Chính sách xã hội trong đại dịch COVID-19 ở một số nước và hàm ý cho Việt Nam

Đỗ Lâm Hoàng Trang - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Thời gian qua, để hạn chế những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, ngoài các chính sách về y tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã triển khai các chính sách xã hội, tuy nhiên, mức độ hiệu quả của các chính sách này là không giống nhau. Bài viết đề cập đến sự phản ứng chính sách xã hội tại một số quốc gia, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nhằm có thể đối phó với những cuộc khủng hoảng của dịch bệnh trong tương lai.

Khôi phục kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo thu nhập cho người lao động cần được đặc biệt ưu tiên.
Khôi phục kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo thu nhập cho người lao động cần được đặc biệt ưu tiên.

Đặt vấn đề

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và cuộc sống hàng ngày của người dân tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đối mặt với thách thức này, Chính phủ Việt Nam chủ động ban hành một số chính sách quan trọng trong lĩnh vực y tế và các biện pháp phi y tế như: giãn cách xã hội, xét nghiệm, truy vết, cách ly..., đồng thời có nhiều biện pháp vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) cho người dân.

Thực tiễn cho thấy, chính sách y tế và phi y tế để đối phó với COVID-19 không thể hiệu quả nếu thiếu chính sách xã hội (CSXH) bao gồm ASXH, trợ cấp xã hội... nhằm giải quyết một cách hiệu quả sự lo lắng của những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 và gia đình của họ từ gánh nặng tài chính cho việc khám chữa bệnh, đồng thời huy động đầy đủ các nguồn lực xã hội để hỗ trợ đắc lực cho việc tiếp tục trở lại lao động và sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, các chính sách này dù rất quan trọng để kiểm soát sự lây lan của đại dịch khi không có đủ vắc xin, nhưng lại tạo ra gánh nặng chi phí cho cả người dân và doanh nghiệp (DN). Để bù đắp cho các gánh nặng chi phí này và duy trì sự tuân thủ, những CSXH thực chất và hiệu quả tức thời đóng vai trò rất quan trọng. Bài viết phân tích phản ứng CSXH của Hoa Kỳ, Ấn Độ và Đức đối với đại dịch COVID-19, trên cơ sở đó rút ra những bài học cho Việt Nam nhằm đối phó hiệu quả với những khủng hoảng dịch bệnh trong tương lai.

Phản ứng chính sách xã hội của một số nước trong đại dịch COVID-19

Hoa Kỳ

Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, Chính phủ liên bang chi phối CSXH vì các bang thiếu nguồn tài chính để áp dụng các phản ứng CSXH lớn. Chính phủ liên bang đã ủy quyền chi hơn 2.000 tỷ USD chi tiêu bổ sung để ứng phó với đại dịch chỉ trong tháng 3 và tháng 4/2020, chiếm khoảng 10% GDP (Anderson et al., 2020). Các thành phần chi gồm trợ cấp cho các cá nhân gồm 1.200 USD/người lớn và 500 USD/trẻ em; sự gia tăng lớn về quyền lợi bảo hiểm cho người thất nghiệp.

Bên cạnh việc mở rộng, hỗ trợ cho các DN, Chính phủ Hoa Kỳ cũng áp dụng một chương trình hỗ trợ việc làm ngắn hạn, trong đó các DN có thể nhận các khoản vay tương đương với các khoản tài trợ để trả cho nhân viên không làm việc (Chương trình Bảo vệ Tiền lương). Nhờ đó, giai đoạn này, dù Hoa Kỳ trải qua mức gia tăng thất nghiệp lớn nhất trong lịch sử được ghi nhận (mức tăng 14% chỉ tính riêng vào tháng 4/2020) nhưng tỷ lệ nghèo đói giảm đáng kể 21% (Han et al., 2020).

Tuy nhiên, tháng 8 và tháng 9/2020, gói quan trọng nhất trong số các gói hỗ trợ tạm thời này đã hết hạn làm gia tăng áp lực lên những biện pháp can thiệp phi y tế khi người dân, DN mất đi các khoản hỗ trợ (Rocco et al., 2020). Câu chuyện này xuất phát từ giả định ban đầu của các nhà hoạch định chính sách khi cho rằng Chính phủ liên bang sẽ khống chế hiệu quả đại dịch COVID-19 và đất nước sẽ trở lại đời sống kinh tế bình thường vào mùa thu năm 2020.

Tuy nhiên, đây là giả định sai lầm khi dịch bệnh COVID-19 tiếp tục hoành hành một cách mạnh mẽ. Việc không đổi mới các phản ứng CSXH trong tình hình virus lan rộng làm cho Hoa Kỳ phải đối mặt với mùa thu năm 2020 một cách tồi tệ và kinh tế bị suy thoái. Khi dịch bệnh lan rộng, mức độ hoạt động trong các khu vực của nền kinh tế đã giảm do mọi người tránh xa các quán bar, nhà hàng, bán lẻ và du lịch. Đến tháng 10/2020, Hoa Kỳ bị mắc kẹt trong một cuộc tranh luận về tính hiệu quả của những biện pháp can thiệp phi y tế như đóng cửa kinh doanh, hạn chế đi lại, hoặc đeo khẩu trang. Chánh văn phòng Nhà Trắng phải thừa nhận rằng: họ sẽ không kiểm soát được dại dịch, cơ sở hạ tầng y tế công cộng phần lớn bị quá tải và nền kinh tế bị rơi vào suy thoái (Cole, 2020).

Ấn Độ

Ấn Độ ban đầu gây được chú ý vì phản ứng nghiêm ngặt của y tế công cộng đối với đại dịch. Tuy nhiên, Chính phủ liên bang đã thất bại trong việc điều phối các ưu tiên KT-XH so với y tế khi dỡ bỏ lệnh cấm vận trên toàn quốc, khiến các bang phải chịu trách nhiệm quản lý, ứng phó với đại dịch COVID-19.

Các CSXH đã không giải quyết được sự thất vọng của các cá nhân về những hạn chế trong việc làm và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu: thực phẩm, nhà ở và tiền mặt. Hậu quả là quốc gia này phải đối mặt với sự lây lan dịch bệnh không kiểm soát được cũng như thiệt hại nặng nề về kinh tế. Những biện pháp can thiệp phi y tế như đóng cửa kinh doanh, hạn chế đi lại… gây nên những hậu quả xã hội nghiêm trọng, đặc biệt đối với người nghèo.

Một trong những hành động CSXH lớn, tập trung ở Ấn Độ là gói kích thích trị giá 307 tỷ USD vào tháng 3/2020 sau khi tiến hành phong tỏa toàn quốc. Nguồn vốn khoảng 24 tỷ USD nhằm hỗ trợ tất cả các cá nhân đảm bảo có thực phẩm và khí đốt. Gói kích cầu này đã thành công trong việc tạo điều kiện cho những người nhận được tiền cứu trợ tồn tại được một thời gian trong một nền kinh tế tạm thời đóng băng.

Tuy nhiên, việc chuyển tiền mặt trực tiếp - nhằm tránh sự chậm trễ đã không đến được với tất cả mọi người vì những quy định phức tạp như nhận dạng, đi lại giữa các bang để xác định các lao động tự do là một thách thức (Kinh tế Times, 2020b). Trong một đất nước rộng lớn, đông dân như vậy, việc xác định chính xác ai là người thực sự được nhận tiền trong gói hỗ trợ và ai không là rất khó. Kết quả là, CSXH tập trung có chủ đích tốt đã không mang lại kết quả như mong muốn.

Đức

Các phản ứng CSXH ở Đức đã mang lại lợi ích cho nền kinh tế không chỉ ở cấp độ vĩ mô mà còn ở cấp độ vi mô. Nền kinh tế lớn nhất của châu Âu đã đưa ra một gói cứu trợ lịch sử 353,3 tỷ euro (BMF, 2020) để kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp và các nhóm dễ bị tổn thương cần được bảo vệ (cha mẹ đơn thân, người hưu trí, trẻ em...)

Đức là một trong những quốc gia có hệ thống CSXH ổn định, mạnh mẽ như hỗ trợ thu nhập, các chương trình và bảo hiểm thất nghiệp, nhằm hạn chế tác động của suy thoái đối với cuộc sống của người dân và nền kinh tế rộng lớn. Do vậy, các biện pháp y tế công cộng do Đức thực hiện để chống lại đại dịch đã dẫn đến nhiều kết quả về xã hội, kinh tế bên cạnh chính trị (Iskan, 2020). Trong đại dịch COVID-19, để giảm bớt những tác động tiêu cực, Chính phủ đã thiết lập các hành động CSXH bao gồm hai gói bảo trợ xã hội với mục tiêu giảm nhẹ các hậu quả kinh tế và xã hội của dịch bệnh. Vào ngày 22/3/2020, Thủ tướng Angela Merkel đã ra lệnh phong tỏa trên toàn quốc cũng như đóng cửa tất cả các nhà hàng, quán bar, quán cà phê và các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực chăm sóc cá nhân (Bundesregierung, 2020).

Các biện pháp can thiệp phi y tế (như đóng cửa kinh doanh, hạn chế đi lại, đeo khẩu trang) nghiêm ngặt này và các cú sốc kinh tế khác liên quan đến đại dịch đã tạo ra các vấn đề mà CSXH dự kiến giải quyết. Ngày 25/3/2020, Chính phủ Đức đã đưa ra gói viện trợ lớn nhất trong lịch sử 353,3 tỷ Euro (khoảng 9% GDP) và các khoản bảo lãnh tổng cộng là 819,7 tỷ euro (BMF, 2020), và lớn nhất thế giới vào thời điểm đó (Jerzy, 2020) để bảo vệ cho nhân viên văn phòng, lao động tự do. Nỗ lực hỗ trợ tài chính này đã giúp đảm bảo hành động CSXH cần thiết trên khắp đất nước, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ít (Urmersbach, 2020) và thiệt hại GDP thấp hơn mức trung bình của EU do hậu quả của đại dịch (Statista, 2020b).

Ngày 27/3/2020, gói bảo trợ xã hội được triển khai với các biện pháp đơn giản hóa qui trình để đạt được các lợi ích bổ sung như trợ cấp trẻ em, trợ cấp cho các dịch vụ xã hội, tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu và nó kéo dài thời hạn tối đa cho một số lao động. Ngày 28/4/2020, Gói Bảo trợ xã hội thứ 2 đã được thực hiện để trợ giúp những lao động làm việc thời vụ thất nghiệp đảm bảo được cuộc sống; cải thiện các điều kiện để được hưởng trợ cấp làm việc trong thời gian ngắn, mở rộng quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp, tiếp tục đảm bảo chi trợ cấp cho trẻ mồ côi.

Các biện pháp bảo vệ tài chính khác cho các cá nhân bao gồm hỗ trợ, trợ cấp cho trẻ, hỗ trợ cha mẹ đơn thân, tiền và an ninh cơ bản. Các biện pháp này về cơ bản là sự mở rộng các chương trình hiện có, mang lại nhiều hỗ trợ tài chính hơn cho các nhóm dễ bị tổn thương (trẻ em, cha mẹ đơn thân và những người có thu nhập hạn chế).

Hỗ trợ COVID-19 dành cho các công ty thương mại và tự do là gói viện trợ lớn nhất với mục tiêu quan trọng là hỗ trợ các loại hình DN (các công ty mới thành lập, DN lớn, DN vừa và nhỏ, dưới 10 nhân viên, DN tự do, tự kinh doanh). Tổng cộng 70,4 tỷ euro viện trợ đã được phê duyệt vào ngày 13/10/2020 (Bundesministerium für Wirtschaft und Energie, 2020). Tiền đã được phân bổ cho quỹ bình ổn kinh tế, tín dụng nhanh, các chương trình đặc biệt, tín dụng hàng hóa, bảo hiểm và bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, biện pháp về thuế...

CSXH khẩn cấp của Đức đã cho thấy hậu quả. Các gánh nặng hành chính được gỡ bỏ, hạn chế, hỗ trợ đã đạt được mục tiêu trên hầu hết các hạng mục (cá nhân, gia đình, DN thuộc mọi quy mô và cơ sở hạ tầng) và tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh (như trường hợp ở các nước khác), trợ giúp tài chính ngay lập tức, được dự kiến để tăng tốc độ giải ngân vốn và hạn chế gánh nặng hành chính. Nhờ gói hỗ trợ toàn diện dành cho các công ty thương mại và tự do, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng so với năm 2019 nhưng không đáng kể...

