Chính sách tài chính hướng đến tăng trưởng xanh - Những vấn đề đặt ra
Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa khá nhiều vào việc khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô, khiến môi trường có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển bền vững đất nước. Trước bối cảnh đó, nước ta đang có nhiều nỗ lực hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi cần triển khai hiệu quả các chính sách tài chính phục vụ cho tăng trưởng xanh.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính cho tăng trưởng xanh
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững. Do vậy, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Ngày 12/4/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg về “phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020”, trong đó đã đề đến cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực tài chính để thực hiện phát triển bền vững. Ngày 25/09/2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó, xác định tăng trưởng xanh là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới của Việt Nam. Quyết định này cũng đề ra giải pháp “Huy động nguồn lực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh”, trong đó chỉ rõ “Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp (DN), nhất là các DNNVV triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh theo tiêu chí tăng trưởng xanh”.
Ngày 03/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, trong đó khẳng định “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, đồng thời chỉ ra giải pháp “Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” nhằm hướng đến tăng trưởng xanh. Ngày 20/03/2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn đoạn 2014-2020”, trong đó, quy định về các nguồn vốn thực hiện các hoạt động gồm: Vốn từ NSNN trong Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu; Từ nguồn lực của các DN; Từ cộng đồng và từ nguồn viện trợ của quốc tế. Đồng thời, Nhà nước sẽ ưu tiên và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, đặc biệt cho nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo. Nhà nước cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý khuyến khích các tổ chức tài chính, các DN đầu tư nguồn lực để thực hiện các hoạt động của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh…
Nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/10/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2183/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Cụ thể, sẽ xây dựng tổng thể định hướng phát triển ngành Tài chính xanh, trong đó xác định định hướng điều chỉnh chung, phương thức tổ chức thực hiện, cách thức phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh. Thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế như thuế bảo vệ môi trường theo hướng bổ sung đối tượng thu, điều chỉnh mức điều tiết nhằm hạn chế sử dụng những hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường sinh thái; Tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm trả phí bảo vệ môi trường; khuyến khích tái sử dụng, tái chế xử lý chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải, áp dụng công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường… Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế tài nguyên theo hướng thuế tài nguyên là công cụ hữu hiệu để góp phần quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Rà soát, sửa đổi thuế thu nhập DN theo hướng áp dụng hợp lý các chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường… Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với đất đồi, núi trọc dùng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, đất trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; đất khai hoang dùng vào sản xuất trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm nhằm khuyến khích phát triển xanh và miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất của cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động trong lĩnh vực môi trường...
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ ban hành quy chế mua sắm công xanh, trong đó chi mua sắm sử dụng nguồn NSNN phải ưu tiên hàng hóa dán nhãn sinh thái, hàng hóa có khả năng tái chế, riêng các phương tiện giao thông cơ giới mua bằng kinh phí công từ năm 2017 phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro, ưu tiên các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (điện, khí hóa lỏng) và xe lai (hybid); Ưu tiên bố trí kinh phí cho các hoạt động có liên quan đến bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đầu tư công đáp ứng tiêu chuẩn kinh tế xanh theo cơ cấu ngành nghề, tiêu chuẩn sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, thiết kế thích hợp điều kiện sinh thái, tính đến tác động của biến đổi khí hậu. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách chi ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường theo hướng tập trung nguồn lực cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả; Rà soát các chính sách xã hội liên quan đến việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh; Rà soát các cam kết hội nhập quốc tế và nghiên cứu xu hướng hợp tác quốc tế về tài chính xanh...
Đặc biệt, một trong những giải pháp trong chương trình hành động được các chuyên gia đánh giá cao đó là việc Bộ Tài chính sẽ thực hiện rà soát, hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh. Theo đó, các hoạt động trên thị trường vốn sẽ được thiết lập một khung tài chính xanh như: Ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và trong giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh). Đồng thời, huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua thị trường vốn cho các DN, dự án và sản phẩm xanh thông qua niêm yết, phát hành cổ phiếu xanh; Phát hành trái phiếu, chứng chỉ đầu tư... cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh; Xây dựng các bộ chỉ số xanh để theo dõi, đánh giá và giao dịch trên thị trường vốn; Ban hành quy chế hoặc hướng dẫn về quản trị rủi ro môi trường xã hội cho các tổ chức thị trường, cho các thành viên thị trường là các định chế tài chính và các DN niêm yết.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm của thị trường vốn xanh bao gồm: Trái phiếu xanh (các trái phiếu của DN xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh); Trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh; Các chỉ số xanh, chỉ số bền vững, chỉ số Carbon; Các chứng chỉ, chứng chỉ đầu tư xanh của các Quỹ đầu tư phát hành. Triển khai chính sách giá đối với mặt hàng xăng, dầu, điện, nước, đảm bảo nguyên tắc cơ chế giá thị trường đồng thời khuyến khích sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng, hỗ trợ lãi suất của Nhà nước cho các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, theo hướng đảm bảo lãi suất ưu đãi so với lãi suất thị trường đối với các hoạt động phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, các dự án đầu tư bảo vệ môi trường…
Những kết quả bước đầu
Dù khái niệm tăng trưởng xanh mới được đề cập ở Việt Nam vài năm gần đây, nhưng trên thực tế, Việt Nam đã tiến hành thực hiện các chính sách tài chính hướng đến tăng trưởng xanh dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn như việc Chính phủ dành NSNN để đầu tư cho Chương trình 327 trồng lại rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc hay Chương trình 5 triệu ha rừng, hay như Việt Nam giải quyết khá tốt về đầu tư NSNN cho giảm nghèo, nước sạch và hợp vệ sinh. Đáng mừng là nguồn tài chính đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và biến đổi khí hậu cũng đang có xu hướng tăng. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực tìm kiếm, huy động thành công nguồn lực tài chính của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế để thực hiện các hoạt động về tăng trưởng xanh. Trong đó phải kể đến một số điểm nhấn như: Vương quốc Bỉ tài trợ cho Việt Nam Dự án Quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh với tổng kinh phí 5 triệu Euro và Dự án Quản lý nguồn nước và Phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại 3 tỉnh Hà Tĩnh, Bình Thuận, Ninh Thuận với tổng kinh phí 25 triệu Euro, nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát triển carbon thấp và quy hoạch đô thị bền vững. Hay như Cơ quan Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ khoảng 2 triệu USD cho dự án “Chiến lược Tăng trưởng xanh ở Việt Nam” từ năm 2013 đến năm 2014... Việt Nam hiện cũng đang triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ tăng cường năng lực và đổi mới thể chế thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” với tổng kinh phí thực hiện là 4,128 triệu USD do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Chương trình toàn cầu về tăng cường năng lực giảm phát thải do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Liên minh châu Âu (EU) đồng tài trợ nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực, xây dựng các chính sách, quy định để thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam. Dự án này cũng sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu hướng tới về đầu tư xanh và lồng ghép “tăng trưởng xanh hơn” trong định hướng chính sách mới của Việt Nam trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Đối với biến đổi khí hậu, bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ NSNN theo chương trình mục tiêu quốc gia thì Việt Nam cũng nhận được nguồn tài trợ quốc tế khá lớn. Tính đến năm 2011 đã có khoảng 1,2 tỷ USD đầu tư tài chính dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chủ yếu cho thích ứng với biến đổi khí hậu…
Theo các chuyên gia kinh tế, đóng góp vào thành công của huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh phải kể đến việc triển khai hiệu quả các chính sách tài chính. Theo đó, các chính sách thuế, phí đã góp phần quan trọng trong việc định hướng, khuyến khích tổ chức, cá nhân cân nhắc trong việc lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội và tạo nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường. Thuế tài nguyên trở thành công cụ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động khai thác tài nguyên theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên đối với phát triển kinh tế bền vững. Các chính sách thuế TNDN, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Cụ thể, chính sách thuế TNDN có sự hỗ trợ đối với tăng trưởng xanh như: Áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của DN từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường, thu nhập của DN từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; Áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường…
