Chính phủ sẽ nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu của Quốc hội

Theo mof.gov.vn

Ngày 18/11, Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2015, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, tại Kỳ họp này, Chính phủ đã gửi đến các vị Đại biểu Quốc hội 17 báo cáo về kết quả thực hiện các Nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn trên các lĩnh vực từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Tại kỳ họp này, đến chiều hôm qua, các vị đại biểu Quốc hội cũng đã gửi 8 phiếu chất vấn với 17 câu hỏi và đã trực tiếp nêu 24 ý kiến chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Thành viên Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao trả lời bằng văn bản hoặc trực tiếp trả lời chất vấn của Đại biểu tại Hội trường.

Đối với một số vấn đề mà nhiều Đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn, như về tình hình kinh tế xã hội, về kinh tế thị trường định hướng XHCN, vấn đề về lao động trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, vấn đề về biển Đông… Thủ tướng Chính phủ đã giải trình cụ thể.

Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%.

Về tình hình kinh tế xã hội đến tháng 11 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế xã hội 9 tháng và dự báo cả năm 2015. Trong tháng 10 và tháng 11, tình hình tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng khoảng 0,1-0,2%, 11 tháng tăng 0,6-0,7%, ước cả năm tăng dưới 2%. Dư nợ tín dụng 11 tháng tăng 14,5-15%, cả năm tăng trên 17%. Mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định.

Xuất khẩu 11 tháng đạt khoảng 149 tỷ USD, tăng 8,5%. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 13,2 tỷ USD, tăng 17,9%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 4,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 94,1% dự toán, tăng 8,3%; chi ngân sách đạt 88,4% dự toán, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

Về sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng khoảng 9,6% (cùng kỳ tăng 7,5%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 8,6%). Khu vực nông nghiệp tuy tăng thấp hơn cùng kỳ nhưng vẫn tiếp tục phát triển. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 9,4%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,8%). Có gần 87 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 27,9% về số doanh nghiệp và 36,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; khoảng 18,5 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 33,7%.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, tuy vẫn còn không ít khó khăn hạn chế nhưng với những kết quả nêu trên, có cơ sở để chúng ta đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội.

“Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2015, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%. Và sẽ khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2016”, người đứng đầu Chính phủ bảy tỏ quyết tâm.

KTTT định hướng XHCN là nền kinh tế hiện đại, nhiều hình thức sở hữu

Về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Lê Như Tiến, Trịnh Ngọc Phương, Võ Kim Cự chất vấn đề nghị Thủ tướng nói rõ nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn lực, công cụ điều tiết, cơ chế chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo vệ môi trường.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm dân chủ, quyền con người, quyền công dân; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Phân định rõ chức năng của Nhà nước và chức năng của thị trường. Nhà nước tập trung tạo dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tự do, sáng tạo trong đầu tư kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong kinh tế thị trường. Đồng thời, phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện nội dung nêu trên, theo người đứng đầu Chính phủ, Chính phủ đã và đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tập trung triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thi hành Hiến pháp và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, ổn định và khả thi. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển cho phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát triển đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ… theo hướng hiện đại; chú trọng các loại thị trường mới như mua bán nợ, công cụ tài chính phái sinh, cho thuê tài sản… Chủ động mở cửa thị trường phù hợp với các cam kết quốc tế gắn với nâng cao năng suất lao động và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế. Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát tốt lạm phát; cơ cấu lại phù hợp thu chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ bội chi, quản lý hiệu quả nợ công, nợ xấu, bảo đảm an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia. Tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu phù hợp, phấn đấu cân bằng thương mại bền vững. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả.

Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ trong nền kinh tế. Riêng đối với những hàng hoá, dịch vụ công thiết yếu (bao gồm cả dịch vụ y tế, giáo dục), kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình phù hợp, tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá; đồng thời hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới quản trị đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện cơ chế thị trường đối với cung cấp các dịch vụ công. Chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp và chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng, từ hỗ trợ cho các đơn vị cung ứng sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách được thụ hưởng. Huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công. Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập…