Chính phủ 4.0

Theo TS NGUYỄN SĨ DŨNG/nhandan.com.vn

Chính phủ điện tử (CPĐT), chính phủ số (CPS), chính phủ trí tuệ nhân tạo (CPTTNT) là những thuật ngữ đang vào mốt. Mới nghe đã thấy sang. Thế nhưng nội hàm của chúng là gì? Những chính phủ như vậy có thay thế được chính phủ truyền thống mà chúng ta đang có hay không?

Bộ phận một cửa UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân.Ảnh: Thanh Hà
Bộ phận một cửa UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân.Ảnh: Thanh Hà

Câu trả lời tất nhiên là không! CPĐT, CPS và CPTTNT dù sao vẫn không quan trọng bằng chính phủ truyền thống. Bởi vì rằng cho dù nghe có sang đến đâu, thì chúng vẫn chỉ là những công cụ để chính phủ truyền thống phục vụ nhân dân mà thôi.

CPĐT được định nghĩa là việc chính phủ sử dụng các phương tiện điện tử (chủ yếu là công nghệ thông tin và truyền thông) để phục vụ nhân dân tốt hơn. Tương ứng, CPS là việc chính phủ sử dụng công nghệ số, CPTTNT là việc chính phủ sử dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ nhân dân tốt hơn. Hiện nay, các chính phủ đều đang cố gắng tận dụng cả ba mô thức này để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho dân. Để giảm bớt sự dài dòng của ngôn từ, nên chăng chúng ta gọi chung những mô thức này là chính phủ 4.0. Suy cho cùng, thì những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 chính là nền tảng để triển khai ba mô thức nói trên.

Hiện nay, Chính phủ nước ta đang thúc đẩy phát triển mô hình chính phủ 4.0 để nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho dân. Chính phủ 4.0 chắc chắn sẽ tạo ra những đột phá mới trong quản trị công và phục vụ dân chúng.

Khi các dịch vụ hành chính đã được số hóa, thì đều có thể được cung cấp đến tận nhà cho mọi người dân thông qua mạng, không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính mà còn giúp người dân tiết kiệm vô số thời gian công sức. Một loạt ưu điểm dễ nhận thấy khác là:

1. Quy trình minh bạch. Mọi giao dịch trên mạng đều được ghi nhận và lưu giữ. Chính vì vậy không một công chức nào có thể viện cớ là giấy tờ thất lạc, thư không được chuyển đến hay chuyển đến chậm. Và việc đánh giá các công chức sẽ rất khách quan và chính xác.

2. Giảm các khâu trung gian không cần thiết. Chuyện đơn từ phải đến văn thư; văn thư phải vào sổ và chuyển cho thủ trưởng; thủ trưởng lại chuyển cho chuyên viên xử lý sẽ không còn. Hệ quả là biên chế của các cơ quan có thể cắt giảm rất dễ dàng.

3. Không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa công chức với người dân thì khả năng nhũng nhiễu cũng khó xảy ra.

4. Áp lực phải có hiểu biết và kỹ năng sử dụng công nghệ sẽ thúc đẩy các công chức tự giác nâng cao trình độ. Những người không đáp ứng được yêu cầu mới sẽ buộc lòng phải rời bỏ lĩnh vực công để tìm việc làm phù hợp hơn ở ngoài xã hội.

Để xây dựng chính phủ 4.0, điều quan trọng là phải có cơ sở hạ tầng mạng tốt; khả năng số hóa nhanh chóng các quy trình công việc, các dịch vụ hành chính công; một đội ngũ hành chính, công vụ có năng lực và chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là những mảng công việc hết sức to lớn và khó khăn. Tuy nhiên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một loạt các địa phương khác đã cung cấp được ngày càng nhiều hơn các dịch vụ công trực tuyến cho dân. Ở một số địa phương, người dân chỉ cần ngồi ở nhà đăng ký xin giấy phép và các giấy tờ khác qua mạng. Khi chính quyền xử lý xong, giấy tờ sẽ được trực tiếp gửi đến tận nhà cho dân qua đường bưu điện. Công bằng mà nói, những địa phương làm được như thế chưa nhiều. Tuy nhiên, đó quả thực là những cánh chim én đầu mùa báo hiệu mùa xuân rồi sẽ tới.

"Nước đến chân mới nhảy" thường được coi là cách thức hành xử của người Việt. Điều này không biết chính xác đến đâu, nhưng quả thực nước đã không chỉ đến chân, mà đang sắp dâng lên đến cổ. Khi chúng ta mở cửa và hội nhập với thế giới, thì cạnh tranh đã đến ngay trong sân nhà mình. Các dân tộc khác đều đã vượt rất xa trong việc áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào quản trị công, nên chúng ta phải "nhảy" ngay thì mới kịp.

Liên quan đến áp lực của việc "nước đến chân", Nghị quyết của Đảng về việc cắt giảm bộ máy cũng đang thật sự tạo ra một áp lực như vậy. Khi nhân lực bị cắt giảm, thì áp dụng khoa học- công nghệ để nâng cao năng suất lao động là một đòi hỏi mang tính bắt buộc.