Đặc biệt, thời gian qua, thị trường chứng khoán cũng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án xanh. Điển hình là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức nhiều phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các dự án xanh như dự án sản xuất pin mặt trời, điện gió, dự án thủy lợi hoặc các dự án đầu tư cho du lịch bền vững. Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cũng đang tiến hành xây dựng các chỉ số bền vững Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) nhằm nâng cao nhận thức đầu tư và phát triển bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn niêm yết, tạo chuẩn mực cho sự minh bạch của công ty và thị trường, tạo thêm các sản phẩm mới cho thị trường. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã kêu gọi sự chủ động tham gia của cộng đồng DN, nhà đầu tư nhằm tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh và tiến tới xây dựng một khuôn khổ định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho các DN hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức trong việc triển khai các chính sách tài chính trong thời gian tới. Theo đó, tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực không nhỏ để đầu tư cải tiến công nghệ, thực hiện các dự án đầu tư xanh trong khi nguồn lực trong nước, đặc biệt là nguồn NSNN còn rất hạn chế và phải dành để thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng khác. Việc phát sinh các chi phí cho tăng trưởng xanh cũng đã khiến cho không ít DN giảm động lực đổi mới công nghệ, tăng cường hiệu quả sản xuất, giảm tác động môi trường. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh đòi hỏi rất lớn trong khi việc thu hút, huy động nguồn tài chính cho lĩnh vực này không hề đơn giản. Đối với các sản phẩm tài chính xanh, cổ phiếu-trái phiếu xanh ra thị trường cũng đối mặt với một số thách thức. Khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn báo cáo nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững chưa đầy đủ, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế, thiếu tổ chức độc lập có đủ năng lực để đánh giá về các chỉ số phát triển bền vững cho các công ty. Việc đưa các tiêu chí về môi trường vào báo cáo sẽ làm tăng chi phí của các DN trong khi nhận thức về phát triển bền vững còn hạn chế…
Một số kiến nghị
Trong thời gian tới, chính sách tài chính cần hướng đến việc tìm kiếm và huy động các nguồn vốn cho đầu tư cho tăng trưởng xanh, góp phần vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững. Do đó, cần chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần phân cấp rõ nguồn vốn tài chính trung ương và địa phương đầu tư cho tăng trưởng xanh, phát huy nội lực và thế mạnh tài chính của địa phương để đầu tư hiệu quả cho tăng trưởng xanh. Theo các chuyên gia, cần có sự cân đối lại tỷ lệ đóng góp giữa trung ương và địa phương vào tăng trưởng xanh, đồng thời có cơ chế khuyến khích và hình thức khen thưởng rõ ràng đối với những địa phương thực hiện tốt đầu tư tài chính cho tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ chế tăng nguồn thu thông qua hệ thống thuế, phí, phạt vi phạm..., do vậy cần đánh giá, rà soát lại các cơ chế chính sách, hệ thống luật pháp liên quan đến tăng nguồn thu hiện hành, từ đó có những bổ sung phù hợp. Hiện nay, dù Việt Nam đã thực hiện đánh thuế môi trường, thuế tài nguyên… song so với các nước khác, thuế suất tài nguyên của nước ta vẫn còn ở mức thấp.
Thứ hai, cần nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức hiện có, tăng cường năng lực dịch vụ tài chính, ngân hàng và thị trường tiền tệ để huy động các nguồn lực tài chính. Về phía Bộ Tài chính, cần nghiên cứu phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, các tổ chức phát hành trái phiếu cần ưu tiên tài trợ vốn cho các dự án xanh. Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần chấp nhận việc sử dụng trái phiếu xanh trong hoạt động thị trường mở với tỷ lệ chiết khấu cao hơn các trái phiếu cùng loại và cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng trái phiếu xanh làm dự trữ bắt buộc. Các địa phương cũng nên đẩy mạnh phát hành trái phiếu xanh và khuyến khích, hỗ trợ các DN trên địa bàn phát hành trái phiếu DN xanh.
Thứ ba, trước tình trạng hạn hẹp của nguồn NSNN, cần đa dạng hóa việc thu hút các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Theo đó, đẩy mạnh thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, nguồn đầu tư nhà nước và ODA, tạo chất xúc tác để thu hút, hình thành môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Tăng cường đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư (PPP) khi nguồn lực NSNN đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế...
Thứ tư, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế, phí, cho vay tài chính nhằm khuyến khích DN đầu tư vào đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh, việc làm xanh để tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của DN trên thị trưởng. Tiếp tục nghiên cứu và triển khai chính sách khuyến khích hỗ trợ các ngành sản xuất kinh - doanh sử dụng công nghệ và năng lượng sạch thông qua các kênh khác như văn bản pháp lý, thủ tục, cơ chế đầu tư thuận lợi, hỗ trợ về vốn, đất đai.
Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách tài khóa xanh, chương trình hành động của ngành Tài chính về tăng trưởng xanh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, hội nghị mở rộng và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về chính sách tài khóa xanh. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng; giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất, vận tải, thương mại; từng bước thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp và giao thông, như: sử dụng nguồn năng lượng mới, sạch, tái tạo, ít phát thải khí nhà kính; giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững…
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”;
2. Chính phủ, Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012. ”Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”;
3. Bộ Tài chính, Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 ban hành “Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020’”.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. ”Huy động nguồn tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu”. Báo cáo nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động và sử dụng vốn ODA và các nguồn tài chính bên ngoài cho ứng phó với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Hà Nội tháng 7/2011;
5. Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Tăng trưởng xanh ở Việt Nam: Chính sách tài chính và định hướng giải pháp (2015).