Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 21 - 26/3/2016
KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM |
Nội dung |
Tổng cung |
|
Tăng trưởng |
Trong số 6 nền kinh tế lớn của khối ASEAN được khảo sát, Việt Nam, Philippines và Indonesia dự kiến sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt nhất, lần lượt đạt mức 6,3%, 6,1% và 5,1% trong năm 2016. Tuy nhiên, Việt Nam cần có chính sách phù hợp để bảo đảm hệ số nợ tư nhân trên GDP không vượt ngưỡng trần 65%. (Theo Báo cáo Tiêu điểm kinh tế khu vực Đông nam Á quý 1/2016 của Oxford Economics và Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) |
Doanh nghiệp |
Ngày 23/3, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật BHXH ở các doanh nghiệp năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016. Theo đó, số doanh nghiệp đóng BHXH mới chỉ đạt 40%, cho thấy cần có giải pháp nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đóng BHXH cho người lao động... Năm 2015, qua giám sát tại 6 tỉnh cho thấy, tỷ lệ BHXH bình quân của 6 tỉnh đạt 13% trên tổng số lực lượng lao động tham gia BHXH (so với mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH). Cứ 100 doanh nghiệp hoạt động chỉ có 40 doanh nghiệp đăng ký đóng BHXH và trong số đó có 18 doanh nghiệp chậm đóng hoặc đóng thiếu tiền BHXH. |
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng giá chào bán loại gạo 5% tấm lên mức 380 - 390USD/tấn và gạo 25% tấm lên 365 - 375USD/tấn trong khi các nhà xuất khẩu khác trong khu vực vẫn giữ nguyên giá chào bán. Nguyên nhân: Do ảnh hưởng xấu của hiện tượng El Nino đến vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, giá thu mua lúa gạo nội địa liên tục tăng cao. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao hơn so với mặt bằng chung trên thị trường thế giới, nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang mất lợi thế cạnh tranh về giá bán. |
|
Tổng cầu |
|
Đầu tư |
Từ năm 2005 - 2015, tổng vốn ODA, vay ưu đãi đã ký kết đạt khoảng 45 tỷ USD. Trong đó: - 1/3 cấp phát cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương; - 1/3 dành cho các chương trình, dự án của địa phương; - 1/3 cho vay lại các dự án trọng điểm của Nhà nước. Dự kiến, đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Việt Nam sẽ phải thực hiện điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất từ 2% - 3,5%. (Theo Bộ Tài chính) |
Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016 đạt 4,03 tỷ USD, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2015. Vốn FDI giải ngân đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 20/3/2013, có 473 dự án đăng ký mới, tăng 77,2% so với cùng kỳ năm 2015; có 203 dự án tăng vốn, tăng 99% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 2,74 tỷ USD, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2015; tổng vốn tăng thêm đạt 1,29 tỷ USD, tăng 107%. (Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT) |
|
Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng |
Hiện giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực, do: - Cơ cấu thuế, phí của các nước về giá xăng dầu cao hơn (giá xăng của Việt Nam chỉ bằng 82,3% giá xăng của Campuchia, 73,9% của Thái Lan, 71,4% của Trung Quốc và chỉ bằng 55,6% của Lào). - Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA, MFN), theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu đang trong lộ trình giảm dần. (Theo Bộ Tài chính) |
Cân đối vĩ mô |
|
Lạm phát |
CPI tháng 3/2016 đã tăng 0,57% so với tháng 02/2016 và tăng 1,69% so cùng kỳ năm 2015. Như vậy sau 3 tháng, CPI đã tăng 0,99%. Việc CPI đột ngột tăng khá cao vào tháng 3/2016 do các quyết định hành chính: - Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện trên toàn quốc có hiệu lực từ 01/3/2016 đã khiến giá các mặt hàng dịch vụ y tế áp dụng cho đối tượng có bảo hiểm y tế tăng 32,9% khiến chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng rất mạnh 24,34%, làm CPI chung tăng khoảng 1,27%. - Thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, một số tỉnh thành phố đã tăng học phí các cấp làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,66%. (Theo Tổng cục Thống kê) |
Lao động |
