Chính thức thông qua Luật Phòng không nhân dân

Trần Huyền

Với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng không nhân dân.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 47 điều.

Về nhiệm vụ phòng không nhân dân, Dự thảo Luật quy định lực lượng phòng không nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m là dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng phòng không nhân dân và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không.

Hiện nay, lực lượng phòng không nhân dân đã được trang bị vũ khí có tầm bắn trên 5.000m; được trang bị các phương tiện trinh sát phòng không đủ khả năng quan sát, phát hiện được mục tiêu ở độ cao dưới 5.000m. Vì vậy, lực lượng phòng không nhân dân đủ khả năng tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định phạm vi quản lý ở độ cao dưới 5.000m.

Về trọng điểm phòng không nhân dân, việc xác định trọng điểm phòng không nhân dân là trên cơ sở các vị trí mục tiêu trọng yếu cần phải bảo vệ hoặc hướng chủ yếu địch đổ bộ đường không hoặc tiến công đường bộ. Việc xác định trọng điểm phòng không nhân dân nhằm mục đích xác định phương án bố trí lực lượng, trận địa phòng không, xác định trách nhiệm của từng cấp trong thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân để quản lý, bảo vệ các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, bảo đảm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến phòng không khi có tình huống xảy ra. Nếu xác định tiêu chí cụ thể trong Luật sẽ ảnh hưởng đến yếu tố bí mật của quyết tâm tác chiến phòng thủ. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không quy định cụ thể về tiêu chí trọng điểm phòng không nhân dân.

Về cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân (Điều 9), quy định như trong dự thảo Luật để bảo đảm tách bạch giữa Cơ quan chỉ đạo và Cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp; phù hợp với Nghị định số 74/2015/NĐ-CP và không có vướng mắc. Đồng thời, để đảm bảo rõ hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung khoản 2 quy định: “Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân được tổ chức ở trung ương, quân khu và ở địa phương. Ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp có nhiệm vụ tham mưu, giúp Cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân cấp tương ứng” như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.