Chính sách về thuế đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh
Hợp đồng hợp tác kinh doanh là thỏa thuận bằng hợp đồng của hai hoặc nhiều bên cùng thực hiện hoạt động kinh tế nhưng không hình thành pháp nhân độc lập. Các bên tham gia trong hợp đồng hợp tác kinh doanh có thể thỏa thuận chia doanh thu, chia sản phẩm hoặc chia lợi nhuận sau thuế…
Thủ tục hồ sơ góp vốn thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh
Căn cứ Điểm 2.15 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quy định:
- Hóa đơn, chứng từ đối với tài sản góp vốn, tài sản điều chuyển được thực hiện như sau:
+ Quy định đối với bên có tài sản góp vốn, có tài sản điều chuyển là tổ chức, cá nhân kinh doanh thì tài sản góp vốn vào DN phải có biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản. Như vậy, hồ sơ góp vốn cần có đầy Hợp đồng hợp tác kinh doanh; Biên bản định giá, hay giấy chứng nhận góp vốn; Hóa đơn chứng từ gốc của tài sản.
Chính sách thuế về góp vốn trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh
Trường hợp DN thực hiện góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê đã có đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thành DN nếu đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật thì:
- Về thuế GTGT: Góp vốn bằng tài sản để thành lập DN thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
- Về lệ phí trước bạ: Tài sản góp vốn của DN nếu đã nộp lệ phí trước bạ, sau đó công ty đem tài sản này góp vốn vào DN khác, khi DN khác đăng ký quyền sở hữu, sử dụng theo quy định của pháp luật thì thuộc trường hợp được miễn nộp lệ phí trước bạ theo quy định tại Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ.
- Về thuế TNDN: Trường hợp DN có phát sinh chênh lệch do đánh giá lại tài sản để góp vốn thì hạch toán khoản chênh lệch này vào thu nhập khác khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính.…”
Xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh
Nguyên tắc tài chính của hợp đồng hợp tác kinh doanh thì hai bên phải tuân thủ nguyên tắc tài chính kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán của Việt Nam, được hạch toán, quyết toán vào thành viên thứ nhất. Mọi khoản thu chi cho hoạt động kinh doanh đều phải được ghi chép rõ ràng, đầy đủ, xác thực.
Theo nguyên lý kế toán và hoạt động hạch toán, việc các nhà đầu tư hợp tác kinh doanh nhằm tạo ra lợi nhuận nhưng không cần thành lập pháp nhân mới đặt ra vấn đề về sự cần thiết của loại chứng từ hóa đơn trong quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. Khi tạo ra doanh thu và thu được lợi nhuận, hóa đơn sẽ do ai lập? Hay tất cả các bên đều phải lập?
Đối với hoạt động kinh doanh dưới hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh việc xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong hợp đồng hợp tác kinh doanh được xác định như sau:
Một là, trường hợp các bên tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì doanh thu tính thuế là doanh thu của từng bên được chia theo hợp đồng.
Hai là, trường hợp các bên tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng sản phẩm thì doanh thu tính thuế là doanh thu của sản phẩm được chia cho từng bên theo hợp đồng.
Ba là, trường hợp các bên tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận trước thuế TNDN thì doanh thu để xác định thu nhập trước thuế là số tiền bán hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng. Các bên tham gia hợp Hợp đồng hợp tác kinh doanh phải cử ra một bên làm đại diện có trách nhiệm xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí, xác định lợi nhuận trước thuế TNDN chia cho từng bên tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Mỗi bên tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh tự thực hiện nghĩa vụ thuế TNDN theo quy định.
Bốn là, trường hợp các bên tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận sau thuế TNDN thì doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế là số tiền bán hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải cử ra một bên làm đại diện có trách nhiệm xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu, chi phí và kê khai nộp thuế TNDN thay cho các bên còn lại tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Như vậy, trong các trường hợp kể trên, nếu như ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh thì chỉ xuất hóa đơn từ một bên cử ra đại diện, không phải xuất hóa đơn lẫn hai bên.