Tỷ lệ thất nghiệp chung trong cả nước đang có xu hướng giảm, quý 4/2015 chỉ còn 2,18%, so với con số 2,35% của quý 3/2015 và 2,42% của quý 2/2015. Đáng chú ý, số người bị thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật giảm 78.000 người, xuống còn 417.300 người, chiếm 39,7%. Trong đó: (i) Số lao động thất nghiệp có trình độ đại học trở lên giảm mạnh nhất, giảm 70.000 người, từ 225.500 người (quý 3/2015) xuống còn 155.500(quý 4/2015). (ii) Số người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp tăng ở hai nhóm: chứng chỉ nghề dưới 3 tháng (26.230 người) và trung cấp chuyên nghiệp (3.540 người). (Theo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội) |
Tín dụng |
Ngày 24/3, Ngân hàng Nhà nước đã tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp (theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014). Tham gia chương trình có 28 doanh nghiệp trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố; 8 ngân hàng thương mại cam kết tài trợ tín dụng. Các ngân hàng đã giải ngân được 6.937 tỷ đồng, vượt số tiền cam kết ban đầu. Chương trình có một số cơ chế đặc thù như: Lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất cho vay thông thường 1 - 1,5%/năm, mức cho vay tối đa lên tới 90% giá trị dự án vay vốn. Ngân hàng có thể xem xét cho các thành viên liên kết vay không có tài sản đảm bảo, nếu kiểm soát được dòng tiền của chuỗi liên kết... |
Giá vàng |
Tính từ đầu tuần, giá vàng SJC đã giảm liên tiếp 5 ngày với mức giảm từ 400 - 530 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (26/3), giá vàng giao dịch ở mức: - Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh: 33,16 - 33,43 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. - Công ty DOJI: 33,28 - 33,36 triệu đồng/lượng, giảm 30 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều. |
Tỷ giá |
Trong tuần qua, tỷ giá USD/VND được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng trong 4 ngày và giảm 3 đồng trong ngày cuối tuần (ngày 25/3). Như vậy, tính chung cả tuần, tỷ giá USD/VND đã tăng 38 đồng/USD. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 26/3), tỷ giá được các ngân hàng mua bán ở mức: - Vietcombank: 22.260 - 22.330 đồng. - VietinBank: 22.280 - 22.345 đồng. - BIDV: 22.290 - 22.360 đồng. - Techcombank: 22.260 - 22.360 đồng. |
Thị trường tài sản |
|
Trái phiếu |
Tuần qua, HNX đã tổ chức 1 phiên đấu thầu TPCP do KBNN phát hành vào ngày 23/3, với tổng khối lượng gọi thầu 9.900 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 3 năm (2.600 tỷ đồng); 5 năm (6.000 tỷ đồng) và 15 năm (1.300 tỷ đồng). - Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 2.600 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 5,53%/năm. - Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 4.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,35%/năm. - Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 1.300 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,65%/năm. Tính chung từ đầu năm đến ngày 25/3/2016, KBNN đã huy động thành công 68.939,93 tỷ đồng TPCP. |
Cổ phiếu |
Trong tuần từ 21 - 25/3/2016, do kỳ cơ cấu danh mục đầu tư của hai quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đã kết thúc nên giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã không còn đột biến như tuần trước đó. Mặc dù vậy, giao dịch trên cả hai sàn HOSE và HNXvẫn diễn ra tương đối sôi động, với tổng khối lượng giao dịch trên cả hai sàn HOSE và HNX đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt hơn 14.753 tỷ đồng (giảm 10% về khối lượng và 24,8% về giá trị so với tuần giao dịch từ14 - 18/3/2016). Trong khi đó, về điểm số, thị trường chứng khoán biến động trái chiều trên 2 sàn. Tính chung cả tuần: - VN-Index: Giảm 1%, xuống 576,08 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 763,5 triệu cổ phiếu (giảm 13,2% so với tuần trước), tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt hơn 11.837 tỷ đồng (giảm 28,5%). - HNX-Index: Giảm 1,56%, xuống 79,73 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 295 triệu cổ phiếu (giảm 0,4% so với tuần trước), tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 2.916 tỷ đồng (giảm 4,9%). |
Trong tuần từ 21 - 25/3/2016, sau hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF hoàn tất, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh trên cả 2 sàn. Tuy nhiên, khối này đã có tuần mua ròng tích cực với tổng giá trị hơn 261 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với tuần trước, tương ứng với khối lượng giao dịch hơn 13,3 triệu cổ phiếu. Cụ thể: - HOSE: Khối ngoại mua ròng gần 9 triệu cổ phiếu, giá trị đạt hơn 193,3 tỷ đồng. - HNX: Khối ngoại mua ròng gần 4,3 triệu cổ phiếu, giá trị đạt hơn 68,2 tỷ đồng. |
