Chính phủ và doanh nghiệp đã tìm được tiếng nói chung

Lê Hiền (tổng hợp)

(Tài chính) Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF (ngày 3/6) đã diễn ra trong bầu không khí cởi mở, doanh nghiệp đã thẳng thắn góp ý và kiến nghị nhiều nội dung - Chính phủ đã lắng nghe để đưa ra các giải pháp tức thời và lâu dài, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và đại diện Chính phủ Việt Nam lắng nghe phát biểu của các doanh nghiệp tại VBF. Ảnh: chinhphu.vn
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và đại diện Chính phủ Việt Nam lắng nghe phát biểu của các doanh nghiệp tại VBF. Ảnh: chinhphu.vn

Đánh giá của Doanh nghiệp về các nỗ lực của Chính phủ

Những vấn đề khó khăn (không chỉ riêng có ở Việt Nam) như nợ xấu và hệ thống ngân hàng yếu kém, hàng loạt DN giải thể, nạn tham nhũng và trình độ quản lý kém… là thách thức lớn mà chính phủ Việt Nam phải vượt qua. Tìm được giải pháp khả thi trong điều kiện đặc thù ở Việt Nam không phải là dễ.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp (gồm cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế) đều đã ghi nhận, những kiến nghị của DN với Chính phủ (từ cuối năm 2012) đã được Chính phủ giải quyết, tháo gỡ; hàng loạt giải pháp đưa ra đã phát huy tác dụng. Cụ thể:

- Quốc hội đang xem xét và thông qua Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Doanh nghiệp với những ưu đãi thuận lợi cho các nhà đầu tư.

- Từ đầu năm 2013 đến nay, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất (đưa mức lãi suất cho vay từ trên 15%/năm về mức 13%/năm, áp dụng từ ngày 13/5), giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, giải quyết hàng tồn kho, làm ấm lên thị trường bất động sản. Những giải pháp tức thời như giãn, hoãn thuế, tập trung tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên, cải cách thủ tục hành chính… đã phần nào giúp DN vượt qua khó khăn.

- Chính phủ đã bố trí 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo có thể mua nhà ở xã hội và hỗ trợ thị trường bất động sản.

- Tuy còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, nhưng Chính phủ đã tích cực để triển khai các dự án, công trình đặc biệt quan trọng như: Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1, xây dựng cảng quốc tế cửa ngõ Lạch Huyện, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống cảng biển phía Nam (Thị Vải), cảng hàng không quốc tế Nội Bài...

- Chính phủ đã rất nỗ lực trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát cũng như đã triển khai nhiều biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, nhất là các nhóm giải pháp khá đồng bộ đã được nêu trong Nghị quyết 02/NQ-CP, giúp cải thiện môi trường kinh doanh.

Nhiều kiến nghị thiết thực

Tuy đạt được một số thành quả trong thời gian ngắn (như kể trên), nhưng thực tế trong nửa đầu năm 2013, các doanh nghiệp cho biết, vẫn tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, ngừng hoạt động hoặc giải thể vẫn tăng lên, khiến số việc làm sụt giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu NSNN và tình hình an sinh xã hội; DN khó tiếp cận vốn ngân hàng, cơ sở hạ tầng, lao động chậm được cải thiện, niềm tin kinh doanh trong cả khu vực trong nước và nước ngoài vẫn ở mức thấp. Một trong những nguyên nhân là việc các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chưa đủ mạnh. Chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu… diễn ra còn chậm, đã khiến những khó khăn mà DN gánh chịu kéo dài hơn.

Vấn đề trọng tâm của Diễn đàn lần này, các nhà đầu tư tiếp tục đề xuất với Chính phủ nhiều nội dung nhằm ổn định môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Cụ thể:

- Đề nghị Chính phủ kiên định các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý, không chạy theo sức ép về tăng trưởng nhanh dẫn đến phát triển không bền vững,  tác động không tốt tới sự hình thành, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp về mặt dài hạn. Xây dựng được một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tăng tính minh bạch và áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại vào các DNNN.

- Chính phủ khẩn trương thoái vốn Nhà nước ra khỏi lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần nắm giữ, để chuyển sang đáp ứng các nhu cầu khác cấp bách và cần thiết hơn như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ các mục tiêu xã hội.

-  Nhanh chóng đưa những sửa đổi về thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập cá nhân… vào cuộc sống.

- Chính phủ tích cực đàm phán, triển khai ký kết và thực hiện sớm các hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực như: Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và các hiệp định thương mại tự do khác. Điều này sẽ giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tăng cường cơ hội cho mọi người dân (cả việt kiều) tham gia kinh doanh.

Trước những đề xuất và mong mỏi của cộng đồng DN, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã thay mặt Chính phủ, đề nghị các bộ, ngành xem xét, tiếp thu các kiến nghị hợp lý, chính đáng của doanh nghiệp, đồng thời đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chính phủ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế từ đó tạo tiền đề cho tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo.

Về nhóm các chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, triển khai việc hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp. Khẩn trương triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015.

Về nhóm chính sách tài khóa, sẽ tăng cường công tác quản lý thu - chi ngân sách chặt chẽ, theo hướng tiết kiệm và hiệu quả. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục liên quan đến xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn.

Về công tác điều hành chính sách: nhanh chóng cải cách chính sách thuế, phí, lệ phí, các thủ tục đăng ký kinh doanh, tín dụng, thuế, hải quan, bất động sản… đặc biệt là cho sản xuất công – nông - ngư nghiệp.  Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường và chủ trương điều chỉnh giá điện, than cho điện, nước, dịch vụ công về giáo dục, y tế theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chuyển giá, trốn lậu thuế, thao túng thị trường, buôn lậu… ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp làm ăn chính đáng, nghiêm túc.

Trong lĩnh vực cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, Chính phủ cam kết sẽ thực hiện có kết quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính; chú trọng đến công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chinh tạo thuận lợi cho DN, đặc biệt là DN đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam dễ dàng hơn. Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo, bảo đảm tính phù hợp, khả thi và phát huy hiệu quả khi triển khai thực hiện. Khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật.

Về Chương trình hành động tái cơ cấu và Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt: Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả trong một số lĩnh vực: đẩy mạnh cổ phần hóa; thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính tại các DNNN và tại các DN mà Nhà nước không cần chi phối. Hoàn chỉnh cơ chế, chính sách về công tác kiểm tra, giám sát tại DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty. Chú trọng thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các dự án lớn, công nghệ cao, kết cấu hạ tầng hiện đại, tạo bước chuyển biến trong tái cơ cấu, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển.

Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn NSNN, trái phiếu chính phủ, ODA. Điều chuyển vốn của các dự án, công trình chậm tiến độ trong kế hoạch đã giao giai đoạn 2012-2015 cho một số công trình quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2013.

Chính phủ sẽ không nghĩ, nói và hứa mà sẽ thực sự bắt tay vào để cải thiện tình hình, để hình ảnh Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới. Tại Diễn đàn này, Chính phủ và DN đã tìm được tiếng nói chung, tiếng nói vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích chung của Nhà nước và Doanh nhân - những người đang hàng ngày, hàng giờ tạo ra GDP cho quốc gia và mong mỏi Nhà nước tạo điều kiện cho họ có thể được đóng góp, được phát huy hết khả năng của mình để làm giàu cho đất nước, cho bản thân, gia đình và xã hội.