Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ sự nghiệp công

Nguyễn Thị Kim Oanh - Bộ Tài chính Khổng Trang Nhung - Chi cục Thuế khu vực Tam Đảo, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Hữu Thành Vinh - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Dịch vụ sự nghiệp công có vai trò quan trọng trong đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của con người, qua đó tạo lập các yếu tố nền tảng cho phát triển con người và phát triển xã hội. Thúc đẩy phát triển dịch vụ sự nghiệp công gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công là chủ trương đã được Đảng và Nhà nước xác định rõ, từ đó, cụ thể hóa thành các chính sách ưu tiên trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để triển khai thực hiện, trong đó có các chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thực trạng các chính sách khuyến khích đối với lĩnh vực sự nghiệp công

Dịch vụ sự nghiệp công được hiểu là những dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư mà nhà nước phải tổ chức thực hiện, bao gồm các hoạt động cung ứng những dịch vụ mang tính chất phúc lợi xã hội thiết yếu, cơ bản cho người dân như: giáo dục, văn hóa, khoa học, y tế, thể dục - thể thao, bảo hiểm, an sinh xã hội...

Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước không nhất thiết phải là chủ thể trực tiếp cung ứng tất cả các dịnh vụ công và cũng không độc quyền cung cấp các dịch vụ công. Nhà nước có thể ủy quyền cho các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tư nhân cung ứng các dịch vụ công như: y tế, giáo dục, cấp thoát nước, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn... trên cơ sở tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định của pháp luật.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển lĩnh vực sự nghiệp công, việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực sự nghiệp công đã được tích cực triển khai thực hiện, hệ thống pháp luật đã từng bước được hoàn thiện. Đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về trong lĩnh vực sự nghiệp công đã được ban hành tương đối đầy đủ. Theo nhiệm vụ được giao, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã tham mưu, xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành 02 luật và ban hành theo thẩm quyền các nghị định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL); về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL; về vị trí việc làm, biên chế viên chức; về chính sách tinh giản biên chế; về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức, hợp đồng lao động trong ĐVSNCL... Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương, ĐVSNCL thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức các ĐVSNCL; quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện cơ chế tài chính, đẩy mạnh tự chủ của ĐVSNCL...

Bên cạnh đó, thực tiễn phát triển trong bối cảnh đa dạng hóa phương thức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công là xu hướng lớn trong đổi mới quản trị công trên thế giới trong những thập niên gần đây. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã chủ trương và dành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công để thực hiện mục tiêu về mở rộng, thu hút các nguồn lực, tiềm năng đầu tư trong xã hội và nâng cao chất lượng, số lượng của các loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Do đó, để đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích đầu tư của xã hội tham gia thành lập các cơ sở cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, qua đó, dần tạo lập cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các chính sách ưu tiên dành cho các lĩnh vực này; đồng thời, qua quá trình triển khai thực hiện, để phù hợp với thực tiễn phát sinh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 về Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa theo quy định của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ; trong quá trình thực hiện, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013 và Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 để sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1466/QĐ-TTg nêu trên nhằm giải quyết các vướng mắc và phù hợp với thực tiễn phát triển.

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và trong thực hiện các giải pháp khuyến khích phát triển xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, cùng với các chính sách ưu đãi về thuế xuất - nhập khẩu, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuê đất thì pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng ưu tiên áp dụng các chính sách ưu đãi thuế ở mức cao nhất dành cho lĩnh vực này. Cụ thể, theo quy định của Luật Thuế TNDN hiện hành và các văn bản hướng dẫn sau:

- Áp dụng khoản thu nhập được miễn thuế TNDN đối với phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của luật chuyên ngành về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác; Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam;

- Áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; đáp ứng các tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa; trường hợp thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn thì được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Ngoài ra, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học; khoản chi của doanh nghiệp cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh các chính sách của trung ương, các tỉnh, thành phố cũng đã quan tâm đến việc triển khai thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa; một số địa phương đã ban hành các chính sách ưu đãi đặc thù để khuyến khích và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở xã hội hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.

