Chính sách đúng sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp
(Tài chính) Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thái Bình, ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế do Chính phủ trình Quốc hội cho thấy Chính phủ đã quan tâm, sẻ chia trong lúc khó khăn để DN có động lực, tiếp tục phát triển trên con đường kinh doanh, làm giàu cho đất nước.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thái Bình: Tôi đánh giá cao chủ trương của Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến các luật thuế và liên quan đến nhiều thủ tục đối với DN. Sửa Luật lần này vừa tạo thuận lợi cho DN trong sản xuất kinh doanh, vừa phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Chính vì vậy, tôi thấy việc sửa một lúc tới 5 luật, trong đó có nhiều lĩnh vực có liên quan đến tài chính và DN là chủ trương rất đúng và trúng, phù hợp với tình hình thực tế và mong muốn của các DN.
Từ thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ông nghĩ sao về những thay đổi này?
Theo dự án Luật này, tùy từng DN nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế, nhưng nhìn chung tôi nghĩ rằng, việc cải tiến lần này rất tốt, phù hợp với tình hình thực tế mà hiện nay các DN đang khó khăn. Dự án này rất khả thi ở chỗ, nếu chúng ta ưu đãi, tạo thuận lợi để khuyến khích các DN phát triển, thì quay trở lại DN sẽ đóng góp nguồn thu cho ngân sách.
Cái khó của Chính phủ là Quốc hội đã có Nghị quyết yêu cầu không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước, nhưng dự án Luật này khi áp dụng khiến giảm thu khoảng 11.800 tỷ. Đại biểu chia sẻ với Chính phủ trong vấn đề này như thế nào?
Về mặt vĩ mô thì chúng ta phải đảm bảo cân đối thu- chi. Nhưng chúng ta không nên lo lắng chuyện không có nguồn thu. Nếu chính sách đi vào cuộc sống, đi vào lòng người rồi thì kích thích cho phát triển sản xuất nhanh lắm, các DN có động lực phát triển tốt hơn thì họ tích cực làm ngày làm đêm đẩy mạnh sản xuất, sản lượng cao hơn, doanh thu cao hơn, thì phần lợi nhuận sẽ cao hơn và có đóng góp thuế cho đất nước. Tôi nghĩ rằng chính sách đúng sẽ tạo ra động lực. Hơn nữa, chúng ta còn nhiều khoản thu khác nữa để bù đắp.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách hiện chưa đồng tình với Chính phủ về quy định xóa tiền phạt chậm nộp thuế đối với các doanh nghiệp trước thời điểm 1/7/2013, vì bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính về thuế, việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Ông nghĩ sao về điều này?
Theo tôi, vấn đề này Bộ Tài chính đưa ra, nghĩa là Bộ đã cân nhắc rất kỹ dựa trên đề nghị của Tổng cục Thuế, rồi lấy ý kiến chuyên gia... Tôi thấy rằng đây là việc làm cần thiết, vì trong những năm qua các DN bị ảnh hưởng rất lớn của cuộc khủng hoảng thế giới tác động đến Việt Nam.
Số DN phá sản, ngừng hoạt động rất lớn, đó là chưa kể có thời kỳ lạm phát lên cao, vay ngân hàng đến 18-20%... Sau khi lạm phát được khống chế thì lại gặp phải suy giảm kinh tế, hàng tồn kho nhiều, các DN đồng tiền không quay vòng, nhiều DN cố gắng hết mình nhưng cũng không trụ được nên họ trả được phần gốc là rất quý.
Theo tôi, nếu giữ như phương án trình của Chính phủ, sẽ cho thấy chính sách của chúng ta có sự quan tâm nghiên cứu, sẻ chia trong lúc khó khăn để từ đó DN sẽ có động lực, quay trở lại tìm ra giải pháp để tiếp tục phát triển trên con đường kinh doanh, làm giàu cho đất nước.
Xin cảm ơn ông!