Chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Thiết thực và kịp thời hơn

Theo Hà Nam/daibieunhandan.vn

Mặc dù được Nhà nước đầu tư lớn nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn, trình độ nhận thức chưa đồng đều, cộng với những ảnh hưởng của thiên tai, nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn hết sức khó khăn.

Những năm qua, Chính phủ đã ban hành hơn 130 chính sách dành cho đồng bào dân tộc và miền núi nhằm tạo việc làm, ổn định tinh thần, nâng cao đời sống. Nguồn: internet
Những năm qua, Chính phủ đã ban hành hơn 130 chính sách dành cho đồng bào dân tộc và miền núi nhằm tạo việc làm, ổn định tinh thần, nâng cao đời sống. Nguồn: internet

Để vùng đồng bào dân tộc phát triển mạnh hơn, cần nghiên cứu các yếu tố đặc thù của địa phương, qua đó thống nhất cơ chế phân bổ kinh phí, ban hành chính sách phù hợp.

Còn khó khăn, vướng mắc

Những năm qua, Chính phủ đã ban hành hơn 130 chính sách dành cho đồng bào dân tộc và miền núi nhằm tạo việc làm, ổn định tinh thần, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, việc ban hành nhiều chính sách dẫn đến sự chồng chéo, không còn phù hợp với thực tế hiện nay, gây khó khăn cho việc triển khai tại các địa phương.

Tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua. ĐBQH Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) cho rằng, chúng ta có nhiều chính sách nhưng lại có sự chồng chéo, hạn chế. Ví dụ, chính sách cấp gạo cho học sinh ở các trường bán trú vùng đặc biệt khó khăn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học, cao đẳng không có việc làm. Do vậy, ĐB Bùi Thị Thủy cho rằng, phải có chính sách ưu tiên và định hướng nghề nghiệp để sinh viên người dân tộc ra trường có việc làm, ổn định cuộc sống sau những năm tháng học đại học, học nghề, tránh gây tư tưởng hoang mang, lãng phí.

Thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất, người dân vùng đồng bào dân tộc giáp rừng cũng chưa sống được từ rừng, nên nguy cơ đói nghèo ngày càng hiện hữu. ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) chia sẻ: Hiện nay đồng bào dân tộc không chỉ rơi vào đói nghèo, mà còn lâm vào cảnh nợ nần vì vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhưng sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Do vậy, công tác dạy nghề, tạo việc làm cần phải được quan tâm một cách cụ thể, đúng mức.

Theo ĐBQH Đinh Thị Hồng Minh (Quảng Ngãi), chính sách ban hành nhiều, nhưng thông tư, hướng dẫn chưa có, hoặc có nhưng không cụ thể dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện tại địa phương.

Cụ thể, Thông tư 15 của Bộ Tài chính về hỗ trợ kinh phí giảm nghèo được hưởng giai đoạn nào hoặc được hưởng một lần rồi thì có được hưởng tiếp nữa hay không? Việc thực hiện lồng ghép các chính sách đã có rồi nhưng triển khai khó khăn như Chương trình giảm nghèo và Chương trình Xây dựng nông thôn mới vẫn “mạnh ai nấy làm” chứ không có sự phối hợp đồng bộ. Việc đào tạo nghề cho vùng nông thôn không hiệu quả”, ĐB Minh nêu rõ.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cho biết, nguồn vốn đầu tư cho các vùng dân tộc năm 2017 là hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2016, nhưng vẫn “chưa thấm vào đâu” so với nhu cầu thực tế. Bởi vùng núi, đồng bào dân tộc thường xuyên gặp thiên tai, bão lũ, cơ sở hạ tầng hàng năm bị tàn phá nghiêm trọng.

Dự báo trong giai đoạn 2016 - 2020 nhu cầu về vốn ngày càng lớn và cần phải điều chỉnh. “Chúng ta phải lựa chọn các chương trình, dự án cụ thể có tính khoa học, bảo đảm phát huy nhu cầu thực tiễn, qua đó mới có thể bảo vệ được đề án về nguồn vốn trước Chính phủ, trước Quốc hội”, Phó Chủ tịch Giàng A Chu chỉ rõ.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh cho rằng, cần đánh giá lại việc thực hiện các chính sách dân tộc của Chính phủ. Không nên lấy tỷ lệ hộ nghèo là tiêu chí theo Quyết định 50, mà phải cụ thể hóa theo từng đơn vị xã, qua đó ban hành chính sách đặc thù cho vùng lõi nghèo. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao các tỉnh miền núi cứ mãi loay hoay với việc đề nghị đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ, mà không chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?

Đồng tình với quan điểm này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu Tống Thanh Bình cho rằng, quan điểm của chúng ta là “Nhà nước có công trình, dân có việc làm”, nhưng giao cho các xã làm chủ đầu tư thì không thể phát huy hiệu quả và rất khó thực hiện, bởi năng lực chuyên môn cũng như nguồn tài chính rất hạn chế.

“Về cộng điểm ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục được thực hiện để củng cố niềm tin, tạo điều kiện cho con em đồng bào được học tập, qua đó tạo nguồn cán bộ, bởi đồng bào dân tộc hưởng chính sách này chỉ chiếm có 14% dân số của cả nước”.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Y Khút Niê khẳng định, chính sách đầu tư và ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc rất rõ ràng, nhưng nguồn lực còn khó khăn, không bảo đảm, chưa kịp thời. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung phân bổ nguồn vốn để xây dựng đường tuần tra biên giới ở các xã vùng biên. “Học sinh dân tộc có em học giỏi, nhưng đó chỉ là số ít. Do vậy, việc tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên cộng điểm cho học sinh dân tộc nên duy trì”.

Từ thực tế khảo sát tại các địa phương, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng cho rằng, ở những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú từ 30% dân số trở lên thì cần tích hợp một số chương trình, đề án cụ thể từ nay đến năm 2025, bởi đến năm 2020 thì không kịp.

Do vậy, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao thu nhập, từ đó đồng bào sẽ yên tâm định cư. Điều này phải lồng ghép rất chặt chẽ với Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững mà QH đã thông qua.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐ, TB - XH, Ủy ban Dân tộc phải phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc các tỉnh làm tốt công tác dạy nghề để phục vụ cho chuyển đổi nghề trong đồng bào dân tộc thiểu số. Vì hiện nay lực lượng được đào tạo nghề chỉ chiếm 6%, trong khi đó bây giờ ở bất cứ khâu nào trong lao động, sản xuất cũng phải có nghề”, ông Thào Xuân Sùng cho biết.