Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam:

Chính phủ thành công trong ổn định kinh tế vĩ mô

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam (IMF), ông Sanjay Kalra nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

Ông Sanjay Kalra đã trả lời phỏng vấn sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện Kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về những kết quả Việt Nam đã đạt được sau 3 năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015?

 Chính phủ thành công trong ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh 1
Ông Sanjay Kalra,
Trưởng đại diện IMF
tại Việt Nam

Ông Sanjay Kalra: Dưới đây chúng tôi xin được đánh giá những thành tựu trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 của Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ của IMF. Nhiệm vụ của chúng tôi liên quan tới những chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu.

Tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2013 thấp hơn so với mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm. Suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm giảm tăng trưởng. Sự mất cân bằng và kém hiệu quả trong nước dồn tích từ những năm trước cũng góp một phần quan trọng vào sự suy giảm này.

Năm 2011 là một năm khó khăn khi lạm phát cao, thị trường ngoại hối không ổn định, dự trữ quốc tế giảm xuống mức đáng lo ngại. Việc thực hiện Nghị quyết 11 từ tháng 2/2011 là một bước quan trọng theo hướng lấy lại sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Việt Nam đã lấy lại sự ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012 và 2013. Lạm phát đã giảm xuống mức một con số, tỷ giá hối đoái chính thức ổn định và dự trữ quốc tế đã tăng lên. Xuất khẩu tốt nhờ những đóng góp lớn từ các DN đầu tư nước ngoài. Cán cân vãng lai đã chuyển sang mức thặng dư lớn trong năm 2012 nhờ sự hỗ trợ của kiều hối. Dòng vốn FDI vẫn mạnh mẽ.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cắt giảm các mức lãi suất chính sách tổng cộng 800 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2012. Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã bớt căng thẳng với mức tăng trưởng tiền gửi cao hơn và chi phí vốn thấp hơn. Việc giảm lạm phát cho phép giảm các lãi suất chính sách, huy động và cho vay. Thị trường tài chính đã bình ổn sau khi NHNN cấp thanh khoản và tạo điều kiện cho việc sáp nhập một số ngân hàng nhỏ và yếu kém vào cuối năm 2011, 2012, và 2013.

Tuy nhiên, tăng trưởng đã chậm lại xuống mức 5,2% trong năm 2012 (6,2% trong năm 2011). Tăng trưởng GDP thực được kỳ vọng ​​sẽ tăng lên một chút trong năm 2013. Khu vực trong nước mặc dù đã có sự cải thiện song vẫn chưa tìm được nền tảng vững chắc do nhiều yếu tố, bao gồm năng suất thấp, cơ cấu phân bổ nguồn lực, bảng cân đối còn yếu của các ngân hàng và các DN cùng với hoạt động kém hiệu quả của một số tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Vẫn còn nhiều vấn đề trong lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực vẫn đang chịu ảnh hưởng của việc nổ bong bóng tài sản, hệ quả của vài năm tăng trưởng tín dụng và đầu tư quá mức.

Trong khu vực tài chính, các ngân hàng yếu kém vẫn không thể tiếp cận thị trường liên ngân hàng và phải dựa vào hỗ trợ thanh khoản của ngân hàng Trung ương. Hơn nữa, yếu tố về tài chính đã tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng trung gian tín dụng của các ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng thực đã tăng nhẹ, tập trung chủ yếu ở khu vực xuất khẩu và nông nghiệp mặc dù các mức lãi suất cho vay đã giảm đáng kể. Thâm hụt ngân sách tăng lên trong năm 2012 và 2013 với thu ngân sách thấp hơn kế hoạch do nền kinh tế còn yếu và việc cắt giảm, giãn thu thuế.

Ông có nhận xét gì về những giải pháp của Chính phủ Việt Nam nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tái cơ cấu nền kinh tế?

Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ổn định lại nền kinh tế vĩ mô đã thành công. Lạm phát thấp và tỷ giá ổn định là rất quan trọng trong thành quả này. Vai trò của NHNN là rất quan trọng trong việc thực hiện các chính sách tiền tệ và tỷ giá. NHNN đã cắt giảm một cách thích hợp các lãi suất chính sách, phù hợp với mức giảm lạm phát. Sự ổn định của thị trường vàng là một phần quan trọng trong việc ổn định thị trường ngoại hối và từ đó ổn định giá trị tiền đồng.

Trong khu vực tài chính, kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng của Chính phủ khá tham vọng. Điều quan trọng hiện nay là những quy định của Chính phủ cần phải được thực hiện đầy đủ nhằm đạt được các mục tiêu về phát triển hoạt động của khu vực tài chính “hiện đại, an toàn, lành mạnh và hiệu quả” phù hợp với “các chuẩn mực và thông lệ ngân hàng quốc tế”. Đặc biệt, hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) là một bước đúng hướng, nhưng mới chỉ là bước đầu tiên.

Ông có thể đưa ra những khuyến nghị giúp Việt Nam đạt được mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế trong 2 năm 2014 và 2015?

Chính phủ Việt Nam không nên giảm quyết tâm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Việc kêu gọi những chính sách nới lỏng kinh tế vĩ mô thường xuất hiện tại nhiều quốc gia trong hoàn cảnh mà Việt Nam đang trải qua hiện nay. Quản lý chính sách tốt cần đứng trên áp lực này. Đồng thời, Chính phủ cần phải có những hành động rõ ràng, tin cậy và đo lường được.

Phải thừa nhận rằng những lựa chọn này không hề dễ dàng nhưng Chính phủ Việt Nam phải hành động nhanh chóng và dứt khoát để thực hiện chương trình cải cách và đáp ứng mong đợi của công chúng. Kèm theo cách tiếp cập này rất có thể tốn một số chi phí và cần có sự đánh đổi trong ngắn hạn. Đó có thể là tăng trưởng thấp hơn hoặc một giai đoạn khó khăn dài hơn trong khu vực DN.

Nhưng đổi lại, nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh hơn về dài hạn. Nền kinh tế tự điều chỉnh sau một thời gian dài tăng trưởng tín dụng rất nhanh và không bền vững, dẫn đến sự vay mượn quá mức của khu vực DN, hạ thấp tiêu chuẩn cho vay trong hệ thống ngân hàng, kính thích tạo bong bóng giá bất động sản và gây dư thừa cung trong khu vực bất động sản và xây dựng. Những diễn biến này đã gây mất cân bằng lớn trong bảng cân đối của các ngân hàng và các DN. Sự mất cân bằng này sẽ cần thời gian để tháo gỡ như chúng ta đã thấy ở một số nước khác trên thế giới.

Về chính sách tiền tệ và tỷ giá: NHNN phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ áp lực lạm phát, kể cả những áp lực nảy sinh từ giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu thế giới. Lợi ích từ việc cắt giảm hơn nữa lãi suất chính sách có thể bị hạn chế do những yếu kém trong khu vực ngân hàng vẫn còn dai dẳng, có thể làm hỏng những thành quả phải rất khó khăn mới đạt được và làm giảm niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô. Mức dự trữ ngoại hối đã tăng, nhưng cần được tăng thêm nữa để dễ dàng đối phó với những cú sốc lớn.

Về chính sách tài khóa: Việt Nam cần quay lại con đường củng cố tài khóa. Về mặt thu ngân sách, cần thận trọng kiềm chế giảm thuế hơn nữa và yêu cầu các DNNN đang làm ăn có lãi phải trả cổ tức. Chi cho an sinh xã hội cần được duy trì trong khi đầu tư công cần được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và giảm xuống mức bền vững. Ngân sách phải có dư để trả nợ dự phòng và chi trả chi phí của các cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy quá trình này.

