Sau FTA, doanh nghiệp cần làm gì?

Theo chinhphu.vn

(Taichinh) - Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sẽ được ký kết. Các hiệp định này vừa mở ra nhiều cơ hội mới cho các ngành kinh tế nhưng cũng sẽ hạn chế quyền bảo hộ các ngành sản xuất trong nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo “Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế còn lại gì sau các Hiệp định thương mại tự do” diễn ra ngày 1/6 tại TP.HCM.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sẽ được ký kết. Các hiệp định này vừa mở ra nhiều cơ hội mới cho các ngành kinh tế nhưng cũng sẽ hạn chế quyền bảo hộ các ngành sản xuất trong nước.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI), cho biết tham gia các FTA, Việt Nam sẽ phải cắt giảm thuế quan về 0% ở hầu hết các mặt hàng với khoảng 50 nước có quan hệ thương mại hiện nay.

Lĩnh vực đầu tư cũng vậy, chúng ta cũng phải cam kết với các nước về các điều kiện kinh doanh và đầu tư theo thông lệ quốc tế.

Trong bối cảnh ấy, không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế trong nước bằng thuế quan, phi thuế quan và các chính sách về đầu tư hầu sẽ rất hẹp.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, chúng ta vẫn có thể bảo vệ sản xuất nội địa bằng hàng rào kỹ thuật, biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ; hỗ trợ tín dụng cho sản xuất hàng công nghiệp (như thưởng xuất khẩu), hỗ trợ công nghệ hoặc áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử về đầu tư để tạo ưu thế cho DN nội địa.

Nhưng khi áp dụng các chính sách hỗ trợ các DN trong nước cũng đồng nghĩa với việc các DN này xuất khẩu sang thị trường nước khác thì có thể bị hiệp hội các DN tại nước đó kiện về việc được trợ giá, hay bán phá giá. Chính vì thế, DN Việt Nam cần chuẩn bị tâm lý để có thể đương đầu với những khó khăn này.

TS Nguyễn Tiến Hoàng (Đại học Ngoại Thương TPHCM) cho rằng mặc dù có thể bị kiện, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta không hỗ trợ các DN, bởi kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy họ cũng vẫn hỗ trợ, bảo hộ các sản phẩm trong nước, mặc dù biết rằng DN nước mình có thể sẽ bị kiện.

Tại các cuộc hội thảo gần đây, khi bàn về sự chuẩn bị của các DN Việt Nam trước quá trình hội nhập, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, các DN xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp phải nhiều trở ngại do phòng vệ thương mại. Vì vậy, các DN cần nắm vững luật, sẵn sàng theo đuổi các vụ kiện thương mại để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng Ban Chính sách vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT) cho rằng, để các chính sách của Nhà nước ban hành sát với thực tế và hỗ trợ được các DN trong nước thì vai trò của các hiệp hội là rất quan trọng. Đây là nơi điều hòa, nói tiếng nói vì lợi ích chung cho cả các DN thành viên.

“Trong quá trình đàm phán hội nhập, việc tham vấn là rất quan trọng. Để Nhà nước và DN đồng hành thì cần phải có sự gắn kết giữa các hiệp hội và các cơ quan đàm phán” ông Dương nhấn mạnh.