Chờ vốn lớn vào Việt Nam
Cuối tuần qua có một thông tin đáng chú ý về đàm phán TPP tại Mỹ. Cụ thể, đại diện phái đoàn đàm phán Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam đã hoàn thành đàm phán song phương đối với các nước và đang bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng với Mỹ.
Chủ yếu vấn đề cần giải quyết hiện nay liên quan đến lao động, nhằm đảm bảo các điều kiện tốt hơn cho lao động Việt Nam.
Với diễn tiến này, có thêm căn cứ đặt niềm tin Việt Nam sẽ sớm gia nhập TPP, có thể vào cuối năm nay. Khác với những hiệp định thương mại tự do khác, TPP được nhận định sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có những tập đoàn lớn sẽ đổ vốn vào Việt Nam để tận dụng nhân công, mặt bằng và cả ưu đãi về thuế cho một thị trường xuất khẩu rộng lớn. Khả năng tìm được các đối tác chiến lược, mua cả gói lớn với các doanh nghiệp lớn đang xuất hiện ngày càng nhiều.
Quan điểm đầu tư này được cả các quỹ đầu tư tài chính ủng hộ. Lãnh đạo một quỹ nước ngoài lớn cho biết, chiến lược đầu tư của họ sẽ chuyển hướng từ đầu tư tài chính với mức sở hữu thiểu số tại DN, sang cách đầu tư lớn để trở thành nhà đầu tư chiến lược.
“Chúng tôi tin rằng việc sở hữu lượng lớn cổ phần như là một nhà đầu tư chiến lược thực thụ trong công ty, sẽ cho phép chúng tôi đóng góp vào hoạt động của công ty một cách hiệu quả và linh hoạt hơn, nhằm mục đích cải thiện việc hoạch định chiến lược, hoạt động điều hành kinh doanh và tình hình tài chính”, ông nói.
Cuối tuần qua, JFE Steel - Hãng sản xuất thép lớn thứ 2 của Nhật Bản - thông báo kế hoạch đầu tư 27 tỷ yên (220 triệu USD) vào một nhà máy sản xuất thép đang được Tập đoàn Formosa của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư xây dựng ở tỉnh Hà Tĩnh.
JFE có kế hoạch mua 5% cổ phần của Formosa Hà Tĩnh (FHS), công ty vận hành hành nhà máy trên. Hiện FHS đang đầu tư 10,5 tỷ USD cho giai đoạn 1 dự án xây dựng một xưởng cán thép, các lò cao và thiết bị sản xuất thép ở Hà Tĩnh.
Dự kiến, Nhà máy thép trên có sản lượng 7 triệu tấn thép/năm, sẽ đi vào hoạt động vào cuối quý III năm nay. JFE sẽ hỗ trợ kỹ thuật và bán một số sản phẩm của nhà máy cho các khách hàng ở khu vực Đông Nam Á.
Tại ngày 30/7, TTCK Việt Nam có mức định giá tương đối hấp dẫn so với các TTCK trong khu vực. Cụ thể, số liệu của FPTS thu thập cho thấy, PE trung bình trên thị trường HOSE là 13,5 lần, trong khi Thái Lan là 19,2, Malaysia 15,8, Philippine 20,7, Indonesia 23,7, Ấn Độ là 21,9 lần. Đây có thể là cơ hội đầu tư tốt, cho các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường.
Với những gì đã có, điều quan trọng mà các nhà đầu tư đang kỳ vọng là Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện về tình hình kinh tế, cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối và giảm rủi ro tiềm ẩn từ hệ thống ngân hàng, kết hợp với kết quả kinh doanh khả quan của các công ty niêm yết. Đồng thời, các giải pháp và sản phẩm mới sẽ giúp cải thiện thanh khoản của TTCK, cũng như thị trường sẽ có thêm nhiều công ty có vốn hóa lớn và các nhà đầu tư tổ chức với tầm nhìn dài hạn.