Chờ đợi đàm phán thương mại Mỹ - EU

Theo Khả Hân/doanhnhansaigon.vn

Sau khi đạt được thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc vào giữa tháng 1/2020, Mỹ dường như đang nhắm đến mục tiêu sớm đạt được thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) - đối tác thương mại lớn còn lại, nhưng các cuộc đàm phán vẫn đang ngưng trệ.

Sau khi đạt được thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc vào giữa tháng 1/2020. Nguồn: internet
Sau khi đạt được thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc vào giữa tháng 1/2020. Nguồn: internet

Từ chỉ trích và đe dọa

Ngày 10/2/2020 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh đã đến lúc Mỹ phải theo đuổi các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) vì khối này đã áp đặt những rào cản “không thể tin được” đối với hàng hóa của Mỹ. Phát biểu trong một sự kiện tại Nhà Trắng với các thống đốc bang, ông Trump cho rằng "châu Âu đã đối xử với Mỹ rất tệ”, những ngôn từ cảm xúc thái quá thường được sử dụng để chỉ trích các đối tác thương mại của tổng thống Mỹ trong gần 4 năm qua.

Tính cho đến thời điểm này, Mỹ đã ký kết lại các hiệp định thương mại với những đối tác lớn của mình, từ hiệp định UMSCA với hai nước Bắc Mỹ là Canada và Mexico, thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc, Nhật Bản và mới đây là thỏa thuận sơ bộ giai đoạn 1 với Trung Quốc. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán song phương với EU suốt một năm qua vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể nào, dù hai bên đã nhất trí tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán từ giữa năm 2018.

Hệ quả là những căng thẳng thương mại, những đả kích và chỉ trích giữa hai bên vẫn chực chờ bùng nổ và leo thang. Từ giữa tháng 10/2019, Mỹ đã áp thuế lên 7,5 tỷ USD hàng hóa của EU, bao gồm mức thuế với máy bay Airbus sản xuất tại châu Âu là 10%; rượu vang Pháp, rượu whisky, các loại phô mai, olive và nhiều sản phẩm khác bị đánh thuế 25%.

Chưa dừng lại ở đó, hồi cuối năm 2019, Mỹ cho biết đang xem xét áp hàng rào thuế quan lên đến 100% đối với các hàng hóa châu Âu mà chính quyền Donald Trump đã miễn trừ thuế trước đó.

Theo đó Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố một danh sách hàng hóa châu Âu bổ sung mà họ đang xem xét áp hàng rào thuế quan. Nếu bị áp thuế tới 100%, rõ ràng hàng hóa EU sẽ khó lòng nhập vào Mỹ khi mất hoàn toàn lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, phía EU cũng sẵn lòng có các biện pháp đánh thuế trả đũa lên các hàng hóa của Mỹ.

Mỹ từ lâu đã tranh cãi rằng các khoản trợ cấp cho Airbus đã gây tổn thương đến gã khổng lồ máy bay Boeing của Mỹ và xét về mặt tuân thủ theo các phán quyết trước đó từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), EU chưa làm đủ để cân bằng cuộc chơi. Thế nhưng, lời phàn nàn này cũng nằm trong chiến lược giảm bớt thâm hụt thương mại của Nhà Trắng. Khởi đầu bằng hàng rào thuế quan đối với thép và nhôm, chính quyền Mỹ muốn tạo ra những thỏa thuận thương mại mới có lợi thế cho Mỹ nhiều hơn thông qua việc sử dụng hàng rào thuế quan và hạn ngạch.

Ưu tiên đàm phán với EU

Với việc đã đạt được các thỏa thuận song phương với những đối tác thương mại quan trọng, Mỹ có thể tập trung hơn vào các cuộc đàm phán với đối tác quan trọng còn lại là EU, nhất là khi thỏa thuận thương mại toàn diện với Trung Quốc có thể còn lâu mới đạt được. Việc ông Trump mạnh miệng lên tiếng chỉ trích cùng với những lời đe dọa đánh thuế nặng cũng là chiến thuật thường thấy của tổng thống này kể từ khi lên cầm quyền, nhằm ép đối tác phải ngồi vào bàn đàm phán và giành vị thế cửa trên cho Mỹ.

Do đó, dựa trên những diễn biến gần đây, khả năng Mỹ đang muốn sớm hoàn tất một thỏa thuận thương mại với EU, có thể ngay trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào cuối năm nay, nhằm giúp ông Trump ghi điểm trước cử tri và giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng trở lại trước những ứng cử viên khác.

Ngoài ra, việc giành được thỏa thuận thương mại với EU trước khi tiến hành các cuộc đàm phán giai đoạn 2 với Trung Quốc cũng sẽ giúp Mỹ có được lợi thế nhiều hơn. Cụ thể, theo các thỏa thuận thương mại Mỹ ký lại với các đối tác, đều có lồng thêm điều khoản trói buộc quan trọng, theo đó ngăn chặn các đối tác thương mại tự do của Mỹ ký kết thỏa thuận thương mại với các “quốc gia phi thị trường”, như cách Mỹ đã mô tả về Trung Quốc. 

Như vậy, một thỏa thuận thương mại tiềm năng của Mỹ với EU cũng có thể có những điều khoản trói buộc tương tự như thế, từ đó chặt đứt dần quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và EU để mở đường cho Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải có thêm nhiều nhượng bộ trong các cuộc đàm phán tiếp theo với phía Mỹ.

Về phần mình, EU với 27 nước thành viên chiếm khoảng 22% GDP toàn cầu, cũng khó lòng chịu nhượng bộ quá mức trước Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thực tế trước xu hướng chủ nghĩa bảo hộ leo thang, nhiều khu vực đang nỗ lực tìm kiếm và đa dạng hóa thêm các thị trường cho các hoạt động giao thương, mà việc EU mới đây thông qua hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam là một minh chứng cụ thể nhất.