Chính sách tài chính mới có hiệu lực thi hành trong tháng 7

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho người nước ngoài; thay đổi mức thu phí trong lĩnh vực chứng khoán; chế độ thanh toán tiền nghỉ phép của cán bộ, công chức; thủ tục hải quan với khí và khí dầu mỏ hóa lỏng… là một số chính sách mới về lĩnh vực Tài chính có hiệu lực thi hành trong tháng 7/2014.

* Điều kiện hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 72/2014/TT-BTC về hoàn thuế GTGT cho hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư nước ngoài mang theo khi xuất cảnh, áp dụng chung cho tất cả các cửa khẩu hoàn thuế từ 1/7/2014.

Theo đó, ngoài các điều kiện cũ giống với Thông tư 58/2012/TT-BTC, hàng hóa được hoàn thuế GTGT phải đáp ứng thêm các điều kiện sau: Không thuộc các mặt hàng được hoàn thuế GTGT của người nước ngoài theo Thông tư 08/2003/TT-BTC về hoàn thuế với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự; Hàng mua tại Việt Nam, có hoá đơn kiêm tờ khai hoàn thuế được lập trong thời gian tối đa 60 ngày tính đến ngày người nước ngoài xuất cảnh; Giá trị hàng hóa trên tờ khai/hóa đơn mua tại 1 cửa hàng/ngày tối thiểu từ 2 triệu trở lên.

Danh sách các cửa khẩu áp dụng hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài từ 1/7/2014 gồm: Sân bay quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh; Cảng biển quốc tế: Khánh Hội (TP. Hồ Chí Minh), Đà Nẵng, Nha Trang. 

* Vi phạm trong lĩnh vực kho bạc có thể bị phạt đến 50 triệu đồng

Từ 1/7/2014, Thông tư 54/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kho bạc nhà nước tại Chương 5 Nghị định 192/2013/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, việc tổ chức lập hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) để chi ngân sách Nhà nước (NSNN) cho khối lượng công việc chưa thực hiện hoặc đang thực hiện dở dang, chưa đủ điều kiện thanh toán; chi thanh toán vượt giá trị hợp đồng hoặc phụ lục điều chỉnh hợp đồng... sẽ bị phạt tiền từ 3 - 6 triệu đồng.

Trường hợp sử dụng con dấu giả hoặc giả chữ ký của người có thẩm quyền ký; sửa đổi trái phép nội dung hoặc số tiền trên hồ sơ, chứng từ chi NSNN gửi KBNN hoặc làm giả các loại hồ sơ, chứng từ có liên quan... sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Trường hợp lập hồ sơ, chứng từ giả mạo gửi KBNN để thanh toán, chi trả các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản hoặc chi sự nghiệp có tính chất đầu tư của NSNN, có mức phạt tiền là 30 - 50 triệu đồng.  

Đối với tổ chức có hành vi vi phạm bị phát hiện sau khi KBNN đã thực hiện thanh toán, chi trả, sẽ bị buộc phải thu hồi toàn bộ các khoản đã chi từ việc sử dụng hồ sơ, chứng từ giả mạo đối với các hành vi vi phạm nêu trên.

* Sửa đổi mẫu tem xì gà nhập khẩu

Theo quy định tại Quyết định số 1010/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 1/7/2014, Mẫu tem xì gà nhập khẩu được thực hiện như sau: Kích thước tem (22 x 45)mm; Tem được in trên giấy có nền hoa văn màu xanh cô ban, các cụm hoa văn được in đan xen nhau.

Trên tem có in 04 dòng chữ màu đen, ba dòng tiếng Việt và một dòng chữ tiếng Anh theo thứ tự và nội dung như sau: Dòng chữ trên cùng: "BỘ TÀI CHÍNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM", cỡ chữ Vni-Helve Bold - 4,5pt; Dòng chữ thứ 2: "TỔNG CỤC HẢI QUAN", cỡ chữ Vni-Helve Bold - 4,5pt; Dòng chữ thứ 3: "TEM XÌ GÀ NHẬP KHẨU", cỡ chữ Vni-Helve Bold - 10pt; Dòng chữ dưới cùng "IMPORTED CIGAR STAMP" nhỏ hơn chữ tiếng Việt ngay trên, cỡ chữ Vni-Centur Bold - 7,5pt; Số seri, ký hiệu năm phát hành: AA/20.... ; cỡ chữ Arial Bold - 7pt; Mỗi con tem được đánh số thứ tự liên tục từ 000.000.001, in mực màu đỏ.

