Chính sách tài chính thúc đẩy phát triển kinh tế số
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kinh tế số là sự kết hợp tất cả các hoạt động kinh tế sử dụng các đầu vào kỹ thuật số như: công nghệ số, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, dịch vụ kỹ thuật số và dữ liệu. Nền kinh tế số bao gồm tất cả các nhà sản xuất và người tiêu dùng cũng như chính phủ, đang sử dụng các đầu vào kỹ thuật số này trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Thời gian qua, kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia và ngày càng phổ biến, trở thành xu thế tất yếu của hầu hết các nước trên thế giới. Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, một trong những công cụ quan trọng được sử dụng là chính sách tài chính.
Chủ trương phát triển kinh tế số tại Việt Nam
Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế số, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và chuyển đổi sang nền kinh tế số. Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc CMCN 4.0, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Định hướng này được cụ thể hoá ở các văn bản quy phạm pháp luật.
Trước đó, năm 2009, Việt Nam đã ban hành Luật Công nghệ cao; năm 2010, ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 với 3 chương trình thành phần gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao và Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao...
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; qua đó, đặt mục tiêu đến năm 2025 nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP.
Ngày 26/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025; Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Ngày số 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 về Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tháng 9/2018, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban. Việt Nam thuộc nhóm ít các nước trên thế giới sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chiến lược về một quốc gia số. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 80% dân số.
Chính sách tài chính cho kinh tế số tại Việt Nam
Chính sách thu ngân sách
Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo địa bàn, lĩnh vực đã tạo điều kiện giúp doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực số và ứng dụng kỹ thuật số có thêm nguồn tài chính, tăng tích lũy nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính sách thuế nhập khẩu khuyến khích phát triển ngành, nghề công nghệ cao, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, qua đó, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy DN chuyển đổi số. Về cơ bản, đối với DN hoạt động trong lĩnh vực KHCN, pháp luật thuế đã có nhiều quy định ưu đãi ở mức cao trong khung ưu đãi của pháp luật thuế.
Luật Quản lý thuế (2019) cùng các nghị định và thông tư hướng dẫn nhằm khắc phục những thiếu sót trong việc thu thuế xuyên biên giới, tạo bước ngoặt lớn trong việc quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là các nhà cung cấp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam tạo hành lang pháp lý vững chắc cho cơ quan quản lý thuế cũng như đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng. Đồng thời, ngày 12/11/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2146/QĐ-BTC phê duyệt đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam” nhằm tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử. Nhìn chung, chính sách quản lý, chính sách thu ngân sách đã được hình thành, dần hoàn thiện đối với các hoạt động giao dịch thương mại điện tử và các dịch vụ mới hình thành từ CMCN 4.0.
Chính sách chi ngân sách
Bộ Tài chính đã nghiên cứu và cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng phù hợp với bối cảnh và tình hình mới về phát triển công nghệ số; trong đó, chú trọng chi cho các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo và KHCN; tập trung nghiên cứu chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân, DN sử dụng, cung cấp các dịch vụ số.
Chính sách chi ngân sách được thực hiện thông qua một số chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số, nâng cao nhận thức, tư vấn trực tiếp, kết nối giải pháp cho DN, xây dựng công cụ đánh giá chuyển đổi số để DN tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số. Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số đã triển khai các khóa đào tạo cho DN về chuyển đổi số để cộng đồng DN tiếp cận kiến thức, nâng cao năng lực chuyển đổi số. Bên cạnh đó, chương trình đã triển khai và hình thành mạng lưới chuyên gia về chuyển đổi số, tìm kiếm, sàng lọc những DN sẵn sàng, quyết tâm chuyển đổi số để kết nối chuyên gia hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho DN.
Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) chuyển đổi số đã giúp các DN đăng ký tham gia và sử dụng các nền tảng số, hỗ trợ DN chuyển đổi số nhanh, chuẩn hóa quy trình và đổi mới mô hình kinh doanh, dựa trên việc sử dụng công nghệ 4.0 như: Cloud, trí tuệ nhân tạo (AI)... được triển khai theo hình thức cho thuê phần mềm, cung cấp dịch vụ số tạo thuận lợi cho DN. Ngoài ra, các chương trình, đề án phát triển KHCN đều lồng ghép các hoạt động hỗ trợ DNNVV nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện, làm chủ công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ; xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ DN. Chi NSNN cho KHCN thời gian qua tăng so với các giai đoạn trước.
