Chống “dự án ma”

Theo Lê Sáng/batdongsan.enternews.vn

Theo các chuyên gia cần giải pháp đồng bộ để chấm dứt tình trạng tự vẽ dự án ma tràn lan khiến thị trường nhiễu loạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình vừa có công văn số 145/SXD-QLN&TTBĐS công khai danh sách 8 "dự án ma”, không có trên địa bàn, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sơ pháp lý, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản.

Ngang nhiên triển khai

Cụ thể, 8 dự án gồm: dự án Green Oasis Hòa Bình - Lương Sơn; dự án Beverly Hill - Lương Sơn Hòa Bình; dự án Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp; dự án Sun Legend Villa - Đà Bắc Ecolodge; dự án Mountain Villa - Lương Sơn; dự án Kai Village Resort tại cầu Mè, xã Mông Hóa, TP.Hòa Bình; dự án Ohara Villas & Resort, xã Mông Hóa, TP.Hòa Bình; dự án The Moon Village tại xã Yên Quang, TP.Hòa Bình.

Điều đáng nói, 8 dự án nói trên dù là dự án “ma” nhưng được rao bán liên tục trên nhiều trang thông tin trực tuyến về bất động sản trong suốt thời gian dài.

Chẳng hạn trường hợp của dự án “tự phong” Green Oasis Villas, mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình từng chỉ rõ nhiều sai phạm và yêu cầu chấm dứt ngay việc xây dựng, rao bán căn hộ tại dự án thế nhưng, Công ty CP Bất động sản Green Oasis vẫn “phớt lờ” để thi công rầm rộ.

Bên trong "dự án tự phong" Green Oasis Villas
Bên trong "dự án tự phong" Green Oasis Villas

Liên quan đến dự án trên, từ năm 2018, tại Kết luận số 95/KL-TTr ngày 18/7/2018 của Thanh tra tỉnh Hòa Bình đã nêu rõ, ông Tạ Mạnh Hùng tự mua đất ở, đất trồng cây lâu năm, đất vườn… và tự đặt tên là dự án xây dựng khu biệt thự sinh thái Green Oasis Villas để rao bán các thửa đất do ông Tạ Mạnh Hùng và ông Phương Công Thắng đang sử dụng tại thôn Đồng Sầm.

Còn đối với dự án có tên Beverly Hill Lương Sơn hiện được quảng bá rộng rãi là dự án biệt thự nghỉ dưỡng ven đô do Công ty CP Tư vấn Đầu tư phát triển nhà vườn TAT làm chủ đầu tư tọa lạc tại xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Dự án Beverly Hill Lương Sơn có quy mô 30 ha, đang mở bán với 200 căn biệt thự đơn lập, sổ đỏ bàn giao sau 3 tháng.

Dự án dự án Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp
Dự án dự án Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp

Tương tự, dự án dự án Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp cũng được quảng bá là khu sinh thái được đầu tư tỷ mỉ, đang vận hành và khai thác kinh doanh với quy mô 10 khu nhà gồm 44 phòng và 1 nhà sàn cộng đồng.

Đặc biệt, tại dự án có tên The Moon Village, từ năm 2019 đã được các cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình khẳng định, Dự án The Moon Village (Làng Trăng, Yên Quang, Kỳ Sơn, Hòa Bình) đang xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng là dự án ma không hề tồn tại trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.

Theo công bố trên các trang thông tin bất động sản, dự án The Moon Village do Công ty TNHH nghỉ dưỡng Đông Dương làm chủ đầu tư và được xây dựng theo tiêu chuẩn 4 sao, có quy mô sử dụng đất là 6,7 ha. Trên các trang thông tin rao vặt, việc rao bán, cho thuê các bất động sản tại dự án “tự phong” Moon Village nói trên vẫn xuất hiện liên tục.

Các dự án còn lại trong số 8 “dự án ma” được Sở Xây dựng Hòa Bình công khai đều đã, đang xây dựng, kinh doanh và mua bán.

Thực tế cho thấy, việc các “dự án ma” được “tự vẽ ra” dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sử pháp lý, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản nhưng vẫn ngang nhiên triển khai, mua bán không phải là tình trạng cá biệt tại tỉnh Hòa Bình và đang diễn ra tại không ít địa phương trên cả nước.

Cần xử lý mạnh tay

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về tình trạng các “dự án ma” ngang nhiên hình thành, quảng cáo, mua bán,… Chủ tịch một công ty Luật Hà Nội cho rằng cần xem xét trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho sai phạm của chính quyền các địa phương.

“Các “dự án ma” có đều quy mô không nhỏ, máy móc cơ giới thi công rầm rộ trong thời gian dài, lại được mua đi, bán lại, thậm chí có cả việc sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…. thì không thể nói chính quyền không biết được”, vị Luật sư nhấn mạnh.

Về giải pháp cho thực trạng trên, vị Luật sư cho rằng sự tồn tại của “các dự án ma” là trái pháp luật và cần được xử lý mạnh tay với bản thân các dự án cũng như cần truy cứu, xử lý triệt để trách nhiệm của cơ quản quản lý các cấp tại các địa phương trong việc để “dự án ma” hình thành, tồn tại.

Chia sẻ giải pháp dưới góc độ thị trường, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng một khi hoạt động môi giới được chuyên nghiệp và quy chuẩn hóa thì có thể góp phần hạn chế, chấm dứt các dự án ma.

“Khi việc giao dịch bất động sản phải qua sàn cũng như hoạt động của các sàn được giám sát một cách chặt chẽ thì sản phẩm từ các dự án ma, không chính thống sẽ không còn cửa để mua bán nữa”, TS. Đính nhận định.

PGS.,TS. Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư trong việc tránh xa các “dự án ma”.

“Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật cũng như chỉ tìm hiểu các thông tin về dự án bất động sản trên các kênh chính thống hoặc có thể liên hệ trực tiếp tới Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng các địa phương để có được thông tin chính xác nhất”, PGS.,TS. Doãn Hồng Nhung chia sẻ.