Chính phủ yêu cầu xử lý vụ việc phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD

PV. (Tổng hợp)

Việc người dân tại Cần Thơ bị phạt 90 triệu đồng khi đổi 100 USD ở tiệm vàng làm nóng phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 27/10 và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia và người dân trong những ngày qua. Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã có ý kiến chỉ đạo về vụ việc này.

Tiệm vàng Thảo Lực - nơi người dân đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng. Ảnh: Cửu Long/vnexpress.net
Tiệm vàng Thảo Lực - nơi người dân đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng. Ảnh: Cửu Long/vnexpress.net

Ngày 23/10, UBND TP. Cần Thơ đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì đã mang đổi 100 USD tại tiệm vàng. Đồng thời, ông Nguyễn Cà Rê còn bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được.

Với tiệm vàng, UBND TP. Cần Thơ cũng phạt 295 triệu đồng vì nhiều vi phạm, trong đó có việc nhận đổi 100 USD của ông Rê; đồng thời tịch thu số ngoại tệ đã đổi.

Được biết, 100 USD là tiền của người thân gửi cho ông Nguyễn Cà Rê. Cuối năm 2017, ông Nguyễn Cà Rê mang đến tiệm vàng đổi thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang. Sau nhiều lần làm việc, đến ngày 13/8, cơ quan chức năng mới có biên bản vi phạm. 

Vụ việc này làm nóng phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 27/10 và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia và người dân trong những ngày qua. Theo ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, theo quy định pháp luật, dù mua bán 10 USD hay 100 USD tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ cũng bị xử phạt.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc đổi ngoại tệ tại tiệm vàng vi phạm quy định quản lý về ngoại hối nên "việc phạt là đúng" bởi theo quy định hiện nay, hành vi mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do (không qua hệ thống tổ chức tín dụng hoặc các điểm thu đổi ngoại tệ có giấy phép) là trái pháp luật.
Cụ thể, Điểm a, khoản 3 điều 24 Nghị định số 96/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định nêu rõ: Phạt 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ. Điểm a, khoản 8 điều 24 áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, Đại biểu Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc một người dân đổi 100 USD mà bị phạt tới 90 triệu đồng "đúng quy định nhưng chưa hợp lý". Bởi với 100 USD của người công nhân đi đổi trong vụ việc, xét ra không lớn và là tài sản của họ chứ không phải đi chiếm đoạt hay dùng tiền của người khác. Chưa kể, việc đi đổi chỉ với mục đích phục vụ tiêu dùng, do vậy, việc bị phạt 90 triệu đồng là không hợp lý.

Thực tế cho thấy, tình trạng mua bán tại các điểm thu đổi ngoại tệ không có giấy phép vẫn diễn ra. Thị trường “chợ đen” ngoại tệ vẫn hoạt động tấp nập, dù Ngân hàng Nhà nước đã quy định cụ thể các tổ chức được phép thu đổi ngoại tệ. 
Theo Chủ tịch Công ty Luật SB Law, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, sở dĩ tồn tại “chợ đen” ngoại tệ là do nhu cầu của người dân vẫn rất lớn. Nếu ra ngân hàng, thủ tục sẽ phức tạp hơn như phải chứng minh hợp đồng, trong khi ở “chợ đen”, mọi thứ diễn ra rất nhanh gọn. Chưa kể, mức giá đổi ngoại tệ tại “chợ đen” thường hấp dẫn hơn so với trong ngân hàng. Bên cạnh đó, các cơ sở thu đổi ngoại tệ “chui” thường có thâm niên nhiều năm hoạt động nên rất tinh vi nên gây khó cho cơ quan quản lý trong việc kiểm tra hoạt động...

Trước những ý kiến trái chiều của người dân, bên hành lang Quốc hội ngày 26/10, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sau khi có thông tin vụ người dân ở Cần Thơ đổi 100 USD và bị phạt 90 triệu đồng, ông đã giao Giám đốc Ngân hàng Nhà nước cơ quan phía Nam tiếp cận, kiểm tra hồ sơ vụ việc để tư vấn cho UBND TP. Cần Thơ hướng xử lý phù hợp. Người đứng đầu ngành Ngân hàng cũng cho biết cơ quan này đang có kế hoạch sửa đổi Nghị định số 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. 

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã có ý kiến chỉ đạo về vụ việc này. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý của việc UBND TP. Cần Thơ phạt người đổi 100 USD ở tiệm vàng và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2018.
Ngoài ra, để giải quyết tình trạng mua bán ngoại tệ ở “chợ đen”, nhiều chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết. Trong đó, cần thực hiện nghiêm quy định công khai danh sách tổ chức, đại lý thu đổi ngoại tệ của các tổ chức tín dụng; làm rõ chế tài xử lý khi không thực hiện. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức kinh doanh ngoại hối bất hợp pháp.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần sớm sửa đổi một số quy định liên quan, trong đó có Nghị định số 96/2014 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng để đề xuất các mức xử phạt phù hợp...