Thảo luận và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Thảo luận

Mặc dù, phản ứng y tế công cộng mạnh mẽ được cho là bước quan trọng và cần thiết nhất để giải quyết tình trạng khẩn cấp như đại dịch COVID-19, nhưng nó sẽ không đủ để đáp ứng những hậu quả ngắn hạn và tác động lâu dài hơn mà các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể gây ra. Các phản ứng chính sách của Đức, Ấn Độ và Hoa Kỳ chứng minh các vấn đề CSXH để ứng phó với đại dịch, và sự liên kết giữa CSXH và chính sách y tế công cộng là rất quan trọng. COVID-19 là một cuộc khủng hoảng dịch bệnh kéo dài, do vậy các biện pháp khẩn cấp có thể kéo dài trong nhiều năm.

Đặc biệt, các CSXH được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp có thể định hình quỹ đạo phục hồi KT-XH của đất nước bằng cách xác định những tổn thất nào được cần được hỗ trợ nhanh chóng và lâu dài. Bởi việc chú ý đến các phản ứng của CSXH cho phép Chính phủ có cái nhìn sâu sắc hơn về các yếu tố xã hội quyết định đến sức khỏe.

Bất bình đẳng xã hội và kinh tế tiềm ẩn làm trầm trọng thêm các nguy cơ sức khỏe liên quan đến dịch bệnh và có nguy cơ lan rộng nếu các CSXH không được thực hiện. Sự kết nối giữa biện pháp y tế công cộng và CSXH rất quan trọng vì CSXH không chỉ là cách để giải quyết mối đe dọa y tế trong ngắn hạn của COVID-19 mà còn là cơ hội để giải quyết những bất bình đẳng cơ bản về KT-XH.

Sự thành công và thất bại của ứng phó khẩn cấp y tế công cộng phụ thuộc vào sự phù hợp của nó với CSXH. Việc tách biệt CSXH và y tế công cộng, về lý thuyết hay thực tế, đều làm suy yếu cả hai và làm tăng nguy cơ cả hai đều thất bại. Các chiến lược ứng phó với đại dịch hiện nay hoặc trong tương lai nên chú ý đến các hỗ trợ CSXH khi đối mặt với các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Nhằm xây dựng và củng cố các hệ thống CSXH, và ASXH thích ứng linh hoạt và hiệu quả các đại dịch như COVID-19, thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm một số vấn đề sau:

Đối với chính sách đảm bảo thu nhập

- Khôi phục kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo thu nhập cho người lao động cần được đặc biệt ưu tiên, đó là việc nhanh chóng đưa người lao động trở lại thị trường thông qua tăng cường kết nối cung-cầu lao động.

- Tác động của đại dịch làm cơ cấu ngành nghề thay đổi, nhiều ngành mới xuất hiện và tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, các ngành nghề yêu cầu kỹ năng cao sẽ tăng, các ngành nghề yêu cầu kỹ năng trung bình và thấp sẽ giảm. Vì vậy, vấn đề hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo tái hoà nhập thị trường lao động cần được quan tâm nhiều hơn, nhằm giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường. Các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, DN nhỏ và vừa cần có những chính sách ưu tiên và khuyến khích, vì đây sẽ là lực lượng hồi phục nhanh hơn so với các loại hình khác và tạo nhiều chỗ làm việc để thu hút người lao động.

Đối với chính sách bảo hiểm

Tiếp tục có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để người lao động duy trì được sự tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn. Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn đã hỗ trợ tích cực và là giá đỡ cho người lao động nói riêng và người dân nói chung vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra. Đây là biện pháp ASXH chủ động và bền vững nhất để làm cho người dân thấy rõ bản chất ưu việt mà chính sách bảo hiểm xã hội mà Đảng và Nhà nước ta xây dựng quản lý và bảo hộ.

- Quan tâm hơn nữa việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, cần sửa đổi chính sách, nâng mức hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên tinh thần đảm bảo công bằng, trong đó ưu tiên những đối tượng dễ bị tổn thương như: người nghèo, người cận nghèo, người có thu nhập thấp, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nông nghiệp, nông thôn… giúp họ dễ dàng tiếp cận và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

- Thực hiện kịp thời, chính xác và minh bạch các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn để hỗ trợ người lao động, người dân vượt qua những khó khăn, thông qua những hỗ trợ về thu nhập, y tế, giáo dục nghề nghiệp...

