Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội:
Rõ ràng, thẳng thắn và đầy đủ trách nhiệm
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 vào ngày 17/11/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội một cách đầy đủ với các số liệu rõ ràng, nhìn thẳng vào các vấn đề còn tồn tại, chỉ rõ các nguyên nhân, đồng thời cam kết giải quyết dứt khoát những vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu ra.
Đặc biệt Bộ trưởng đã phân tích sâu về các nhóm vấn đề: Nợ công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cân đối thu chi ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chinh (TTHC)…
Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo yêu cầu tới năm 2020 và tầm nhìn tới 2030 thì nợ công không quá 65% GDP và nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Trong 5 năm qua, nợ công tăng dần từng năm, từ 50% GDP vào năm 2011 lên đến 61,3% vào cuối năm nay.
Đối chiếu 6 chỉ tiêu đánh giá an toàn nợ công (nợ công/GDP, nợ Chính phủ/GDP, nợ nước ngoài/GDP, bù đắp bội chi, trái phiếu chính phủ và nghĩa vụ nợ Chính phủ trực tiếp so với thu ngân sách), Bộ trưởng cho biết có 5 chỉ tiêu đạt theo yêu cầu, và chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt đó là bù đắp bội chi khi vượt mục tiêu đặt ra là 5%. Việc bội chi tăng cũng làm cho nợ công tăng lên. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, bội chi chủ yếu dành tập trung để chi cho đầu tư phát triển, cơ sở hạ tầng, y tế, nông thôn.
Ngoài nguyên nhân trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, nợ công cao một phần còn do khủng khoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, giá dầu thô thế giới giảm mạnh; thực hiện miễn, giảm, giãn thuế để nuôi dưỡng nguồn thu; tái cơ cấu DNNN và ngân hàng thương mại, cắt giảm thuế quan theo lộ trình cam kết quốc tế ngày càng sâu rộng...
“Tỷ lệ tăng thu giai đoạn 2006 - 2010 là 20,8%/năm nhưng giai đoạn 2011 - 2015 giảm xuống còn 9,5%/năm. Tuy nhiên, điều chỉnh chính sách thuế và cam kết hội nhập, tốc độ tăng thu chậm lại nhưng quy mô thu ngân sách tăng, quy mô thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015 tăng gần gấp đôi giai đoạn 2006 - 2010. Điều này chứng tỏ quyết sách của Quốc hội và Chính phủ là đúng hướng. Trong khi đó, nhu cầu chi NSNN tăng mạnh, vẫn đảm bảo an sinh xã hội. Tốc độ chi cho an sinh xã hội tăng mạnh 18%/năm”, Bộ trưởng thông tin thêm.
Trước tình hình nợ công như vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định tăng cường quản lý nợ công, trong đó đề ra các giải pháp như: Tổng kết, đánh giá lại chiến lược nợ công đến 2020 tầm nhìn 2030 và Luật Quản lý nợ công, kiến nghị quản lý chặt chẽ nợ công, đặc biệt khoản vay mới; nợ công chỉ sử dụng đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu… Bên cạnh đó, cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay dài hạn; quản lý chặt khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ; tăng cường quản lý sử dụng vốn vay và sử dụng công trình trong tương lai; rà soát thể chế xây dựng văn bản có liên quan đến nợ công, tiếp tục thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
Công khai, minh bạch để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa
Giải trình về kết quả thực hiện cổ phần hóa (CPH) DNNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ chế chính sách cho CPH đến nay cơ bản đã tháo gỡ được các vướng mắc.
Kết quả từ năm 2011 đến ngày 10/11/2015, cả nước đã CPH được 408 DN (đạt 76% kế hoạch). Dự kiến đến hết năm 2015 sẽ CPH 459 DN, đạt 90% kế hoạch cả giai đoạn 2011 - 2015. Về bán vốn DNNN, năm 2015, cả nước đã bán 27.000 tỷ đồng (chiếm 2,1% vốn Nhà nước tại DN) thu về 35.169 tỷ đồng. Tính từ năm 2011 tới nay mới bán được 5% vốn Nhà nước tại DN khi tổng vốn khoảng 1,3 triệu tỷ đồng.
“Việc đẩy bán vốn theo kế hoạch là cần thiết nhưng phải có trật tự. Bán không cẩn thận dễ gây thiệt hại cho nhà nước. Chúng ta rất sốt ruột nhưng không nóng vội, bảo đảm nguyên tắc, hiệu quả cao nhất trong đổi mới, cổ phần hóa DNNN”, Bộ trưởng khuyến nghị.
