Cơ chế vận hành một số mô hình kinh doanh trong kinh tế số tại Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Hải Hà - Học viện Hành chính Quốc gia (Bộ Nội vụ)

Kinh tế số đang chứng minh tầm quan trọng của mình bằng tỷ trọng đóng góp trong GDP hàng năm ngày càng tăng. Tuy nhiên, vẫn còn sự nhầm lẫn về phạm vi và cơ chế hoạt động các mô hình kinh doanh trong kinh tế số. Bài viết này cung cấp định nghĩa về một số mô hình kinh doanh và cơ chế vận hành các mô hình này trong kinh tế số, nhằm giúp xác định rõ các mô hình kinh doanh để từ đó các doanh nghiệp có thể ứng dụng trong thực tế.

Thực trạng phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng thông tin làm không gian hoạt động; và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, tức là điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin để tăng năng suất lao động và để tối ưu nền kinh tế. Kinh tế số bao gồm các hoạt động cung cấp dịch vụ sau: hạ tầng số, nền tảng số và ứng dụng số (Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021).

Theo e-Conomy SEA 2023 (Google, 2023), quy mô nền kinh tế số của Việt Nam ước tính tổng giá trị giao dịch năm 2023 đạt 30 tỷ USD, dự báo tăng lên 45 tỷ USD vào năm 2025 và đạt từ 90 – 200 tỷ USD vào năm 2030. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam cũng được đánh giá cao hơn so các nước trong khu vực Đông Nam Á là Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Singapore. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP của Việt Nam năm 2023 là 12,33%, trong đó dịch vụ là khu vực có tỷ trọng tăng thêm của kinh tế số cao nhất với 6,65% (Tổng cục Thống kê, 2023).

Với mục tiêu tỷ trọng nền kinh tế số chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm khoảng 30% GDP trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các cơ quan quản lý và địa phương đã có những nỗ lực đáng kể trong chuyển đổi số góp phần cải tạo môi trường kinh doanh, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực vươn ra thế giới.

Có thể kể đến như: Thái Nguyên với Thái Nguyên ID - là ứng dụng tích hợp các tiện ích xã hội số của tỉnh, giúp nhân dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến, đồng thời giúp nhà quản lý phân tích, dự báo và xây dựng các chiến lược phát triển; Đà Nẵng với Kho dữ liệu dùng chung và Nền tảng công dân số; Thừa Thiên - Huế với nền tảng Huế S (ứng dụng nền tảng di động được xây dựng theo hướng siêu ứng dụng trên nền tảng di động, với định hướng môt ứng dụng duy nhất tích hợp. Hue-S vừa triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiêp, ứng dụng Chính quyền số phục vụ công tác chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước của tỉnh Thừa Thiên - Huế); Cổng dịch vụ công quốc gia của Văn phòng Chính phủ; Nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công An; Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông; …(Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, 2023).

Trong xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2022, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Quảng Ninh là 3 địa phương đứng đầu cả nước về chuyển đổi số. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên, môi trường là 3 bộ đứng đầu về chỉ số DTI (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2023). Bên cạnh nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã có những bước tiến bộ trong chuyển đổi số và ứng dụng số hóa trong hoạt động như Việt Nam Airlines với mục tiêu trở thành hãng hàng không số, từ năm 2017 với mức điểm 76 (hãng hàng không hạn chế về công nghệ số) đã nâng lên 113 điểm vào năm 2019 và trở thành hàng hàng không quá độ chuyển dịch công nghệ số (Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, 2023).

Cơ chế vận hành của một số mô hình kinh doanh trong kinh tế số tại Việt Nam

Hình 1: Cơ chế vận hành các mô hình kinh doanh trong kinh tế số

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, trong tiến trình toàn cầu hóa như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam tồn tại nhiều mô hình kinh doanh ứng dụng nền tảng công nghệ với nhiều tên gọi khác nhau. Một loạt các thuật ngữ như mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế truy cập, kinh tế chia sẻ, kinh tế theo yêu cầu, kinh tế thời vụ (gig economy) đã được sử dụng. Đứng ở góc độ người tiêu dùng, có thể hiểu đó là những mô hình kinh doanh dành cho các công ty thông qua nền tảng công nghệ để kết nối mọi người với mục đích phân phối, chia sẻ và tái sử dụng hàng hóa và dịch vụ.

