Chọn lọc nhà đầu tư để tăng chất lượng FDI
Hiện nay, các quốc gia khác trên thế giới đang ban hành nhiều chính sách rất mạnh mẽ để giữ chân cũng như lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài về nước mình. Do đó, để cạnh tranh được, Việt Nam cũng phải có các giải pháp đột phá và phải thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ thì mới có thể hấp dẫn được nhà đầu tư nước ngoài.
Đó là chia sẻ của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá" được tổ chức mới đây.
Theo ông Hoàng, hệ thống pháp luật của Việt Nam, mà nổi bật là các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang, môi trường thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Bên cạnh đó, Việt Nam có các điểm lợi thế, thuận lợi sẵn có của môi trường đầu tư như: Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi.
Đặc biệt là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thành công tại Việt Nam. Tháng 6/2020, Thú tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 850/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài nhằm tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới; chủ động bằng các biện pháp linh hoạt, phù hợp để có thể tiếp cận, đàm phán với các Tập đoàn lớn, có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị nhằm vận động, xúc tiến, phù hợp với mục đích, yêu cầu hợp tác đầu tư cùng có lợi...
Sau 3 tháng hoạt động, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ nước ngoài, Qua đó, nhiều dự án quy mô lớn với số vốn FDI từ 50 triệu USD đến cả tỷ USD đã được các tập đoàn lớn từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế rất quan tâm đến Việt Nam nhưng do Covid-19 nên các bên đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến và các kênh khác để trao đổi, tìm hiểu thông tin về Việt Nam.
Thêm vào đó, sự thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua cũng tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng thêm uy tín cho Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trước mắt Việt Nam cần khắc phục những tồn tại bất cập về chính sách, luật pháp, cần chiến lược bài bản và chính sách ưu đãi mới theo hướng chọn lọc và chặt chẽ hơn.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Việt Nam cần có cái nhìn một cách thực tế, khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đến từ các “thiên đường thuế” mà đặc điểm nổi bật của “thiên đường thuế” đó là các quốc gia đó rất hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế nước ngoài, nhất là những thông tin về tài chính. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần thiết kế những gói chính sách mang tính chất “may đo”, không “may sẵn”, lúc đó chúng ta mới đáp ứng các nhu cầu của các nhà đầu tư.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, hiện Chính phủ Việt Nam đang kỳ vọng đón đầu tư từ Hoa Kỳ và từ châu Âu với những đầu tư chất lượng cao, sử dụng công nghệ cao hơn, không sử dụng chi phí lao động thấp, loại đầu tư này rất phù hợp với Việt Nam trước mong muốn cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Các nhà đầu tư "chất lượng" này mong muốn chính sách, luật pháp của Việt Nam ổn định; văn bản, thủ tục pháp lý về đầu tư phải cụ thể, khi thực thi phải dự đoán được; không có tiền "gầm bàn", không có chi phí không chính thức. Điều này đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ và châu Âu là cực kỳ quan trọng bởi vì họ là những người luôn luôn phải tuân thủ luật pháp, nếu họ không tuân thủ, rủi ro pháp lý xảy ra với họ là rất lớn.
Từ đó, chọn được nhà đầu tư có chất lượng, đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị về thay đổi cách thức quản lý, thay đổi cách thức thu hút và có lựa chọn để nâng cao chất lượng nhà đầu tư.
"Tôi cho rằng chúng ta phải hành động hết sức cụ thể và xác định đúng vấn đề xử lý khi các nhà đầu tư yêu cầu. Bên cạnh đó, phải thu hút được doanh nghiệp bên trong của chúng ta, hỗ trợ họ tham gia chuỗi dịch chuyển này. Nếu không thì chỉ có nhà đầu tư nước ngoài tận dụng được lợi thế này" - TS. Nguyễn Đình Cung nhận định.
Trước những tác động của đại dịch, đầu tư của thế giới năm 2020 được dự báo có thể suy giảm tới 40%. Các nền kinh tế thế giới giảm sâu, thậm chí là âm.Trong khi đó, tại Việt Nam số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, đến hết tháng 8/2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức giảm thấp hơn nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực.