Thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020 và đề xuất một số giải pháp

Lê Thị Quỳnh Trang, Nguyễn Thị Huyền - Đại học Lao động – Xã hội

Trong giai đoạn 2011-2015, nước ta đã đạt nhiều kết quả nổi bật trên mọi mặt của lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, với rất nhiều thách thức tiềm ẩn khó lường trên phương diện toàn cầu và những thách thức nội tại của nền kinh tế, để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế- xã hội đã đề ra, cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mục tiêu lớn cho giai đoạn 2016 -2020

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đặt ra mục tiêu tổng quát như: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ, tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại… Trong đó, Việt Nam sẽ phấn đấu đạt được một số mục tiêu cụ thể sau:

- Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Bội chi NSNN còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm…

- Về xã hội: Đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Có 9 - 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm.

- Về môi trường: Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ tác động trực tiếp đến nước ta. Kinh tế thế giới phục hồi chậm; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế có nhiều rủi ro; rào cản thương mại có xu hướng gia tăng. Giá dầu thấp, khó dự báo. Một số nền kinh tế lớn tăng trưởng không ổn định và đang điều chỉnh chiến lược phát triển. Trong nước, nhu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển trong khi nguồn lực còn hạn hẹp. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức...

Một số giải pháp

Trong bối cảnh đó, các bộ, ngành và địa phương cần bám sát và tích cực triển khai các nhiệm vụ được đưa ra trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2015-2020, vừa trình Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII ngày 21/3/2016 trong đó, chú trọng một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển KT-XH. Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các loại hình DN. Điều hành hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách liên quan để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu, chi NSNN, tăng tỉ trọng thu nội địa và bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ; phấn đấu giảm dần bội chi. Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tăng cường huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh xã hội hóa, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ phù hợp và hoạt động theo cơ chế DN đối với các đơn vị có đủ điều kiện…

Hai là, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực. Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững; phát triển kinh tế tri thức. Tập trung thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, khuyến khích phát triển mạnh DN khởi nghiệp. Nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của người dân. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài, hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ theo cụm liên kết ngành. Phát triển nhanh các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có lợi thế, có công nghệ và giá trị gia tăng cao. Bố trí vốn tập trung, công khai, minh bạch; ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA quan trọng, thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, vốn cho các công trình chuyển tiếp cấp thiết, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng. Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, hiệu quả hoạt động. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. Tập trung cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán hết phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường; sử dụng một phần số tiền thu được cho đầu tư phát triển…

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và phân bổ lao động hợp lý, khai thác tốt cơ hội dân số vàng. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách đạo đức, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Đẩy mạnh tự chủ và đề cao trách nhiệm của các cơ sở giáo dục công lập đại học và dạy nghề. NSNN bảo đảm cho giáo dục phổ cập; hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo cho các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách. Tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao tiềm lực và hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ. Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, khuyến khích mạnh các DN, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí từ NSNN và các quỹ phát triển khoa học công nghệ; khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm…

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công; phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả. Tập trung giải quyết việc làm, nhất là khu vực nông thôn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, chú trọng giảm nghèo nhanh trong đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn đặc biệt khó khăn. Mở rộng đối tượng tham gia, phát triển bền vững quỹ bảo hiểm xã hội; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường gắn với tăng năng suất lao động. Nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng, chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục nhanh tình trạng quá tải bệnh viện. Đổi mới cơ chế tài chính, điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, hỗ trợ phù hợp các đối tượng chính sách, người nghèo…

Tài liệu tham khảo:


1. Chính phủ, Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2015-2020;

2. Quốc hội, Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển KT- XH năm 2015 và 5 năm 2011-2015;

3. Một số website: chinhphu.vn, mof.gov.vn, mpi.gov.vn.