Chính sách tín dụng
Các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV được thành lập ở các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Số lượng DNNVV được bảo lãnh để vay vốn từ các TCTD tăng qua từng năm. Nhiều DN được tiếp cận nguồn vốn vay thông qua hoạt động bảo lãnh, góp phần nâng cao năng lực tài chính của DN, hỗ trợ tốt hơn trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh cho DN, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, quỹ phát triển DNNVV cũng góp phần hỗ trợ vốn cho các DNNVV đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh; quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đã giúp các DN bước đầu xây dựng các nhiệm vụ KHCN.
Ngoài ra, chính sách tín dụng khuyến khích, thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao (như cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70-80% giá trị của dự án liên kết theo chuỗi giá trị) trong thời gian qua cũng tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn lực phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy DN ứng dụng chuyển đổi số nhằm tiết giảm chi phí, thời gian, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Thời gian qua, việc hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách pháp luật khuyến khích phát triển kinh tế số và tăng cường quản lý kinh tế số thông qua các ưu đãi đầu tư, khuyến khích thuế, hỗ trợ từ ngân sách cho các DN, các dự án, hoạt động liên quan đến chuyển đổi số là một bước tiến lớn trong chính sách. Các ưu đãi cho cá nhân (chuyên gia, người lao động trong các DN khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi số) bước đầu được quan tâm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, về cơ chế thí điểm (sandbox) cho đổi mới sáng tạ, chuyển đổi số đã được quan tâm hơn và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này đang được nghiên cứu, sửa đổi.
Bên cạnh việc hoàn thành các thể chế, chính sách quản lý kinh tế số, ngành Tài chính cũng chú trọng trọng việc xây dựng nền tài chính điện tử tiến lên nền tài chính số. Đầu tư, cải thiện và ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và hải quan. Xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững. Triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành Thuế, Hải quan, Kho bạc, Chứng khoán. Thúc đẩy hoạt động bảo hiểm rủi ro cho chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng.
Ngành Tài chính đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước về mặt tài chính đặc biệt là trong các lĩnh vực có sự tương tác cao đối với người dân và DN như: lĩnh vực hải quan, thuế, kho bạc. Trong thời gian qua, ngành Tài chính luôn được xếp thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng ICT về ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng.
Những thách thức đặt ra
Mặc dù đã có các chính sách tài chính thúc đẩy phát triển kinh tế số nhưng trong triển khai thực hiện cho thấy vẫn còn những hạn chế, thách thức:
Một là, chính sách tài chính thúc đẩy phát triển kinh tế số mặc dù đã có nhưng cần được hệ thống và quy định cụ thể hơn bởi hiện nay, việc triển khai áp dụng các chính sách chủ yếu thông qua việc vận dụng các quy định chính sách pháp luật như Luật NSNN, các luật về thuế, các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển một số thành phố, các đề án, chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế số…
Hai là, nhu cầu vốn cho các dự án kinh tế số là rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn chế ở cả nguồn NSNN và nguồn ngoài NSNN thông qua xã hội hóa, hợp tác công tư… Nguyên nhân là do thiếu chính sách, hướng dẫn về mô hình chung để phát triển kinh tế số, từ đó làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xác định nhu cầu nguồn lực nói chung, nguồn NSNN nói riêng để triển khai thực hiện. Các chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số có quy mô nhỏ và manh mún, chủ yếu được triển khai ở cấp địa phương. Trong khi nhiều DN ở các địa phương chưa nắm bắt được quá trình chuyển đổi số. Nguyên nhân là do khó khăn trong cân đối ngân sách địa phương nên chưa đảm bảo nguồn để thực hiện các chính. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế số gặp khó khăn do bộc lộ không ít hạn chế, như khung pháp lý về đối tác công - tư chưa rõ ràng, giữa các văn bản pháp luật hiện hành còn chồng chéo, như: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập DN, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số… Ngoài ra, Quỹ phát triển DNNVV và Quỹ bảo lãnh tín dụng chưa phát huy hiệu quả. Quỹ phát triển DNNVV chủ yếu được triển khai thông qua các ngân hàng đối tác, nhưng ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng thương mại nên các ngân hàng chưa chủ động tham gia, đồng thời, quy trình phê duyệt kéo dài cũng là một rào cản khi DN tiếp cận quỹ này.
Ba là, khung cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, chính sách tài chính, tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ DN tư nhân về phát triển công nghệ thông tin, nội dung số, phát triển nhân lực công nghệ thông tin, DN chuyển đổi mô hình kinh doanh số hóa, DN khai thác thông tin số phục vụ kinh doanh trực tuyến, chính sách thúc đẩy các hoạt động mua bán thông tin số hóa không ảnh hưởng an ninh quốc gia, chính sách bảo mật thông tin an ninh quốc gia… cần được sớm xây dựng, ban hành.