Trên thực tế, giữa các mô hình kinh doanh này có sự giao thoa về phạm vi, đối tượng nên rất khó phân định rõ ràng. Ngoài ra, trong các công ty này đều có xu hướng tạo ra một hệ sinh thái xung quanh hoạt động cốt lõi. Do vậy, mức độ giao thoa giữa các mô hình kinh doanh trong một công ty càng lớn. Chính điều này dẫn đến việc nhầm lẫn về các mô hình kinh doanh trong kinh tế số. Dưới đây là mô tả về một số mô hình kinh doanh với tên gọi có mức độ sử dụng lớn trong kinh tế số:

- Mô hình kinh tế hợp tác là phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng trực tuyến để thực hiện các hoạt động cho vay, cho thuê, tặng quà và hoán đổi hàng hóa, dịch vụ nào đó có thu phí hoặc không thu phí và những hàng hóa hay dịch vụ không nhất thiết phải đang không được sử dụng. Ở mô hình này có việc chuyển giao cả quyền sử dụng và quyền sở hữu; hàng hóa, dịch vụ ở mô hình này không nhất thiết phải đang ở tình trạng chưa tối ưu hóa mức độ sử dụng (đang nhàn rỗi) (Botsman, R. và cộng sự, 2010, Michèle Finck và cộng sự, 2018).

- Mô hình kinh tế truy cập là phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng trực tuyến để khớp nối cung cầu về quyền sử dụng hàng hóa, dịch vụ nào đó có thu phí hoặc không thu phí nhưng hàng hóa hay dịch vụ không nhất thiết phải đang không được sử dụng. Trong mô hình này hàng hóa, dịch vụ có thể được thuê/cho thuê hoặc chia sẻ (Michèle Finck và cộng sự, 2018).

- Mô hình kinh tế thời vụ là mô hình kinh tế làm việc tự do sử dụng các nền tảng trực tuyến hoặc trực tiếp để khớp nối cung cầu về việc thực hiện cụ thể một công việc ngắn hạn (Michèle Finck và cộng sự, 2018).

- Mô hình kinh tế chia sẻ đó là phương thức kinh doanh thông qua chia sẻ quyền sử dụng về hàng hóa, dịch vụ nào đó có thu phí hoặc không thu phí mà ở đó hàng hóa, dịch vụ được chia sẻ phải đang không được sử dụng hết công suất. Mô hình này chỉ chuyển giao quyền sử dụng tạm thời chứ không chuyển giao quyền sở hữu (Min Jung Kim, 2017, Michèle Finck và cộng sự, 2018).

- Mô hình kinh tế nền tảng là phương thức kinh doanh trực tuyến tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ có thu phí hoặc không thu phí. Các hàng hóa và dịch vụ được bán trên nền tảng trung gian trực tuyến (Michèle Finck và cộng sự, 2018).

Các hoạt động chia sẻ, trao đổi, mua bán, cho thuê hàng hóa, dịch vụ đều đã tồn tại trong nền kinh tế từ xa xưa. Tuy nhiên, nhờ có sự phát triển của khoa học – công nghệ, các mô hình kinh doanh trên đã phát triển và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tốt hơn. Các mô hình kinh doanh đó có thể khác nhau về đối tượng (hàng hóa, dịch vụ chưa sử dụng hết công suất hoặc được mua về để kinh doanh), về phạm vi quyền (quyền sử dụng tạm thời hoặc quyền sở hữu) nhưng có thể đưa ra cơ chế vận hành chung của các mô hình đó như sơ đồ dưới đây.

Các công ty công nghệ nền tảng chủ yếu thực hiện việc môi giới giữa những người sở hữu tài sản, dịch vụ với những người có nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó và thu một khoản phí nhất định thông qua việc cung cấp một ứng dụng nền tảng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, các công ty này cũng tham gia chia sẻ quyền sử dụng hoặc bán các tài sản, hàng hóa, dịch vụ do công ty sở hữu trên ứng dụng nền tảng.

Các cá nhân sở hữu tài sản, dịch vụ muốn chia sẻ, cho thuê, bán hoặc trao đổi các tài sản, dịch vụ của mình thì cài đặt ứng dụng, đăng ký tham gia theo quy định của công ty. Sau khi thực hiện xong quy trình đó, họ trở thành đối tác của công ty và có thể chia sẻ, cho thuê, bán hoặc trao đổi tài sản, dịch vụ của mình và nhận được một khoản phí nhất định. Khi không muốn tham gia hoặc không thể cung cấp dịch vụ, đối tác có thể tắt ứng dụng.