|
Đàm phán - Ký kết |
Việt Nam và Nga Theo Bộ Công Thương Nga, Việt Nam và Nga đã ký một thỏa thuận để sản xuất ô tô của nước này tại Việt Nam. Thỏa thuận này là dự án hợp tác đầu tiên trong khu vực thương mại tự do được ký kết năm 2015 giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU) và Việt Nam, sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu xe hơi và tạo điều kiện cho các sản phẩm của Nga tiếp cận với thị trường ASEAN. Theo dự kiến, Nga sẽ xuất khẩu sang Việt Nam 2.550 xe trong 3 năm đầu và 13.500 phụ kiện trong 5 năm đầu. Cho tới năm 2025, việc nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam có thể đạt 40 - 50%. Trong năm 2016, Nga có thể sẽ xuất sang Việt Nam 800 chiếc xe hơi được miễn thuế. Việt Nam và Nhật Bản Ngày 23/3/2016, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã tổ chức Lễ ký hợp đồng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho 4 dự án tại Việt Nam với tổng số tiền viện trợ là 406.893 USD, bao gồm: Dự án xây dựng cống hộp liên thôn tại xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng với số tiền viện trợ là 153.688 USD; Dự án xây dựng trường tiểu học Thin Théc tỉnh Cao Bằng với 87.300 USD; Dự án cung cấp thiết bị in chữ nổi, phần mềm chuyển đổi tiếng Việt cho Hội người mù thành phố Đà Nẵng và Hội người mù tỉnh Quảng Nam với 78.341 USD; Dự án xây dựng khu nhà nội trú trường tiểu học và trung học cơ sở Pá Lau, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái với 87.564 USD. |
Chính sách |
Nghị quyết số 21/NQ-CP Ngày 21/3/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về việc phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 5 lĩnh vực cần tập trung phân cấp quản lý nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020, gồm: (i) Quản lý NSNN; (ii) Thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; (iii) Quản lý đầu tư; (iv) Quản lý công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; (v) Quản lý đất đai. Riêng trong lĩnh vực quản lý đầu tư, cần hoàn thiện phân cấp quản lý đầu tư công trên cơ sở bảo đảm quản lý tập trung và thống nhất về quy hoạch, cơ chế, chính sách và cân đối nguồn lực một cách chủ động, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán; tránh thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công. Nghị định số 16/2016/NĐ-CP Ngày 16/3/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; có hiệu lực từ ngày 02/5/2016. - Các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi bao gồm: Hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường thể chế quản lý nhà nước; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức PPP; lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. - Không cần thành lập Ban quản lý dự án đối với các trường hợp như: Chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, viện trợ không hoàn lại có tổng mức vốn dưới 200.000 USD; chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, viện trợ không hoàn lại có tổng mức đầu tư dưới 350.000 USD… Quyết định số 05/2016/QĐ-TTg Ngày 25/3/2015, Quyết định số 05/2016/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 về việc quản lý sử dụng phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2016 - 2020 chính thức có hiệu lực. Theo đó, số tiền thu được từ phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh được phân bổ như sau: Trích 40% để đưa vào Quỹ tích lũy trả nợ; 60% còn lại được sử dụng để bổ sung kinh phí cho đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính. |
Nhận định chuyên gia |
Ông Douglas Lippoldt, chuyên gia kinh tế thương mại cấp cao của Ngân hàng HSBC dự báo: Đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế phát triển. Năm 2015, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,68%. Đặc biệt, ngành công nghệ thông tin đóng góp vào GDP khoảng 10% đến 25%. Giai đoạn 2016 - 2030, xuất khẩu bình quân ước tăng 10%/năm; lực lượng lao động của Việt Nam lớn, giá nhân công thấp, cùng với những thuận lợi từ các hiệp định thương mại khu vực giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng lên.