Đối với chính sách trợ giúp xã hội

- Đẩy mạnh cải cách và phân bổ nguồn lực để mở rộng độ bao phủ của các chính sách hỗ trợ ASXH cho tất cả mọi người, bao gồm đối tượng đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu trước mắt. Trong dài hạn, cần xây dựng một hệ thống ASXH đáp ứng với các cú sốc để tăng cường dự phòng và ứng phó đối với những rủi ro khác nhau, bao gồm khủng hoảng kinh tế, thiên tai và dịch bệnh, thông qua trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất.

- Gỡ bỏ mọi rào cản về thủ tục hành chính để đảm bảo quá trình xác định đối tượng bảo trợ xã hội hiệu quả và kịp thời, không phân biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương nhất (bao gồm người thiếu các giấy tờ tùy thân, lao động di cư... đồng thời hoàn thiện các tiêu chí và điều kiện hưởng trợ giúp tiền mặt đối với hộ kinh doanh cá thể và lao động phi chính thức).

- Đảm bảo khả năng tiếp cận các chế độ ASXH, bao gồm bảo hiểm y tế và chuyển tiền trợ cấp hiệu quả thông qua thanh toán điện tử, dịch vụ mobile money, ví điện tử.

- Hiện nay, các quốc gia đang đứng trước sức ép lớn phải củng cố tài khóa sau khi đã chi những khoản khổng lồ cho các biện pháp ứng phó khủng hoảng. Tuy nhiên, nếu các quốc gia cắt giảm chi cho ASXH, hành động đó sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng. Do đó, lĩnh vực ASXH rất cần phải được đầu tư ngay lúc này để đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng trước các tình huống khẩn cấp.

Đối với chính sách tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản

- Các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin truyền thông, môi trường… cần đầu tư một cách đồng bộ, hiện đại, đặc biệt quan tâm đến hệ thống dịch vụ ở cấp cơ sở. Thực tế công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, năng lực của hệ thống dịch vụ ở cấp cơ sở còn rất hạn chế về nguồn lực vật chất, trang thiết bị, nguồn lực con người. Bên cạnh đó là hệ thống cơ sở dữ liệu từ cơ sở còn thiếu và yếu, thiếu tính kết nối, chia sẻ, để có thể kịp thời có giải pháp khắc phục đối với những rủi ro như dịch bệnh như vừa qua.      

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Thọ Đạt. "Tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam và giải pháp ứng phó.";

2. Anderson, J., Bergamini, E., Brekelmans, S., Cameron, A., Darvas, Z., Jíménez, M. D., & Midões, C. (2020), The fifiscal response to the economic fallout from the coronavirus. Bruegel;

3. Brandt, M. (2020), Arbeitslosigkeit in Deutschland gestiegen. Statista.de. 2020. https://de.statista.com/infografifik/22188/entwicklung-der-arbeitslosenquote-in-deutschland-waehrend-der-corona-krise/;

4. Bundesministerium für Wirtschaft und Energie. (2020), Corona-Hilfen für Unternehmen https://www.bmwi.de/Redaktion/DE/Infografifiken/Wirtschaft/corona-hilfen-fuer-unternehmen.html;

5. Cole, D. (2020), White House Chief of Staffff: “We are not going to control the pandemic”. CNN. https://www.cnn.com/2020/10/25/politics/mark-meadows-controlling-coronavirus-pandemic-cnntv/index.html;

6. Han, J., Meyer, B. D., & Sullivan, J. X. (2020), Income and poverty in the COVID-19 pandemic (No. w27729). National Bureau of Economic Research;

7. Parrott, S., Stone, C., Huang, C. C., Leachman, M., Bailey, P., Aron-Dine, A., Dean, S., & Pavetti, L. (2020), CARES Act includes essential measures to respond to public health, economic crises, but more will be needed. Center on Budget and Policy Priorities;

8. Urmersbach, B. (2020), Aktuelle Prognosen zur Entwicklung des BIP weltweit in der Corona Krise Veröffffentlicht.Statista.de.

9. USDA. (2020), United States Department of Agriculture, Economic Research Service. Food Security and Nutrition Assistance. https://docs.google.com/document/d/14WPyq1INBdvkkoABusxnzlLx7AyTE-UmJ5Vyb_6E_zE/edit#.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2022