Người tiêu dùng cài đặt ứng dụng, tạo tài khoản. Khi có nhu cầu sử dụng, họ đặt yêu cầu trên nền tảng và phải trả một mức phí theo quy định, phí đó bao gồm phí sử dụng hoặc phí sở hữu tài sản, hàng hóa, dịch vụ và phí sử dụng ứng dụng nền tảng.

Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ cho mọi chủ thể tham gia trong kinh tế số thông qua việc ban hành chính sách, pháp luật về điều kiện kinh doanh, điều kiện hành nghề, các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, vệ sinh, an toàn, bảo mật thông tin, … và hoạt động thanh, kiểm tra.

Yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của các mô hình kinh doanh trong kinh tế số tại Việt Nam

Thứ nhất, lòng tin của người tiêu dùng có tác động rất lớn đến thành công của các mô hình kinh doanh trong kinh tế số. Các mô hình này được vận hành theo cơ chế ngang hàng, các giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, người tiêu dùng không trực tiếp cảm nhận chất lượng hàng hóa, dịch vụ khi đặt lệnh trên nền tảng mà họ chỉ dựa vào các đánh giá của những người tiêu dùng trước, uy tín của công ty công nghệ nền tảng, … Do vậy, lòng tin là yếu tố có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các mô hình này (R. Botsman và cộng sự, 2010, Min Jung Kim, 2017).

Thứ hai, thói quen tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của các mô hình kinh doanh trong kinh tế số. Nhận thức về bảo vệ môi trường ngày được nâng cao đã hình thành nên thói quen tiêu dùng bền vững. Đây cũng là một ưu điểm của các mô hình này khi khuyến khích mọi người chia sẻ, trao đổi, cho thuê các hàng hóa, dịch vụ chưa được sử dụng tối đa. Nhờ vậy, thói quen tiêu dùng bền vững đã giúp phát triển các mô hình trong kinh tế số (R. Botsman và cộng sự, 2010, Boyd Cohen và cộng sự, 2016).

Thứ ba, hạ tầng cơ sở, thói quen sử dụng công nghệ và internet cũng giúp các nền tảng công nghệ sẻ phát triển. Do vậy, các nền tảng công nghệ phát triển ở những đô thị nhiều hơn so với khu vực nông thôn (Kate Rogers, 2015, Boyd Cohen và cộng sự, 2016).

Thứ tư, văn hóa và đặc trưng của thị trường khu vực hoặc địa phương cũng ảnh hưởng đến thành công của các mô hình kinh doanh trong kinh tế số. Văn hóa và đặc trưng của vùng hay địa phương tác động đến hành vi và thói quen của cộng đồng khu vực đó. Các mô hình kinh doanh trong kinh tế số có những điều chỉnh để thích ứng khi tiếp cận một cộng đồng mới sẽ thành công hơn việc áp dụng cùng một mô hình cho các thị trường khác nhau (Kate Rogers, 2015).

Thứ năm, cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật sẽ khuyến khích hoặc hạn chế hoạt động của các mô hình kinh doanh trong kinh tế số. Việc có đầy đủ các quy định pháp lý để điều chỉnh hành vi và bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên cũng như có chính sách hỗ trợ về thuế, tài chính, bảo hiểm hay cơ sở hạ tầng sẽ giúp các mô hình này phát triển, cũng như giảm thiểu các vụ kiện giữa các bên.

Kết luận

Các mô hình kinh doanh trong kinh tế số đều hoạt động thông qua nền tảng công nghệ và internet là điều kiện tiên quyết để các mô hình này tồn tại. Mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn mô hình phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, để kinh tế số phát triển cần những hoạt động từ phía các cơ quan quản lý đó là cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học - công nghệ; tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ pháp luật, cơ chế… để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Chính trị, 2019, Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ;
  2. Tổng cục Thống kê, 2023, Thông cáo báo chí về kết quả biên soạn chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP của Việt Nam ;
  3. Botsman, R.; Rogers, R. (2010), What’s Mine Is Yours: The Rise of Collaborative Consumption, Harper Collins Publishers: New York, NY, USA.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2024