Chọn thời điểm giải ngân vào thị trường chứng khoán
Phiên giao dịch ngày (7/11), thanh khoản sàn HOSE đạt 575 triệu cổ phiếu tương đương 20.220 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản cao nhất từ ngày thành lập thị trường chứng khoán đến nay, không chỉ của HOSE mà là của toàn thị trường. Mức thanh khoản đạt được nhờ VRE của công ty cổ phần Vincom Retail.
Dù không khớp lệnh một đơn vị nào nhưng VRE được thỏa thuận 415 triệu cổ phiếu tại giá 40.600 tỷ đồng, tương đương 16.849 tỷ đồng. Trong đó khối ngoại mua 396,6 triệu đơn vị và bán 260 triệu đơn vị.
Xét trên sàn HOSE, phiên giao dịch có thanh khoản lớn thứ 2 trong năm 2017 là vào ngày hôm qua, tức 06/11/2017 với 6.244 tỷ đồng tương ứng 170 triệu cổ phiếu (bao gồm cả thỏa thuận).
Nhìn lại, phiên giao dịch lớn thứ 2 trong lịch sử của sàn HOSE là ngày 23/10/2009 với 6.450 tỷ đồng dù chỉ tương ứng 137 triệu cổ phiếu. Ngày 23/10/2009 được miêu tả là một “bẫy tăng giá khổng lồ” khi hoạt động đẩy giá lên quá nhanh tại STB, VCB, PVF, CTG cùng uy thế đầu phiên của REE, SAM và HPG đã tạo một sức hút lớn khiến 50 triệu đơn vị với 2.230 tỷ đồng đã vào cuộc và đẩy VN- Index nhanh chóng lên 633,21 điểm.
Nhìn nhận thị trường trong tháng 11 này một số cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là ROS, tiếp tục chi phối diễn biến của VN- Index. Cạnh ROS, 5/10 cổ phiếu khác (có vốn hóa lớn nhất sàn HSX cũng tăng giá tích cực trong tháng 10/2017 vừa qua gồm SAB, VIC, VCB, BID, và MSN.
Tuy vậy, mỗi cổ phiếu tăng giá với những câu chuyện riêng như là tăng trưởng lợi nhuận khả quan (VCB), thoái vốn nhà nước (SAB, VNM), niêm yết công ty con (VIC), kỳ vọng về khả năng phát hành cho đối tác chiến lược (BID), hay mua cổ phiếu quỹ (MSN). Nhờ nỗ lực duy trì điểm số cho VN- Index của các cổ phiếu vốn hóa lớn, PE đến cuối tháng 10/2017 của VN- Index vẫn xoay quanh mức 16,5 lần.
Mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2017 đã kết thúc và tác động không đáng kể đến diễn biến cổ phiếu. Theo quan sát của các chuyên gia chứng khoán mặc dù tăng trưởng lợi nhuận khả quan so với cùng kỳ năm 2016 thì kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) hầu như không nằm ngoài kỳ vọng, hoặc thậm chí còn thấp hơn dự tính của giới đầu tư.
Vì thế tháng 11/2017 là tháng có ít khả năng mà VN- Index sẽ tăng điểm. Ngoại trừ các thông tin về vĩ mô, không có nhiều thông tin khác liên quan đến hoạt động của DN trong giai đoạn này. Do vậy, bất kể khả năng tăng hay giảm điểm của VN- Index sẽ không có nhiều gam màu tươi sáng cho thị trường trong tháng 11 này.
Ngoài ra, nếu như quý IV là giai đoạn thị trường điều chỉnh, phần lớn lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán tại thị trường Việt Nam sẽ được tạo ra trong khoảng 5 tháng đầu năm. Điều này khá hợp lý khi mà quý IV, đặc biệt là tháng 11, là giai đoạn thị trường đi vào vùng trũng thông tin. Trong khi đó, quý đầu năm với “hiệu ứng tháng Giêng” rõ rệt, cộng với mùa công bố báo cáo tài chính năm cũng như đại hội cổ đông được xem là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán.
Như vậy, tích lũy cổ phiếu trong quý IV, đặc biệt là trong tháng 11 của năm liền trước có xác suất cao sẽ giúp nhà đầu tư gặt hái lợi nhuận cao trong giai đoạn đầu năm của năm tiếp theo.