Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hậu Covid-19: Cần dài hạn

Theo Quang Lộc/congthuong.vn

Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020” được Ngân hàng Thế giới (WB) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trực tuyến ngày 12/3/2020 nhìn nhận, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu và chỉ có thể loại trừ hoàn toàn sau 4 -5 năm nữa, vì vậy trong thời gian tới cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đại dịch Covid-19 nhìn chung có tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp tại Việt Nam. 87,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực.” Chỉ 11% doanh nghiệp cho biết “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.

Tác động của dịch Covid-19 với doanh nghiệp ở một số ngành là đặc biệt lớn. Điều này xảy ra với doanh nghiệp tư nhân trong các ngành may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%). Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%)...

Về mặt địa lý, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, suy giảm nhiều hơn với doanh nghiệp tư nhân ở các khu vực duyên hải miền Trung (91% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực) và các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại khu vực Tây Nguyên (94% doanh nghiệp). Những tỉnh, thành phố có tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực cao nhất là Đà Nẵng (98%), Kon Tum và Khánh Hoà (95%).

Covid-19 tác động đến doanh nghiệp tại Việt Nam trên nhiều phương diện. Các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%), và chuỗi cung ứng (33%). Dịch bệnh đã gây nên những xáo trộn nhiều nhất đối với doanh nghiệp FDI là về tiếp cận khách hàng (63%), dòng tiền (42%), chuỗi cung ứng (41%) và lao động (34%).

“Mặc dù điều tra này kết thúc vào tháng 12/2020, nhưng kết quả thu được vẫn khá sát với con số 85,7% doanh nghiệp đang phải chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 mà Tổng cục Thống kê đã công bố ngày 27/4/2020. Điều này cho thấy tác động của dịch bệnh vẫn đang dai dẳng đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam”- ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, đại diện nhóm khảo sát cho biết.

Nghiên cứu cũng tìm hiểu sâu hơn về các tác động đến lực lượng lao động. Để cầm cự trước dịch bệnh, 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc.

Các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Trong khu vực FDI, 26% doanh nghiệp quy mô vừa và 32% doanh nghiệp quy mô lớn phải cho một lượng lao động nhất định nghỉ việc.

Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân cắt giảm nhân sự cao nhất đối với các ngành thông tin truyền thông, sản xuất xe có động cơ và sản xuất chế biến đồ da. Đối với các doanh nghiệp FDI, đó là các lĩnh vực thông tin truyền thông, sản xuất chế biến đồ da và sản xuất, chế biến gỗ.

Về các khuyến nghị chính sách, báo cáo của WB và VCCI cho rằng, cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi chính sách để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đẩy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.

“Nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ cho người lao động”- báo cáo đề xuất.

Cùng đó, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao.

Có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới bở như báo cáo nhìn nhận, “việc này quan trọng không kém việc cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn”.

“Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025. Theo nhiều dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu và chỉ có thể loại trừ hoàn toàn sau 4 -5 năm nữa, vì vậy trong thời gian tới cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn”- báo cáo của WB và VCCI đề xuất.