoặc lực lượng lao động nước ngoài có thu nhập cao tại Mỹ thuộc về người Hàn Quốc và Trung Quốc.
Như vậy, nhìn vào hiện trạng người lao động nhập cư từ các nước khác trong bức tranh chung về lực lượng lao động Mỹ, Tổng thống Trump càng siết chặt các đạo luật và tự do thương mại, các công ty Mỹ sẽ càng khó khăn hơn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực tài năng tương lai, đặc biệt là nguồn nhân lực tới từ châu Á hoặc EU.
Theo báo cáo của www.cyberstates.org công bố năm 2019, ngành công nghệ ở Mỹ chiếm tới 11,8 triệu việc làm/tổng số việc làm cả nước. Và trong năm 2018, có 261.000 việc làm mới được tạo ra trong ngành này. Ngành công nghệ hàng năm cũng mang về cho Mỹ lên tới 1,8 nghìn tỷ USD sản lượng kinh tế trực tiếp, chiếm 10,2% nền kinh tế quốc dân. Những con số này cho thấy nhu cầu nhân sự phục vụ cho ngành công nghệ tại Mỹ là rất lớn trong cả hiện tại và tương lai.
Nhưng thực tế lực lượng lao động trong ngành công nghệ đến từ người Mỹ bản xứ không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của ngành này. Các công ty ở thung lũng Silicon đã và đang phải nỗ lực thu hút rất nhiều nhân tài công nghệ đến từ châu Á và các quốc gia khác. Chính vì vậy, chiến tranh thương mại cũng sẽ khiến các công ty công nghệ Mỹ phải chịu ảnh hưởng và gặp rào cản lớn trong tuyển dụng khi mà nhân sự đến từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc phải sống trong nỗi lo một ngày bất kỳ, thị thực của họ bỗng nhiên bị thu hồi.
Diễn biến càng trở nên có hại về mặt kinh tế hơn khi thực tế rời bỏ hoặc buộc phải rời bỏ Mỹ của lực lượng lao động nước ngoài sẽ khiến lực lượng lao động Mỹ mất quyền kết nối/tiếp cận với các chuyên gia giỏi đến từ các quốc gia khác. Đồng nghĩa với việc người lao động Mỹ mất đi cơ hội nâng cao tri thức và hội nhập của mình. Bởi với những rào cản và quy định mới trong việc nhập cư sẽ biến Mỹ không còn là miền đất hứa của những người tài năng trên khắp thế giới.
Ảnh hưởng tới cả trường đại học
Khi mà chiến tranh thương mại càng leo thang cùng với những điều luật được thắt chặt hơn từ phía Nhà Trắng, thiệt hại sẽ còn đến với cả hệ thống giáo dục đại học của Mỹ. Mỗi năm, các trường đại học của Mỹ đón hàng triệu sinh viên từ các nước trên thế giới. Nếu các sinh viên này thay vì chọn Mỹ sẽ chọn hoặc phải chọn một quốc gia khác, thì nước Mỹ cũng đang tước đi của sinh viên Mỹ quyền được hòa nhập và học hỏi từ sinh viên nước ngoài (thường là những người giỏi nhất và thông minh nhất của nước bản xứ).
Nhiều chuyên gia đã e ngại, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ không chỉ làm giảm doanh thu của giáo dục đại học Mỹ đến từ nước ngoài mà còn làm cho các trường đại học Mỹ mất vị trí đứng đầu trong hệ thống phân cấp toàn cầu.
Hội nhập, thu hút nhân tài và tinh hoa tri thức đã là con đường để Mỹ có được sự phát triển như ngày nay. Chính vì vậy, hệ lụy của chiến tranh thương mại rất có thể sẽ đi ngược lại với con đường đã làm nên lịch sử rực rỡ của nước Mỹ.
Và điều này rõ ràng ảnh hưởng sâu sắc nhất tới thế hệ doanh nhân cũng như các ngành nghiên cứu, khoa học của Mỹ trong tương lai. Bởi rất đông người trong số sinh viên đến từ các quốc gia châu Á và Trung Quốc sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ sẽ trở thành công dân Mỹ hoặc sẽ là ứng viên sáng giá cho các công ty hàng đầu của Mỹ với trí tuệ, kinh nghiệm và sự cần cù chịu khó vượt trội, vốn là những đặc trưng bản sắc trong con người họ.
Khi mà chiến tranh thương mại ngày càng leo thang, những nguy cơ hay hệ lụy của cuộc chiến sẽ dần lộ diện. Và vấn đề nguồn nhân lực Mỹ hiện tại cũng như tương lai sẽ không là bài toán dễ giải đối với các doanh nghiệp Mỹ trong thời gian tới.