Chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng

ThS. Nguyễn Thị Hương - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng

Trong những năm qua, phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ cao là một trong những định hướng chiến lược của TP. Đà Nẵng. Với định hướng chiến lược cụ thể, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở TP. Đà Nẵng thời gian qua đã ghi nhận những kết quả quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở địa phương này đã đối diện với những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực tiễn triển khai chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng

Cơ chế, chính sách

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ thông tin là 2 trong 5 mũi nhọn phát triển kinh tế chính của Thành phố. Thực hiện Nghị quyết này, các cấp chính quyền TP. Đà Nẵng đang ưu tiên thu hút đầu tư để phát triển lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp công nghệ thông tin.

Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đem lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp (DN) và đóng góp vào sự phát triển của Thành phố, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 8/11/2016 về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ trên địa bàn TP. Đà Nẵng và Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND ngày 16/5/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định một số chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ trên địa bàn TP. Đà Nẵng ban hành kèm theo Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND.

Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 26/2019/QĐ-UBND) quy định cụ thể về đối tượng, nguyên tắc hỗ trợ; loại hình công nghệ được hỗ trợ; điều kiện, nội dung hỗ trợ; thẩm quyền, trình tự, thủ tục hỗ trợ; đồng thời quy định rõ trách nhiệm triển khai thực hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Đà Nẵng đã điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Khu công nghệ cao từ mốc thời gian “năm 2012 - 2020” thành “năm 2012 - 2025”. Theo đó, TP. Đà Nẵng đưa ra các trụ cột cần tập trung phát triển trong thời gian tới, đó là: Du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng và trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; kinh tế tri thức (gồm 2 mũi nhọn: Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số); trung tâm dịch vụ chất lượng cao (với 2 mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không, gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực).

Kết quả thực hiện

Theo thống kê, đến tháng 12/2022, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng. Các DN công nghệ cao tại TP. Đà Nẵng đều tập trung trong khu công nghệ cao, nằm tại huyện Hòa Vang, diện tích hơn 1.128ha, là một trong 3 khu công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia. Khu công nghệ này có 6 lĩnh vực ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Công nghệ thông tin - truyền thông, phần mềm tin học; công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới; tự động hóa và cơ khí chính xác; công nghệ môi trường, công nghệ phục vụ hóa dầu; công nghệ vi điện tử, cơ điện tử, quang điện tử và công nghệ sinh học.

Lũy kế đến nay, khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Thành phố đã thu hút tổng cộng 507 dự án, trong đó 378 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 28.000 tỷ đồng và 129 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đầu tư trên 1,8 tỷ USD. Khu công nghệ cao Đà Nẵng là một trong 3 khu công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia, là khu duy nhất ở miền Trung, đã được đầu tư hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh.

Đến năm 2022, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I, II và đang triển khai giai đoạn III, sẵn sàng đáp ứng mặt bằng sạch và đồng bộ để nhà đầu tư thuận lợi trong việc triển khai xây dựng dự án, nhà máy. Các khu công nghệ cao này sẽ giúp Đà Nẵng hiện thực hóa mục tiêu trở thành Thành phố thông minh trong việc thúc đẩy và tăng tốc các dịch vụ chính phủ điện tử và kinh tế số, bao gồm cả việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.

Đà Nẵng đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho DN khi đầu tư vào Khu công nghệ cao như ưu đãi về thuế thu nhập DN. Theo đó, DN thực hiện dự án đầu tư mới; DN thực hiện dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người lao động làm việc tại các DN trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong thời hạn 15 năm.

Bên cạnh đó, để được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Các dự án đầu tư mới có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm. Khu công nghệ cao Đà Nẵng còn ưu đãi về tiền thuê đất; DN còn hưởng các chính sách ưu đãi về hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định, ngành công nghiệp công nghệ cao là một trong 3 trụ cột trong phát triển kinh tế của Thành phố và chú trọng ưu tiên nguồn lực để phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn, trong đó có công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Trong những năm trở lại đây, cơ cấu vốn đầu tư của DN vào Đà Nẵng đã chuyển dịch mạnh vào lĩnh vực công nghiệp, thay vì thương mại, dịch vụ và du lịch như trước. Khi Khu công nghệ cao Đà Nẵng hình thành, nhiều dự án của DN nước ngoài được xây dựng thì cơ cấu vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ chỉ còn chiếm 30%, trong khi đó, lĩnh công nghiệp trở thành lực hút mới, khi chiếm trên 50%.

Tính đến năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng là 5.985 tỷ đồng với 26 dự án. Ngành công nghiệp có đóng góp quan trọng trong giải quyết việc làm cho người lao động, chiếm khoảng 30,5% việc làm toàn Thành phố giai đoạn 2011 - 2015, khoảng 26-27% trong giai đoạn 2016 - 2021.

Một số khó khăn, hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được ở trên, việc thu hút phát triển DN công nghệ cao ở Đà Nẵng cũng gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Đó là, việc thu hút đầu tư vào các DN công nghiệp công nghệ cao chưa đạt kỳ vọng, trong khi tốc độ chuyển giao công nghệ trong các ngành công nghiệp còn chậm. Hiện tại, số lượng DN công nghệ cao trên địa bàn còn ít, phần lớn quy mô nhỏ và siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp. Quy mô liên kết, hợp tác phát triển giữa các DN còn nhỏ lẻ, rời rạc, chưa hình thành các cụm liên kết ngành.

Phát triển DN công nghệ cao chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp trong nhiệm kỳ; tốc độ đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp vẫn còn chậm. Một số lĩnh vực vẫn còn nặng về gia công, chế biến thô, phụ thuộc vào nhân công lao động, giá trị gia tăng chưa cao; năng lực nội sinh của ngành công nghiệp thành phố còn thấp; phụ thuộc nhiều vào thu hút đầu tư nước ngoài.

Nguyên nhân của khó khăn, hạn chế trên là do: TP. Đà Nẵng chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư mới có quy mô lớn vào ngành công nghiệp do hạn chế về quỹ đất trong các khu, cụm công nghiệp; Khó khăn về nguồn vốn đầu tư; Việc triển khai đầu tư xây dựng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp… bị chậm tiến độ do trình tự, thủ tục kéo dài và sự thiếu thống nhất.

Giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ cao ở TP. Đà Nẵng

Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 3 tỷ USD, giai đoạn 2026 - 2030 là khoảng 4 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ DN sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030. Những mục tiêu Đà Nẵng đặt ra hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, bởi Thành phố đã được Trung ương cho áp dụng cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Cùng với đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng về giao thông, nhà ga, sân bay, cảng biển, Đà Nẵng cũng tiến những bước vững chắc để đưa công nghệ cao trở thành trụ cột phát triển kinh tế. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển các DN công nghệ cao trên địa bàn TP. Đà Nẵng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, quán triệt, nâng cao nhận thức về chủ trương đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế Thành phố bền vững hơn, trọng tâm là đầu tư phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách, giải pháp hỗ trợ DN Thành phố, các thông tin phục vụ DN.

Hai là, nghiên cứu cơ chế, chính sách và hỗ trợ đầu tư trên lĩnh vực công nghệ cao. TP. Đà Nẵng cần tiếp tục xây dựng và kiến nghị với Trung ương bổ sung các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư, nhất là các điều kiện để hình thành trung tâm tài chính; khu phi thuế quan; trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Ba là, phê duyệt các quy hoạch phân khu làm cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư; chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất gắn với hạ tầng đồng bộ trong các khu, cụm công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin; đôn đốc triển khai dự án; hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu phần mềm. Các sở, ngành tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại; hỗ trợ DN chuyển đổi sang sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch của thế giới. Trên cơ sở điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẩn trương triển khai xây dựng và phê duyệt quy hoạch phân khu công nghệ cao; hoàn thành và sớm đưa vào hoạt động Khu công nghệ cao Đà Nẵng để tạo thuận lợi trong sản xuất và thu hút các dự án đầu tư phát triển sản phẩm công nghệ cao.

Bốn là, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của DN công nghệ cao của Thành phố qua nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho DN công nghệ cao và chế biến, chế tạo ưu tiên, nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN công nghệ cao.

Năm là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, triển khai có hiệu quả Đề án phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào Thành phố đến năm 2030…

Như vậy, thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, trở thành ba trụ cột phát triển ngành công nghiệp Thành phố. Trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến phát triển DN công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển các DN công nghệ cao tại địa phương này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Chính vì vậy, Thành phố này cần đẩy mạnh phát triển DN công nghệ cao nhằm đưa Thành phố phát triển bền vững trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội;
  2. Hoàng Anh (2022), “Thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao: Tầm nhìn chiến lược của Đà Nẵng”, https://baodautu.vn/thu-hut-dau-tu-linh-vuc-cong-nghe-cao-tam-nhin-chien-luoc-cua-da-nang-d178821.html;
  3. An Bình (2022), “Đà Nẵng đề nghị sớm thành lập Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng”, https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/da-nang-de-nghi-som-thanh-lap-trung-tam-ky-thuat-ho-tro-phat-trien-cong-nghiep-vung.html;
  4. Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng (2021), Quyết định số 3395/QĐ-UBND ngày 26/10/2021 ban hành Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2023