Chính phủ đánh giá đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý nợ xấu
(Tài chính) Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ thống nhất đánh giá: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngành, các cấp, hệ thống các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý nợ xấu. Tích cực triển khai thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu gắn với phương án cơ cấu lại từng tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã tập trung giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định an toàn hoạt động, chât lượng tài sản, tình hình tài chính, nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu; đồng thời hoàn thiện các quy định về cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ, minh bạch và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Nhờ đó, đến tháng 10 năm 2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu đã xác định trước đây. Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD vào khoảng 3,8% và có xu hướng giảm.
Nghị quyết cũng nêu rõ, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD theo hướng tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, nhất là về xử lý tài sản bảo đảm và quyền hạn của chủ nợ.
Đặc biệt sẽ hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC); phát triển mạnh thị trường mua bán nợ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua bán nợ xấu.
Ngoài ra sẽ công khai, minh bạch về nợ xấu và kết quả xử lý; tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong xử lý nợ xấu.
Đồng thời với các giải pháp nêu trên, Chính phủ cũng yêu cầu phải bảo đảm môi trường vĩ mô ổn định, phát triển lảnh mạnh các thị trường chứng khoán, bât động sản, đẩy mạnh thực hiện các trọng tâm tái cơ cấu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để tạo thuận lợi cho xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD. “Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%”, Nghị quyết nêu rõ.