Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp


Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, sáng ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Chính phủ đọc Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Phiên họp.

Hiệu quả của chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho thấy chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ.

Sau 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, qua đó tạo thêm việc làm cho khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, chính sách đã khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; Góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành là cần thiết xuất phát từ các lý do sau:

Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thứ hai, tiếp tục góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ tư, tiếp tục góp phần hỗ trợ tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Với những phân tích nêu trên, Bộ trưởng cho rằng để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nhà nước cần tiếp tục khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp. Thông qua đó, khuyến khích kinh tế trang trại, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Đặc biệt, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới thì cần thiết tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn tiếp theo.

Quang cảnh Phiên họp.
Quang cảnh Phiên họp.

Tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn

Về bố cục của dự thảo Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết gồm 2 Điều. Điều 1 quy định thời hạn kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55/2010/NQ12 và Nghị quyết số 28/2016/NQ14. Điều 2 quy định Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; triển khai kinh tế trang trại; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, dự thảo Nghị quyết sẽ tiếp tục góp phần hỗ trợ tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thông qua việc kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/NQ12 ngày 24/11/2010 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và Nghị quyết số 28/2016/NQ14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 đến hết ngày 31/12/2025.

Việc đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 2025 là thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tính khả thi của chính sách".

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Đối với tác động của dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.

Với số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để góp phần đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, yên tâm sản xuất, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp; khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

"Việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập WTO. Dự án Nghị quyết cũng không quy định về thủ tục hành chính và vấn đề bình đẳng giới, do đó không phát sinh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và không gây bất bình đẳng về giới" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.