Ông Alex Crane, Tổng Giám Đốc Công ty bất động sản tư nhân Cushman & Wakefield nhận định: Vốn đầu tư xuyên quốc gia sẽ tiếp tục đầu tư vào thị trường bất động sản trên toàn cầu, với hơn 40% đổ vào thị trường châu Á Thái Bình Dương, năm 2016 Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư. Ước tính năm 2015, số lượng các thương vụ M&A (thương vụ về bất động sản) tại Việt Nam đã tăng 20% so với năm 2014, chiếm 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam.
Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng): Thị trường bất động sản sẽ có những chuyển biến tích cực, tiếp tục tăng trưởng và có sự chuyển hướng đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ, giá bán trung bình khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. - Lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm, tuy nhiên tốc độ giảm sẽ chậm hơn trước. - Xu hướng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng các dự án bất động sản tiếp tục tăng. - Nhiều dự án trước kia phải tạm dừng sẽ được khởi động trở lại, nhiều dự án mới có vị trí tốt sẽ được khởi công.
Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính): Theo kịch bản kinh tế vĩ mô hiện nay thì tỷ lệ nợ đang chiếm 24% tổng thu ngân sách. Tuy nhiên, do có phần vay đảo nợ nên tỷ lệ phải trả thực tế thấp hơn. Nếu không tính vay đảo nợ thì nghĩa vụ trả nợ chiếm 14,7% tổng thu ngân sách, tương đương khoảng 150.000 tỷ đồng. Như vậy, năm 2016, nghĩa vụ trả nợ vẫn cao vì ngân sách đang phải xử lý các khoản đã huy động trong giai đoạn 2011 - 2013 khi vay ngắn hạn chiếm 70% từ nguồn tín phiếu, trái phiếu có kỳ hạn 1 - 3 năm. Sau năm 2017, nghĩa vụ trả nợ sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước tính vì còn phụ thuộc nhiều vào điều hành cụ thể như giá dầu thực tế sẽ là 30, 40 hay 60 USD/thùng, ảnh hưởng thu ngân sách như thế nào, tỷ lệ đầu tư phát triển, bội chi khác nhau...
Bà Vũ Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê: Lạm phát năm 2016 có thể vượt qua mức giới hạn 5% mà Chính phủ đề ra. Có 6 yếu tố sẽ tác động đến mức tăng cao của lạm phát, gồm: (i) Tăng giá dịch vụ y tế lần 2 (dự kiến vào tháng 7), sau đợt tăng giá dịch vụ vào tháng 3 vừa qua. (ii) Tăng học phí vào năm học mới 2016 - 2017 vào tháng 9, sẽ làm tăng CPI vào cuối năm 2016; (iii) Giá xăng dầu thế giới hiện đã có xu hướng tăng trở lại; (iv) Các mặt hàng tiêu dùng như sắt thép, mì chính… cũng sẽ tăng giá; (Nhu cầu về vốn cho nền kinh tế tăng có thể gây áp lực tăng lãi suất, dẫn đến tăng giá hàng tiêu dùng nói chung); (v) Giá gạo trong nước đã tăng lên trong tháng 3/2016 do hiện tượng thời tiết xấu (hạn hán, ngập mặn…) ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất lúa gạo. |