Về cải cách cơ cấu: Còn nhiều việc phải làm và cần tăng nhanh tốc độ cải cách. Trì hoãn cải cách sẽ làm xói mòn niềm tin, tăng khả năng làm tăng nợ dự phòng, kéo dài thời gian đình trệ sản xuất trong vài năm tới đây, giữ tăng trưởng ở mức không đủ tạo việc làm cho một lực lượng lao động đang tăng lên nhanh chóng cũng như nâng cao mức sống.

Cải cách ngành ngân hàng là một ưu tiên hàng đầu. Giải quyết những điểm yếu như chất lượng tài sản thấp, mức độ nợ xấu cao, trích lập dự phòng không đủ và thiếu vốn là việc rất quan trọng để tạo ra một môi trường trong đó khu vực ngân hàng làm trung gian chuyển tiết kiệm của quốc gia thành đầu tư hiệu quả. Những vấn đề này cần được giải quyết tại tất cả các ngân hàng, dù lớn hay nhỏ, nhà nước hay cổ phần. Nói chung hơn, cần tiếp tục nỗ lực để phát triển hơn nữa thị trường vốn nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng, tạo thêm những cơ hội khác về lợi nhuận-rủi ro cho các nhà đầu tư, thu hút luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ổn định và giảm thiểu việc giữ vàng như là phương tiện tích trữ của cải.

VAMC không nên trở thành phương tiện hỗ trợ thanh khoản mở rộng cho các ngân hàng mất khả năng thanh toán vì sẽ làm trì hoãn việc tái cấp vốn cần thiết trong khu vực ngân hàng. Một khi đã xác định được nợ xấu và nhu cầu tái cấp vốn, tái cấp vốn phải được thực hiện kịp thời cùng với việc thực hiện đầy đủ kế hoạch xử lý nợ xấu. Chính phủ cần phải sẵn sàng sử dụng công quỹ để tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, giải quyết các ngân hàng mất khả năng thanh toán một cách có trật tự và chấp nhận sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân vào hệ thống ngân hàng.

NHNN phải tăng cường đáng kể khả năng giám sát của mình đối với các ngân hàng, thực hiện hiệu quả các chỉ đạo hiện hành và không nhân nhượng nữa đối với các ngân hàng không đáp ứng các chuẩn mực an toàn. NHNN phải được phép thực hiện những việc này với sự độc lập lớn hơn trong hoạt động. Một NHNN và hệ thống ngân hàng mạnh là quyền lợi của cả nền kinh tế.

Cải cách các tập đoàn kinh tế và các DNNN là rất quan trọng. Cần phải công khai tình hình tài chính thực của các tập đoàn kinh tế và các DNNN kể cả các báo cáo thu nhập và bảng cân đối được kiểm toán cũng như các khoản vay từ hệ thống ngân hàng. Các DN này sử dụng tiền công và công chúng cần được biết về hoạt động của các DN này. Một khi tình hình tài chính thực của các DN này được công khai, bước tiếp theo là cải thiện hoạt động và cơ cấu quản trị các DN này. Các kế hoạch này phải được xây dựng và thực hiện trong một khoản thời gian giới hạn.

Tái cơ cấu đầu tư công là cần thiết để đảm bảo rằng người nộp thuế được hưởng lợi từ phần đóng góp của họ cho ngân sách. Trường học và cơ sở y tế tốt hơn sẽ tạo điều kiện để cải thiện nguồn nhân lực. Cơ sở hạ tầng tốt hơn sẽ giúp giảm chi phí kinh doanh trong nhiều chi phí khác.

Thiết kế và thực hiện thành công một loạt các chính sách, kiên định bình ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời tái cơ cấu các ngân hàng và các DNNN sẽ có tác động lớn. Việt Nam là một quốc gia có nhiều lợi thế, gồm cả dân số trẻ và làm việc chăm chỉ. Sử dụng những nguồn lực này để đem lại lợi ích cao cho người dân trong thập kỷ tới là trách nhiệm của các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.

Xin trân trọng cám ơn ông!