Chống buôn bán trái phép động vật hoang dã: Hãy liên kết và chia sẻ thông tin

Theo daibieunhandan.vn

Theo nhận định của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên, mặc dù số vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam gần đây có giảm, nhưng vấn nạn này vẫn diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi. Do đó, việc hợp tác, liên kết, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa các quốc gia là cần thiết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khó kiểm tra, khó phát hiện

Tại hội thảo Chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hà Trang, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, từ năm 2015 đến nay có gần 17.000kg ngà voi, hơn 300kg sừng tê giác và hơn 5.000kg tê tê (bao gồm vảy và cá thể), bị lực lượng chức năng Việt Nam bắt giữ.

Gần đây nhất, ngày 6/9, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tiến hành khám xét và phát hiện 2 container chứa 1,3 tấn ngà voi nhập lậu từ châu Phi quá cảnh về Việt Nam để đi Campuchia...

Điều đặc biệt là ngà voi bất hợp pháp thường được giấu trong các thùng nhựa đường, trộn lẫn với mùn cưa; có trường hợp giấu trong lóng gỗ khoét rỗng ruột, được đóng kín, chèn thạch cao đặc bên trong, dán kín bằng keo phủ đất bên ngoài để che giấu các mối nối nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng.

Trên phương diện là đơn vị kiểm soát đầu vào, đại diện Cục Hải quan: Phương thức, thủ đoạn của đối tượng buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm ngày càng tinh vi, phức tạp.

Trong đó có thể kể đến việc vận chuyển bằng hình thức tạm nhập tái xuất; sử dụng giấy tờ giả; để lẫn các loại động thực vật hoang dã với nhau hoặc vận chuyển trong xe đông lạnh chở kèm các loại hàng hóa hợp pháp khác; giấu trong các hộp quà lưu niệm; dụ dỗ nhờ sinh viên, khách du lịch vận chuyển về Việt Nam...

Cũng theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan, phần lớn đối tượng phạm tội vận chuyển “hàng” thông qua các tuyến vận tải khác nhau như đường bộ (cửa khẩu biên giới), hàng không và đường biển. Chính vì vậy, việc kiểm tra, phát hiện tang vật gặp rất nhiều khó khăn. Không những thế, đại diện của Hãng hàng không Vietnam Airlines còn cho biết, hiện nay chúng ta quan tâm nhiều đến những vật phẩm nhập cảnh, quá cảnh ở các cửa khẩu quốc tế.

Tuy nhiên, có một thực tế là hoạt động vận chuyển, mua bán động thực vật hoang dã giữa các cảng hàng không nội địa cũng rất khó lường song lực lượng chuyên ngành ở đây lại chưa đủ khả năng thực thi pháp luật. Do đó, rất nhiều cảng hàng không nội địa bỏ sót vật phẩm.

Đằng sau hàng tấn ngà voi bị thu giữ

Buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã là vấn nạn toàn cầu. Tuy nhiên việc ngăn chặn tội phạm này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Theo Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever, chúng ta chỉ dừng lại ở việc bắt người vận chuyển - không có vai trò chủ chốt trong đường dây. Cần phải điều tra kẻ chủ mưu đứng sau những vụ buôn bán trái phép để có biện pháp ngăn chặn và xử lý tận gốc.

“Việc buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã thường hoạt động có tổ chức và mang tính chất quốc tế. Do đó cần có những cam kết chính trị mạnh mẽ hơn, nâng cao năng lực và hành động thực thi pháp luật cũng như nhận thức và hành động của cộng đồng”, Đại sứ Giles Lever nói.

Các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần liên kết và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị liên quan bởi thực thi pháp luật riêng rẽ sẽ không chấm dứt được nạn buôn bán trái phép các loài động thực vật hoang dã.

Ông Grant Miller, cán bộ cấp cao, Lực lượng Biên phòng Anh cho rằng, bên cạnh mạng lưới phối hợp là lực lượng Hải quan, Cảnh sát môi trường, Tổng cục Lâm nghiệp như hiện nay, Việt Nam cần huy động sự tham gia của ngành vận tải. “Họ sẽ giúp theo dõi và phát hiện sớm các mạng lưới vận chuyển động vật hoang dã”, ông Grant Miller nói.

Việc liên kết, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa các quốc gia là cần thiết trong phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã.

Phó Giám đốc Cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Vương Tiến Mạnh cho biết, tới đây, đơn vị này sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT đưa vấn đề chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã vào các  chương trình ngoại khóa trong các nhà trường để nâng cao nhận thức của thế hệ kế cận.

Đại sứ Vương quốc Anh Giles Lever cho rằng, cần chia sẻ những câu chuyện đằng sau hàng tấn ngà voi bị thu giữ, đó thực sự là những câu chuyện thương tâm.

“Ở các khu rừng quốc gia của Nam Phi, không những động vật hoang dã quý hiếm bị giết mà những người đi săn còn nhẫn tâm sát hại cả lực lượng kiểm lâm. Như vậy, nếu chúng ta sử dụng sừng tê giác, ngà voi thì hãy nhớ, đằng sau những chiếc sừng, chiếc ngà ấy đã có rất nhiều người phải đổ máu thậm chí cả tính mạng của mình.