Bốn là, nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, làm chủ các công nghệ mới, công nghệ đặc trưng của chuyển đổi số, như: trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, tự động hóa hay blockchain còn hạn chế. Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam mới chỉ đạt hơn 1%, tương đối thấp so với một số quốc gia như: Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%) hay Ấn Độ (1,78%)…
Định hướng chính sách tài chính thúc đẩy phát triển kinh tế số thời gian tới
Để đẩy mạnh triển khai các chủ trương lớn về phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương cần hết sức chú trọng tới việc phát triển kinh tế số và chuyển đổi số. Trong đó, chính sách tài chính thúc đẩy phát triển kinh tế số thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế, phí cần được tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, chú trọng ưu đãi cho các DN đang thực hiện chuyển đổi số, DN trong những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm… để tạo động lực chuyển đổi số cho DN. Tập trung xây dựng và triển khai các chính sách ưu đãi về thuế, phí khuyến khích người dân, DN sử dụng, cung cấp các dịch vụ số.
Thứ hai, do nhu cầu rất lớn, nguồn lực có hạn nên chính sách chi NSNN cần được thực hiện hỗ trợ theo hướng đúng và trúng đối tượng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho từng nhóm đối tượng DN khác nhau dựa trên các tiêu chí về quy mô, ngành nghề, giai đoạn phát triển… Cùng với đó, đẩy nhanh chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực đã có điều kiện, trong đó chuyển đổi số nhóm DN ngành Tài chính - ngân hàng đóng vai trò quan trọng, có ảnh hưởng đến hoạt động của các DN khác nên cần được chú trọng để thay đổi hành vi, khuyến khích DN tích cực chuyển đổi số.
NSNN cần tập trung ưu tiên: (i) Hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao trên cơ sở xây dựng chiến lược tổng thể về đào tạo nhân lực số, ưu tiên các ngành về phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu, AI…; (ii) Đầu tư vào xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số dùng chung làm nền tảng, tạo điều kiện cho chuyển đổi số. Nâng cao hiệu quả chi NSNN cho KHCN thông qua những ưu đãi cho đối tượng là các DN mua quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu ứng dụng sử dụng NSNN với quy trình đơn giản, nhanh gọn; hỗ trợ liên kết giữa các tổ chức KHCN và DN để thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, ứng dụng kết quả đầu ra; kết hợp chặt chẽ nghiên cứu và phát triển trong nước với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Thứ ba, chính sách tín dụng cần rõ ràng, thuận lợi để các DN tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, chính sách vay ưu đãi để các DN, đặc biệt là các DNNVV có điều kiện đổi mới công nghệ, trang bị công nghệ mới hiện đại để thực hiện chuyển đổi số. Thông qua các chương trình hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi để DN có kinh phí và cơ hội chuyển đổi số, đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị, máy móc, phần mềm quản trị và đầu tư vào nguồn lực về con người… Thực hiện đánh giá hiệu quả các quỹ phát triển DNNVV, quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về KHCN, để tạo điều kiện cho các DN tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ NSNN.
Thứ tư, tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở tiếp tục rà soát pháp luật về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng thuận lợi hóa hơn nữa cho nhà đầu tư và DN. Đồng thời, cần đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số, trong đó Chính phủ đóng vai trò cầu nối để thúc đẩy chính phủ điện tử và dịch vụ điện tử cho các DN.
Ngoài ra, việc xây dựng nền tảng tài chính số là một trong ba đột phá chiến được của Chiến lược tài chính (CLTC) đến năm 2030. Đột phá chuyển đổi số đặc biệt quan trọng trong bối cảnh công nghệ số có tác động ngày càng lớn hơn vào các hoạt động kinh tế xã hội. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, triển khai tài chính số và hướng tới tài chính số có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu Chiến lược là xây dựng nền tài chính hiện đại, hiệu quả. Theo đó, tăng cường ứng dụng CNTT và thiết lập nền tảng tài chính số, phù hợp yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Chủ động áp dụng các thành quả của cuộc CMCN 4.0, nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ, tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ số tiên tiến trong triển khai tài chính điện tử hướng tới tài chính số.
Tài liệu tham khảo:
- Diệu Anh, (2023), Giúp DN chuyển đổi số, phát triển kinh tế số;
- Dương Hoàng Lan Chi (2021), Chính sách tài chính thúc đẩy DN chuyển đổi số;
- Nguyễn Như Quỳnh (2023), Định hướng đổi mới quy trình, nghiệp vụ lĩnh vực thuế, hải quan trong bối cảnh chuyển đổi số;
- Tạp chí Kinh tế và Dự báo (2024), Phát triển nguồn nhân lực trong quá trình chuyển đổi số.