Chính sách thuế của Mỹ và vấn đề gián điệp kinh tế từ Trung quốc

Theo Lê Cẩn/doanhnhansaigon.vn

2 công ty đang làm ăn với nhau, một bên là công ty Mỹ American Superconductor (AMSC) và một bên là công ty Trung Quốc Sinovel Windpower. Mới đây, một đàng trở thành nạn nhân, và một đàng là… thủ phạm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sinovel hối lộ một nhân viên của AMSC để có được công nghệ chế tạo động cơ gió. Nhân viên này tên Dejan Karabasevic, quốc tịch Serbia, được cung cấp tiền bạc, một việc làm tốt, một căn hộ và toàn bộ cuộc sống mới tại Trung Quốc, năm 2011 đã bị một tòa án tại Áo xác nhận là có tội.

Hậu quả của việc làm trên là doanh số bán của Công ty AMSC trụ sở tại Massachusetts (Mỹ) bị tụt giảm mạnh, trị giá thị trường mất 1 tỷ USD, và phải sa thải hàng trăm nhân viên. Vụ án kéo dài từ năm 2011 đến nay và một thẩm phán Mỹ vừa tuyên phạt Hãng Sinovel của Trung Quốc 1,5 triệu USD - mức phạt tối đa theo khung hình phạt hiện nay. Bên cạnh đó, theo một cuộc dàn xếp giữa 2 bên, AMSC còn được Sinovel bồi hoàn 57,5 triệu USD, bù vào một phần thiệt hại họ phải gánh chịu.

Trường hợp của Công ty AMSC đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến khi ông đề cập tới vấn đề gián điệp công nghiệp của Trung Quốc. Và phản ứng đối phó được xem là thích đáng nhất của chính quyền Washington là đánh thuế mạnh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, vào đầu tháng 7/2018 với một khối lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD, song chỉ mấy ngày sau nâng trị giá hàng nhập khẩu chịu thuế cao lên 200 tỷ USD, và gần đây, ông Trump dọa nâng lên con số 500 tỷ USD.

Tất nhiên, trường hợp của AMSC không phải là trường hợp hiếm hoi trong vấn đề gián điệp công nghiệp do Trung Quốc chủ trương. Nhiều công ty Mỹ từ ngành nghề kim khí đến microchip, vô tuyến viễn thông đều ta thán về chuyện bị đánh cắp công nghệ. Ngay cả hãng bánh kẹo Oreo của Mỹ cũng bị Trung Quốc đánh cắp kiểu dáng sản phẩm.

Hiện nay tình hình đáng báo động đến mức “Ủy ban về việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của người Mỹ”, một tổ chức độc lập bao gồm đại diện của cả hai khu vực tư và công ở Mỹ, ước tính trị giá quyền sở hữu trí tuệ bị đánh cắp hằng năm lên tới 600 tỷ USD, chủ yếu bởi Trung Quốc. Mặt khác, theo Dan McGahn - Chủ tịch Công ty AMSC, các quy định về đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư thận trọng nhất trong việc bảo vệ bí mật thương mại của họ.

Tại Washington, chỉ mấy tháng sau khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống, nhiều chuyên gia được mời đến Nhà Trắng để thảo luận về việc đối phó với các hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Sau 7 tháng điều tra, Nhà Trắng công bố kết quả tố cáo Bắc Kinh chuyển giao những công nghệ làm cho thị trường bị méo mó, thiệt hại.

Ngày nay, hoạt động gián điệp đang được tăng cường trong lĩnh vực không gian điều khiển, cho phép thủ phạm ở cách xa cơ quan thực thi pháp luật hàng ngàn cây số. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, chiến lược chống gián điệp thương mại có hiệu quả nhất là bảo vệ tốt hơn ở cấp công ty. Họ cũng cho rằng biện pháp đánh thuế ồ ạt lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giúp làm giảm thiểu những thiệt hại do sự đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ gây ra.

Song không phải ai cũng đồng tình với cách suy nghĩ này. Nhà nghiên cứu Derek Scissors tỏ ý nghi ngờ khi cho rằng chính sách thuế khóa không phân biệt được công ty nào hưởng lợi từ gián điệp thương mại, công ty nào không. Theo ông, “hoặc bạn trừng phạt kẻ gây ra tội ác, hoặc bạn không làm gì cả”. Song nhắm đến và trừng phạt chỉ riêng một công ty là điều không dễ dàng chút nào.