Các  mẫu tem xì gà nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 2807/QĐ-BTC ngày 11/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ bị bãi bỏ từ 1/7.

* Chế độ thanh toán tiền nghỉ phép đối với cán bộ, công chức

Theo quy định tại Thông tư 57/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực kể từ 1/7/2014, có hai đối tượng được thanh toán tiền nghỉ phép, gồm: Thứ nhất, cán bộ, công chức là người miền xuôi công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên; Thứ hai, cán bộ, công chức là người ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên làm việc ở miền xuôi có đủ điều kiện được nghỉ phép hàng năm.

Cán bộ, công chức có thể thỏa thuận với thủ trưởng cơ quan, đơn vị để nghỉ gộp tối đa ba năm một lần và chỉ được thanh toán một lần tiền nghỉ phép năm theo quy định./. 

• Cơ chế tài chính thực hiện thí điểm đưa tri thức trẻ tình nguyện về nông thôn 

Để thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020, Bộ Tài chính đã quy định nội dung chi thực hiện các hoạt động của Đề án gồm:  

Ngân sách Trung ương sẽ chi cho các nội dung: tuyên truyền; họp triển khai; điều tra khảo sát; bồi dưỡng kiến thức; tổ chức đưa đội viên về các xã để ổn định sinh hoạt và công tác; tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động; tổ chức sơ kết, tổng kết; Chi làm thêm giờ; văn phòng phẩm, công tác phí… 

Ngân sách địa phương đảm bảo sẽ chi cho các nội dung: Tiền lương, các khoản phụ cấp, các khoản trích nộp, các chế độ, chính sách thu hút; hỗ trợ, trợ cấp cho đội viên; thanh toán tiền tàu xe đi và về thăm gia đình; công tác phí. 

Nội dung trên được quy định chi tiết tại Thông tư 68/2014/TT-BTC, có hiệu lực thi hành từ 4/7. 

* DN nước ngoài thành lập văn phòng đại diện mất phí 3 triệu đồng

Theo quy định tại Thông tư 66/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 10/7 tới, doanh nghiệp (DN) quảng cáo nước ngoài khi đề nghị cấp mới Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện phải đóng mức lệ phí 3.000.000 đồng/Giấy phép. Riêng Giấy phép khi cấp lại, sửa đổi, bổ sung: 1.500.000 đồng/Giấy phép. 

Lệ phí cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của DN quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam thu bằng Đồng Việt Nam. 

* 30 nghìn đồng/lần/người khi tham quan Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam 

Tổ chức, cá nhân khi tham quan Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, từ ngày 10/7 sẽ được giảm 50% mức phí tham quan nếu là người cao tuổi hoặc người khuyết tật nặng. 

Trẻ em dưới 6 tuổi hoặc trẻ em có chiều cao dưới 1,2m và Người khuyết tật đặc biệt nặng không phải nộp phí khi tham quan. 

Phí tham quan đối với người lớn: 30.000 đồng/người/lượt; Đối với sinh viên, học sinh phí tham quan 10.000 đồng/người/lượt. 

Quy định trên được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư 64/2014/TT-BTC. 

* Thay đổi mức thu phí trong lĩnh vực chứng khoán

Mức thay đổi được quy định bởi Thông tư 67/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực thi hành từ 10/7, đồng thời bãi bỏ Thông tư 134/2009/TT-BTC .

Tổng cộng có 20 loại phí, lệ phí áp dụng các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán.

Trung tâm lưu ký khi thu phí chuyển quyền sở hữu CK phải trích nộp phí giám sát trên doanh thu phí còn lại sau khi chuyển trả 50% phí chuyển quyền sở hữu CK cho các Sở Giao dịch. 

