Chính sách thuế kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch

PV.

Thời gian qua, Bộ Tài chính luôn theo dõi sát thực tế, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền để ban hành hoặc sửa đổi pháp luật về thuế với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả trước những biến động, khó khăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thời gian gần đây, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân, để có các giải pháp hỗ trợ phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.

Các giải pháp có thể kể đến như: gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân qua đó giảm nghĩa vụ thuế của cá nhân; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020; giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020; thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh như khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng...; giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô... cũng được Bộ Tài chính kịp thời ban hành.

Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các bộ rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 21 thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí đang được quy định tại 31 thông tư thu phí, lệ phí hiện hành, qua đó giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí với mức giảm cao.

Trong quá trình xây dựng các giải pháp nêu trên, từ kinh nghiệm thực tế và tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong xã hội nhằm đưa các giải pháp nhanh chóng tới được các đối tượng cần hỗ trợ.

Tại các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đều đã quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp. Đồng thời, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.

Theo số liệu thống kê của cơ quan thuế, tính đến hết tháng 10/2020, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành đạt khoảng 99,3 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện cả năm đạt 110 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 80 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 30 nghìn tỷ đồng.

Đặt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó ngân sách nhà nước vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... tạo ra thách thức lớn với cân đối ngân sách nhà nước thì việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

(Lược trích từ bài tham luận của ông Lê Minh Khiêm - Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính tại Diễn đàn Thuế 2020 do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức ngày 18/12/2020. Tiêu đề do Tạp chí điện tử Tài chính đặt).