Có thể thấy, việc thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích xã hội hóa đã mang lại nhiều kết quả tích cực như: (i) Bước đầu đã thay đổi nhận thức của xã hội trong việc sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công do đơn vị sự nghiệp ngoài công lập cung ứng; (ii) Góp phần mở rộng mạng lưới, thu hút các nguồn vốn đầu tư ở trong nước và nước ngoài tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công; (iii) Đa dạng hoá loại hình, phương thức hoạt động và sản phẩm dịch vụ trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, tạo sự cạnh tranh, phát triển kỹ thuật, thúc đẩy nâng cao chất lượng, góp phần giảm áp lực, sự quá tải trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp của các ĐVSNCL, Từng bước đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao của một bộ phận dân cư; (iv) Khuyến khích các cơ sở sự nghiệp công lập chủ động, phát huy sáng tạo trong việc thu hút các nguồn vốn đầu tư của xã hội thông qua huy động vốn, liên doanh, liên kết để mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ và góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức đơn vị; (v) Góp phần giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước (NSNN) trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện chính sách cũng phát sinh một số hạn chế. Cụ thể là, mức độ xã hội hóa trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công là không đồng đều, thường chỉ tập trung ở một số lĩnh vực, loại hình dễ thu lợi nhuận như lĩnh vực giáo dục (bậc mầm non, đại học), y tế (chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh) và tại các địa bàn có điều kiện kinh tế phát triển, chủ yếu ở các thành phố lớn, hạn chế về khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân khu vực khó khăn, xa xôi, hẻo lánh. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ sự nghiệp công chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chậm được sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào khu vực dịch vụ sự nghiệp công, nhất là những địa bàn khó khăn. Một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao, nguồn thu ngân sách lớn nhưng chưa tính đến các chính sách đầu tư cho hạ tầng xã hội, đặc biệt là chính sách xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Riêng về chính sách thuế TNDN, theo quy định của Luật TNDN hiện hành, ĐVSNCL có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế TNDN xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập thì phải nộp thuế TNDN như các doanh nghiệp thông thường; trường hợp các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ phần trăm trên toàn bộ doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ do Chính phủ quy định mức tỷ lệ % cụ thể. Pháp luật về thuế TNDN hiện hành chưa có chính sách ưu đãi dành cho các ĐVSNCL. Trong khi đó, đối với trường hợp các tổ chức khác (không phải ĐVSNCL) có thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công để thúc đẩy việc xã hội hóa (các bệnh viện tư nhân, trường học dân lập...), Luật Thuế TNDN hiện hành đã quy định mức ưu đãi cao nhất.

Ngoài ra, nhiều ĐVSNCL vừa thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công có sử dụng kinh phí NSNN, vừa cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN và các dịch vụ khác. Trong trường hợp có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo) mà ĐVSNCL tự quyết định mức giá theo nguyên tắc giá thị trường hoặc liên doanh, liên kết để thực hiện kinh doanh thu lợi nhuận thì việc quy định khoản thu nhập này phải nộp thuế TNDN theo quy định như hoạt động kinh doanh bình thường khác là hợp lý. Tuy nhiên, đối với những dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN mà giá dịch vụ cung ứng vẫn chưa tính đủ chi phí nên NSNN vẫn hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá, không phải là hoạt động kinh doanh tạo lợi nhuận và đối với những loại dịch vụ do các ĐVSNCL cung ứng là dịch vụ cơ bản, thiết yếu, có ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tác động đến toàn bộ người dân, việc đặt vấn đề phải nộp thuế TNDN như hiện hành đối với các ĐVSNCL này là chưa phù hợp.

Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp

Tiếp tục khẳng định chủ trương về phát triển lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công gắn với đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, tại Văn kiện Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng về Chiến lược phát triển 10 năm 2021-2030 chỉ rõ phải nâng cao tính tự chủ của các ĐVSNCL; đẩy mạnh xã hội hóa; khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội tham gia phát triển, cung cấp dịch vụ công; tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ như y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, dịch vụ văn hóa, thể thao… Tổ chức cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; hoàn thiện thế chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ, kể cả dịch vụ công cơ bản. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp tham gia hình thành và điều tiết các quan hệ thị trường; xử lý tốt những bất cập của cơ chế thị trường, bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các loại hình kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công; kiểm soát độc quyền và bảo vệ người sử dụng.

Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 18/6/2024 về việc đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công. Trong đó, để khắc phục các tồn tại, bất cập trong công tác xã hội hóa và tiếp tục thu hút, mở rộng các nguồn lực đầu tư trong xã hội, tạo điều kiện cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công phát triển với số lượng và chất lượng cao hơn, thực hiện cơ cấu lại NSNN, một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu là tập trung hoàn thiện các chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cùng với đó là thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL và hoàn thiện cơ chế khuyến khích xã hội hóa tại các ĐVSNCL.

Qua rà soát các chính sách ưu đãi khuyến khích xã hội hóa và các lĩnh vực xã hội hóa để kịp thời trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát sinh, tạo điều kiện hỗ trợ cho các ĐVSNCL cũng như đơn vị ngoài công lập, nhà đầu tư tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, đặc biệt là các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu sử dụng NSNN, dịch vụ công sử dụng NSNN tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nhằm cụ thể hóa chủ trương, định hướng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL theo các định hướng của Đảng và Nhà nước đã đề ra, tại dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) đã được nghiên cứu, bổ sung thêm các chính sách ưu đãi nhằm đẩy mạnh khuyến khích phát triển lĩnh vực này, cụ thể là:

Thứ nhất, bổ sung quy định về thu nhập được miễn thuế TNDN đối với:

- Khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản trong trường hợp cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, qua đó củng cố cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước, góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thời gian qua đối với hoạt động này.

- Thu nhập của ĐVSNCL từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, bao gồm: Dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN do cơ quan có thẩm quyền ban hành; Dịch vụ sự nghiệp công mà nhà nước phải hỗ trợ, đảm bảo kinh phí hoạt động do chưa tính đủ chi phí cung cấp dịch vụ trong trong giá dịch vụ; Dịch vụ sự nghiệp công tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng thu nhập miễn thuế đối với phần lợi nhuận để lại để đầu tư phát triển của cơ sở xã hội hóa, đảm bảo sự đối xử bình đẳng giữa các hoạt động kinh tế có cùng bản chất, đảm bảo chính sách được minh bạch và ổn định song cũng cần có sự linh hoạt để phù hợp với thực tiễn phát sinh, tại dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) cũng giao Chính phủ quy định tỷ lệ thu nhập để lại tối thiểu không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa cho phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai, bổ sung quy định giảm thuế TNDN theo hướng ĐVSNCL cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế TNDN đối với thu nhập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Thứ ba, tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi thuế (về thuế suất ưu đãi, về thời gian miễn, giảm thuế) ở mức cao nhất như hiện nay đối với các cơ sở thực hiện XHH.

Thứ tư, tiếp tục áp dụng phương pháp tính thuế đơn giản đối với đơn vị sự nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế TNDN mà các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động sản xuất, kinh doanh và giao Chính phủ quy định mức tỷ lệ cụ thể để đảm bảo phù hợp với thực tế hoạt động của các đơn vị này.

Các chính sách nêu trên khi được thông qua và áp dụng vào thực tiễn sẽ góp phần khuyến khích cũng như thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, đặc biệt là các dịch vụ công cơ bản thiết yếu sử dụng NSNN, dịch vụ công sử dụng NSNN tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; góp phần thúc đẩy các ĐVSNCL đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng, gián tiếp góp phần làm giảm giá thành dịch vụ sự nghiệp công cung ứng cho người dân, nâng cao khả năng tiếp cận các loại hình dịch vụ công cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Đối với Nhà nước, việc thực hiện theo phương án đề xuất sẽ góp phần đảm bảo định hướng phát triển đồng đều các vùng miền, đảm bảo các dịch vụ công được cung cấp đầy đủ ở các vùng có địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và khó khăn; Giảm áp lực về đầu tư cung ứng dịch vụ sự nghiệp công từ NSNN, dành nguồn lực ngân sách để chi cho các lĩnh vực cần ưu tiên khác; các ĐVSNCL có thêm nguồn lực để đầu tư mở rộng, đa dạng hóa loại hình dịch vụ công cung ứng cho xã hội; Tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các loại hình dịch vụ công với chi phí thấp hơn, góp phần cụ thể hóa chủ trương tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Chấp hành Trung ương (2017), Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL;
  2. Quốc hội (2008), Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008;
  3. Chính phủ (2024), Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 18/6/2024 về việc đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công;
  4. Chính phủ (2008), Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
  5. Chính phủ (2014), Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2024