Nợ xấu đã không còn là "ám ảnh" của nhiều ngân hàng thương mại
Trung bình tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng năm 2019 đã giảm xuống còn 1,4% (năm 2018 là 1,7%), cùng với đó đến thời điểm hiện tại đã có 10 ngân hàng tất toán xong nợ xấu tại VAMC.
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), chất lượng tài sản của các ngân hàng niêm yết đã được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ (NPL) trung bình toàn ngành ở mức 1,4% (năm 2018 là 1,7%), tỷ lệ nợ nhóm 2 bằng 1,1% (năm 2018 bằng 1,3%) cho thấy các ngân hàng hiện đang tập trung xử lý nợ tồn đọng từ quá khứ, làm sạch bảng cân đối.
Giảm nợ xấu giúp các ngân hàng giảm được chi phí trích lập dự phòng, từ đó cải thiện lợi nhuận. Một số ngân hàng ghi nhận giảm mạnh chi phí dự phòng, hỗ trợ lợi nhuận trong thời gian qua như TCB, ACB. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCRs) được cải thiện = 90% (quý 2/2019: 79,1%).
BSC cho rằng, trong năm 2020, chi phí trích lập dự phòng sẽ giảm tỷ trọng trong tổng thu nhập hoạt động nhờ việc một số ngân hàng đã trích lập xong VAMC trong năm 2019 như VPB, Seabank... Các ngân hàng đã xử lý xong nhiều nợ tồn đọng thời gian trước sẽ giảm áp lực trích lập chi phí dự phòng và tỷ lệ trích lập vẫn đang ở mức cao.
Theo cập nhật vào thời điểm cuối năm 2019 đã có 10 ngân hàng thương mại tất toán xong nợ xấu tại VAMC gồm: Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Nam A Bank, TPBank, Kienlongbank, VPBank và Agribank.
Chi phí hoạt động tiếp tục được tiết giảm. Nhiều ngân hàng đã cắt giảm chi phí hoạt động, tập trung tăng năng suất nhân viên và áp dụng digital banking vào giúp tiết giảm chi phí. BSC kỳ vọng trong năm 2020 xu thế này sẽ tiếp tục tiếp diễn.
Tỷ lệ an toàn vốn tiếp tục là bài toán năm 2020 đối với ngân hàng
Tăng vốn để đáp ứng tiểu chuẩn Basel II sẽ tiếp tục là bài toán với các ngân hàng trong năm 2020. Các phương án tăng vốn được kể đến sẽ là tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu; phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài (VCB, BID) và phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2.
Các ngân hàng nhà nước hiện đang có CAR ở mức 9 – 10% Basel I (ở mức thấp hơn so với các NH TMCP ở mức 12%) và đang có nhu cầu cao hơn các ngân hàng TMCP trong việc tăng vốn đảm bảo tăng trưởng. Trong tháng 7/2019, BID đã đàm phán xong việc bán 15% cho KEB Hana Bank với giá 33.640 đồng/cp và sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác dầu tư tài chính trong năm 2020. VCB cũng tiếp tục theo đuổi kế hoạch phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài (hiện còn 7,45%), CTG cũng đã được giữ lại lợi trong năm 2017, 2018 và có thể sẽ giữ lại lợi nhuận năm 2019 để đảm bảo an toàn vốn.
Các ngân hàng khác như VPB, TPB,.. hiện đang phát hành các trái phiếu quốc tế thời hạn dài nhằm tăng vốn cấp 2, từ đó cải thiện CAR của các TCTD này.
Hiện nay, CAR Basel I của toàn ngành, theo ước tính của BSC, đang ở mức 11,5% (CAR Basel II sẽ thấp hơn từ 2%-2.5%). Đòn bẩy tài chính của các ngân hàng cũng đã giảm nhiều cho thấy các ngân hàng cũng đang tập trung tăng trưởng an toàn bền vững hơn trong thời gian tới.
Cùng với kế hoạch tăng vốn, một số ngân hàng có ý định niêm yết trong thời gian tới gồm: OCB, Maritimebank, Seabank, ABBank, Saigonbank, Nam Á Bank, Việt Á Bank, Agribank. Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn hơn khi đầu tư vào nhóm ngành ngân hàng.