Chính sách khơi thông vốn tín dụng hỗ trợ nhà ở
NHNN đã chỉ đạo các NHTM kể từ ngày 1/6/2016 tiếp tục giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng trước ngày 31/3/2016 bằng nguồn vốn của NHTM theo lãi suất thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký giữa khách hàng và NH theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN.
Trên cơ sở công văn số 3954/NHNN-TD ngày 30/5/2016 của NHNN về phương án gia hạn giải ngân tái cấp vốn gói hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng, sau khi xem xét, mới đây Chính phủ đã có văn bản đồng ý đề nghị nói trên. Đây là tin vui nữa đến với những người thụ hưởng chính sách. Vậy, vì sao chương trình tín dụng này “nóng” ngay từ khi chỉ mới là ý tưởng, đến giờ vẫn nhận được sự quan tâm của dư luận?
Tháng 1/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP với những nội dung quan trọng, đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Theo đó, Chính phủ đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các NHTM dành một lượng vốn hợp lý cho một số đối tượng vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH) và thuê, mua nhà ở thương mại với lãi suất thấp.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã nhanh chóng ban hành Thông tư 11/2013/TT-NHNN hướng dẫn về cho vay hỗ trợ nhà ở. Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở (gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng) ra đời sau đó, hướng tới hỗ trợ những người có nhu cầu thực về nhà ở, vừa tạo nguồn vốn mồi cho thị trường bất động sản (BĐS) đang trong giai đoạn “đóng băng”.
Tuy nhiên, sau gần nửa năm triển khai (đến cuối năm 2013), các NHTM Nhà nước là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank và MHB lúc đó (khi chưa sáp nhập vào BIDV) mới giải ngân được 304 tỷ đồng cho 7 DN, 1.750 khách hàng với dư nợ 428,5 tỷ đồng. Con số này không được như kỳ vọng của cả cơ quan quản lý lẫn các đối tượng thụ hưởng chính sách. Nguyên nhân thì có nhiều, cả khách quan và chủ quan.
Để đẩy chính sách phù hợp hơn với điều kiện thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61/NQ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02). NHNN cũng ban hành Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 11). Lãi suất cho vay của chương trình được giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm, đối tượng thụ hưởng chính sách được mở rộng hơn, điều kiện cho vay cũng nới hơn...
Kết quả là đến thời điểm 31/5/2016, đã có 56.240 khách hàng được ký hợp đồng tín dụng trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở với tổng số tiền cam kết cho vay từ các NH đạt hơn 34.806 tỷ đồng; giải ngân theo tiến độ dự án đạt 28.347 tỷ đồng.
Ðồng thời nếu theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN, NHNN sẽ dừng tái cấp vốn hỗ trợ các NHTM khi họ đã giải ngân hết số tiền (khoảng 30 nghìn tỷ đồng) nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày 1/6/2013. Nhưng theo Thông tư 32/2015/TT-NHNN thì phần dư nợ được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước khách hàng sẽ được hưởng lãi suất vay ưu đãi của Chương trình trong suốt toàn bộ thời gian khách hàng vay vốn (tối đa 15 năm). Như vậy, NHNN đã quy định rõ cả về số tiền; thời hạn khách hàng, NHTM được hưởng chính sách hỗ trợ của Chương trình này.
Thế nhưng, khi gần hết thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ của gói 30 nghìn tỷ, có ý kiến lại cho rằng cần tiếp tục gia hạn gói tín dụng này. Xem xét vấn đề trên nhiều góc độ, ngày 22/3/2016, NHNN đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong trường hợp đến hết ngày 1/6/2016 chưa giải ngân hết số tiền 30 nghìn tỷ đồng, trình Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn.
Song song với đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 25/2015/TT-NHNN và chỉ đạo NH Chính sách xã hội tích cực triển khai chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về quản lý và phát triển NƠXH để hỗ trợ vốn đối với những người đủ điều kiện theo quy định có thể tiếp cận vốn hỗ trợ từ chương trình mới này.
Mới đây nhất, Công văn 3954/NHNN-TD báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án gia hạn Chương trình theo hướng: Cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với các khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình tối đa đến ngày 31/12/2016. Đồng thời, dừng giải ngân tái cấp vốn theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN đối với các khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới NƠXH, chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang NƠXH.
Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng, NHNN đã chỉ đạo các NHTM kể từ ngày 1/6/2016 tiếp tục giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng trước ngày 31/3/2016 bằng nguồn vốn của NHTM theo lãi suất thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký giữa khách hàng và NH theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN.
Nhìn lại chặng đường ba năm triển khai gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, có thể thấy sự nỗ lực rất lớn của ngành NH trong thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ. Kết thúc gói tín dụng này, những đối tượng chính sách vẫn có thể được vay vốn theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về quản lý và phát triển NƠXH, và đó cũng là cơ hội mới cho những người có nhu cầu thực về nhà ở.