Giải pháp trong thời gian, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, rà soát và hoàn thiện cơ chế và chính sách liên quan tới cổ phần hóa. Rà soát, phân loại lại DN nào Nhà nước cần nắm giữ, DN nào không cần nắm giữ thì theo thị trường ta thoái dần dần. Đi đôi với đó là tăng cường kiểm tra giám sát CPH và thoái vốn, bảo đảm tiến độ và hiệu quả; thực hiện đồng bộ tái cơ cấu thị trường tài chính, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung…
Chắc chắn thu được 34.000 tỷ đồng tiền nợ thuế
Về vấn đề nợ đọng thuế, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) dẫn lại con số của Bộ Tài chính cho thấy, trong số 76.000 tỷ đồng nợ đọng thuế hiện nay có khoảng 34.000 tỷ đồng là của các doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng không chịu trả. Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đặt vấn đề về khả năng thu hồi số tiền này.
Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, riêng trong năm 2015 đã thu về hơn 31.000 tỷ đồng nợ thuế. Số 34.000 tỷ đồng còn lại hoàn toàn có thể thu được trong năm 2015.
Về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sau những nỗ lực cải cách, năm 2015 lĩnh vực thuế và hải quan đã có thể vào nhóm ASEAN 6. Còn vào ASEAN 4, 5 thì đến năm 2016 chắc chắn sẽ đạt được theo Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Về cân đối thu chi NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ cấu chi NSNN thường xuyên trong giai đoạn 2014 - 2015 ở mức cao, khoảng 67 - 68% trong dự toán chi NSNN, ảnh hưởng nhiều tới cơ cấu chi cho đầu tư phát triển, chi trả nợ, nhưng năm 2016, Bộ Tài chính dự toán sẽ đưa tỷ lệ này về 64%. Theo kế hoạch trung hạn của Bộ Tài chính, đến năm 2020, tỷ lệ chi thường xuyên sẽ xuống 58 - 59%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cơ cấu thu đã chuyển biến tích cực. Mặc dù Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập, thực hiện giãn, hoãn, giảm thuế nhưng đã điều chỉnh chính sách thu. Tỷ lệ thu nội địa đến hết năm 2015 được đẩy lên đạt 74% trong dự toán NSNN; tỷ lệ huy động từ thuế, phí bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 21% (Quốc hội đã quyết định không quá 22 - 23%).
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ rà soát lại chính sách thu để cơ cấu lại thu, đảm bảo thúc đẩy sản xuất trong nước, yêu cầu hội nhập nhưng cũng đảm bảo yêu cầu nguồn thu cho NSNN và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, sẽ tập trung cơ cấu lại các chính sách về chi đảm bảo tiết kiệm và hướng tới giảm ngân sách chi thường xuyên còn 58% -59%.
Không có cơ chế xin cho, mua thu phí củahợp đồng BOT
Trả lời ĐB Nguyễn Hồng Hà (Hà Nội) liên quan đến căn cứ để đưa ra mức phí tại trạm thu phí dự án BOT giao thông? Có hay không tình trạng mỗi dự án BOT giao thông có riêng một thông tư của Bộ Tài chính quy định về mức phí. Nếu có thì quy trình xây dựng có đúng theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không, có tình trạng xin cho hay không? Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định quá trình ban hành thông tư thu phí là công khai, minh bạch trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trên cơ sở hợp đồng BOT.
“Tôi chưa thấy hiện tượng xin cho hay chạy mức thu phí của từng hợp đồng BOT”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải, theo quy định các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng, đề xuất dự án, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, ký kết dự án và quản lý, khai thác kinh doanh đối với các dự án BOT. Như vậy, đối với mỗi dự án sẽ có điều kiện rất khác nhau về tổng mức đầu tư, địa điểm đặt trạm, lưu lượng phương tiện qua trạm, dự báo lưu lượng qua trạm trong tương lai... Trên cơ sở đó, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan sẽ tiến hành xây dựng đề án và mức tài chính, Bộ GTVT cũng đàm phán với nhà đầu tư, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, từ đó xây dựng phương án hoàn vốn của dự án.
Sau khi triển khai xây dựng dự án hoàn thành, căn cứ vào mức thu ở hợp đồng BOT, nhà đầu tư có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, sau đó mới đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định thu phí từng dự án.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, căn cứ vào đó, Bộ Tài chính tiến hành các trình tự theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật là xin ý kiến các bộ, ngành, UBND nơi có trạm thu phí, đường đi qua và đăng tải trên trang thông tin của Bộ Tài chính, có giải trình, tiếp thu sau đó mới ban hành thông tư...