Chính sách tài khóa - Trụ cột hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế

Trần Huyền

Trong bối cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, đầu tháng 1/2022 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã tiến hành Kỳ họp đặc biệt - Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chính sách tài khóa đã được xây dựng như trụ cột trong gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội lần này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giảm sắc thuế phổ biến nhất, tác động rộng rãi nhất

Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã quyết nghị chính sách miễn, giảm thuế. Trong đó, Quốc hội quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nghị quyết cũng cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022. Ngoài ra, Quốc hội cũng quyết nghị tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023...

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, gói hỗ trợ lần này đã cho thấy chính sách tài khóa được xây dựng như trụ cột. Chính sách tài khóa lần này khác hẳn so với tất cả những hỗ trợ về mặt thuế, thu ngân sách đã triển khai. Nếu trước đây, chính sách tài khóa lấy trụ cột, chủ chốt là giãn, hoãn – tạm thời chưa thu vào ngân sách nhà nước – thì lần này trực diện đặt vấn đề và quyết tâm giảm các khoản thu vào ngân sách nhà nước. Yếu tố quan trọng hơn cả là trước đây cũng có các chính sách miễn, giảm thuế, phí, các nguồn động viên nhưng chỉ tập trung vào thuế trực thu như thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp khó khăn, khủng hoảng. Còn lần này, giảm thẳng vào thuế gián thu, ở đây là thuế giá trị gia tăng.

"Thuế suất giá trị gia tăng phổ thông hiện nay là 10%, khi ta giảm chỉ 2% thôi nhưng cũng có tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường" - Chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh. Như vậy, người bán có điều kiện không phải tăng giá khi mà sức ép về chi phí tăng cao, thách thức còn nhiều. Khả năng tiêu thụ theo đó cũng sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ nhờ chính sách này. Với người tiêu dùng, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ trực tiếp tiết kiệm được 2% chi tiêu, từ đó có niềm tin, có điều kiện tốt hơn để tiếp tục tiêu dùng, phục vụ đời sống.

Một yếu tố nữa là việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước có triển vọng tốt hơn và phục hồi. Như vậy, việc giảm thuế 2% sẽ giúp đạt được hai mục tiêu: Một là, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất kinh doanh, từ phía tiêu dùng; Hai là, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Như vậy, có thể nói, đây là một lựa chọn chưa từng có trong việc hỗ trợ thông qua việc giảm sắc thuế phổ biến nhất, tác động rộng rãi nhất, rõ ràng nhất đến thị trường.

Thực thi chính sách thực chất và hiệu quả

Các chuyên gia đều cho rằng, trong các quy định của chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã có một cách tiếp cận mới mẻ. Chuyên gia Vũ Đình Ánh cho biết, như trước đây, chính sách sẽ xác định đối tượng hỗ trợ là ai, nếu không thuộc đối tượng thì không được hưởng. Nhưng lần này tư duy hoàn toàn ngược lại, là chỉ quy định ai không được hưởng, còn lại đều nghiễm nhiên được hưởng chính sách. "Đây là một cách làm hay của chúng ta. Không chỉ giúp chính sách rõ ràng, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế hơn mà còn giúp việc triển khai các gói hỗ trợ thuận lợi hơn, giảm bớt những sai phạm trong thực hiện.", Chuyên gia Vũ Đình Ánh nhận định.

Về chính sách đầu tư phát triển, vị chuyên gia này cho rằng, đầu tư công cùng với xuất khẩu, tiêu dùng trong nước thường xuyên là trụ cột của nền kinh tế, của tăng trưởng. Tuy nhiên, tthời gian qua, việc giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công khá chậm. Do đó, muốn chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả tốt nhất thì phải xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ triển khai các dự án cũng như tiến độ giải ngân. Có như vậy, con số 176 nghìn tỷ đồng dành cho đầu tư công trong gói hỗ trợ lần này mới phát huy tác dụng trong thực tế, tạo ra cơ sở hạ tầng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhiều dự án đầu tư công không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tăng trưởng, phục vụ cho sự hiện đại hóa của đất nước, hay tạo nền tảng của sự phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, cho vùng mà còn trực tiếp phục vụ sự phát triển bền vững, hướng đến tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường. Đầu tư công nếu sử dụng tốt sẽ góp phần tốt trong đảm bảo những mục tiêu xa hơn.

Chung nhận định trên, GS.,TS. Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, gói chính sách tài khóa vừa được ban hành gần như là một gói hỗ trợ toàn dân. Hầu hết người dân, phần lớn doanh nghiệp đều được hưởng các chính sách hỗ trợ này. "Chúng ta không đưa ra quy định ai là người được hỗ trợ mà ta chỉ ra đối tượng nào không được hỗ trợ. Số này rất ít, chỉ có nhóm các doanh nghiệp đang có lợi thế trong đại dịch như: lĩnh vực kinh doanh tài chính – ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, viễn thông… Số còn lại đương nhiên được hưởng hỗ trợ, không cần xin – cho gì cả. Với cách thiết kế này thì việc kiểm soát không còn quá khó khăn."

Gói hỗ trợ lớn thường mang theo kỳ vọng rất lớn, do đó, làm sao thực hiện thực chất, hiệu quả là vấn đề sẽ được đặt ra. Theo GS.,TS. Hoàng Văn Cường, trước hết, cần phải đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống nhất, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, chính sách đưa ra để phục hồi thì càng phải sớm. Càng sớm, càng kịp thời, càng hiệu quả.

Muốn chính sách đi vào cuộc sống nhanh thì có nhiều phần. Như việc giảm thuế giá trị gia tăng thì có thể áp dụng ngay, người dân đi mua hàng hóa có thể được hưởng ngay. Nhưng cũng có những cấu phần của chính sách cần được thông qua các thủ tục. Vì vậy, GS.,TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, thủ tục cần được thiết kế thật đơn giản, rõ ràng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đối tượng được hưởng thụ. Yếu tố thứ hai là cần có các điều kiện, thủ tục, chỉ tiêu để kiểm soát, rà soát làm sao hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. "Đây là một điều vô cùng quan trọng."