Giá trị giao dịch chịu phí là giá trị công bố trên hệ thống của Sở Giao dịch hoặc giá trị giao dịch không thông qua các hệ thống.

Các đối tượng nộp phí khác như công ty đại chúng chưa niêm yết/đăng ký giao dịch; quỹ mở, quỹ ETF, tổ chức quản lý quỹ phải nộp phí quản lý thường niên.

Đồng tiền thu phí là Việt Nam đồng; hình thức nộp là tiền mặt /chuyển khoản vào tài khoản của UBCK tại Kho bạc Nhà nước.

* Quy định mới về chế độ thu, nộp hội phí tham gia ICAO

Các quy định này được ban hành tại Thông tư số 60/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Hội phí Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thu hàng năm bằng đồng Đô la Mỹ (USD) hoặc bằng đồng Đô la Canađa (CAD) và thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý ngoại tệ.

Tổng số hội phí ICAO phải nộp hàng năm được phân bổ như sau: 50% phân bổ cho các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không; 30% phân bổ cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; 20% phân bổ cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/7/2014 và áp dụng từ năm tài chính 2014. 

• 9 loại thủ tục hải quan đối với khí và khí dầu mỏ hóa lỏng

Các thủ tục này áp dụng trong xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế khí và khí dầu mỏ hóa lỏng; nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu khí và khí dầu mỏ hóa lỏng (gọi tắt là khí và LPG) theo hướng dẫn tại Thông tư số 70/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

9 loại thủ tục hải quan, bao gồm: Thủ tục hải quan đối với khí và LPG, nguyên liệu nhập khẩu, tạm nhập; thủ tục hải quan đối với khí và LPG, nguyên liệu xuất khẩu, tái xuất; thủ tục hai quan đối với khí và LPG, nguyên liệu tạm nhập chuyên tiêu thụ nội địa; thủ tục hải quan đối với khí và LPG, nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường ống chuyên dụng; thủ tục hải quan đối với khí và LPG xuất khẩu, nhập khẩu tại giếng ngoài khơi; thủ tục hải quan đối với khí và LPG, nguyên liệu kinh doanh chuyển khẩu; thủ tục hải quan đối với khí và LPG, nguyên liệu quá cảnh; thủ tục hải quan đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế khí và LPG; thủ tục hải quan đối với nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu khí và LPG.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7/2014.

• Liên đới trách trách nhiệm khi thất thoát vốn, tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà các đối tượng sau phải chịu cách hình thức xử lý như: Người quản lý, người đại diện DN sẽ áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo khi vi phạm nghĩa vụ nộp báo cáo hoặc hạ bậc lương đến buộc thôi việc khi làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước tại DN. 

Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành nếu để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước tại DN. 

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được giao giám sát, kiểm tra doanh nghiệp nếu thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện những sai phạm của doanh nghiệp dẫn đến thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước cũng sẽ bị xử lý. 

Các hình thức xử lý này quy định tại Nghị định 49/2014/NĐ-CP về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ quyết định của chủ sở hữu, có hiệu lực thi hành từ 10/7/2014. 

• Mở rộng hoạt động các Quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước

Theo quy định tại Nghị định 50/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/7/2014 và thay thế cho Nghị định 86/2009/NĐ-CP, nguyên tắc quản lý dự trữ ngoại hối chính thức là phải đảm bảo: bảo toàn, thanh khoản và sinh lời. 

Đối với Quỹ dự trữ ngoại hối, phạm vi sử dụng được mở rộng cho hoạt động thực hiện các nghiệp vụ ngoại hối phái sinh và thực hiện các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương và đa phương với các ngân hàng trung ương và tổ chức tài chính quốc tế. 

Đối với Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng, phạm vi sử dụng được mở rộng thêm cho các hoạt động: thực hiện nghiệp vụ ngoại hối phái sinh hoặc bán, tạm ứng ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước để thực hiện nghiệp vụ đó; Bán ngoại tệ cho NSNN. 

Ngoài ra, các thành phần dự trữ ngoại hối nhà nước cũng có thay đổi so với quy định cũ./.