Chống gian lận xuất xứ: Cấp C/O gắn với thực tế sản xuất
Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp hàng hóa Việt Nam có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhưng, kèm đó là nguy cơ hàng hóa bị "đội lốt" xuất xứ, dẫn đến có thể bị trừng phạt bằng các biện pháp tự vệ.
Nguy cơ hiện hữu
Theo quy định hiện hành, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi về thuế quan xuất khẩu (XK) từ Việt Nam được Bộ Công Thương cấp. Theo thống kê, số lượng C/O ưu đãi trong 5 năm qua đã tăng 20-25% mỗi năm, từ 323 nghìn bộ năm 2013 lên đến 900 nghìn bộ năm 2019.
Năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch XK khoảng 8%, đây là mục tiêu có cơ sở, bởi ngoài thị trường XK truyền thống, thì với 16 FTA đã ký kết và đang đàm phán, mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt với nhiều mặt hàng được miễn thuế. Nhưng mặt trái đi kèm là tình trạng các doanh nghiệp (DN) tìm cách lợi dụng xuất xứ hàng hóa, thậm chí giả mạo C/O của Việt Nam để được hưởng ưu đãi, hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) một cách bất hợp pháp, trong khi nhiều đối tác trên thế giới đang tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM, như: Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ... gây nhiều hệ lụy và làm giảm khả năng XK của nước bị áp thuế.
Qua khảo sát, Bộ Công Thương đã đưa ra danh sách tới 25 mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ, trong đó có nhiều mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam. Bộ cũng chỉ rõ phương thức, thủ đoạn gian lận xuất xứ phổ biến là sản xuất tại nước ngoài, khi nhập khẩu (NK) về Việt Nam ghi sẵn dòng chữ "Made in Vietnam" trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang website, trung tâm bảo hành tại Việt Nam. Hoặc hàng hóa NK từ nước ngoài, dán nhãn, ghi xuất xứ hàng hóa trên bao bì, sản phẩm được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa bị bóc nhãn và thay nhãn mới ghi "Made in Vietnam" hoặc, "xuất xứ Việt Nam".
Cũng có trường hợp, DN thành lập nhiều công ty, mỗi công ty NK một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác gia công, lắp ráp… không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định, nhưng vẫn ghi "sản xuất tại Việt Nam" hay "xuất xứ Việt Nam" để tiêu thụ thị trường trong nước, đánh lừa người tiêu dùng.
Đặc biệt, nhiều thương nhân nước ngoài lợi dụng DN Việt Nam làm dịch vụ vận chuyển quá cảnh; tạm nhập tái xuất để trung chuyển hàng hóa, sau đó thương nhân nước ngoài làm giả C/O Việt Nam để gian lận xuất xứ hàng hóa.
Mạnh tay với gian lận xuất xứ
Dù theo Bộ Công Thương, tỷ lệ C/O bị hải quan các nước yêu cầu xác minh xuất xứ trong tổng số C/O ưu đãi được cấp là rất nhỏ, nhưng vẫn còn tình trạng DN làm giả C/O để gian lận xuất xứ. Trong đó, việc hỗ trợ cung cấp số liệu xuất nhập khẩu của cơ quan hải quan, nhất là quá trình đối chiếu, xem xét để cấp C/O cho DN còn chậm. Hơn thế, một số thị trường không yêu cầu cấp C/O NK, nên việc phòng, chống gian lận xuất xứ bằng cách tăng cường quản lý khi cấp C/O gặp khó khăn.
Một cuộc họp mới đây bàn về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ rõ, hạn chế trong phòng, chống gian lận xuất xứ, nhất là trong quản lý cấp C/O còn do hành lang pháp lý chưa theo kịp diễn biến thực tế. Điển hình như mức xử phạt hành chính hiện mới chỉ dao động từ 3 đến 20 triệu đồng, hoặc tịch thu, tái xuất, tiêu hủy. Đặc biệt, công tác thực thi chưa hiệu quả còn do một số cơ quan, cá nhân ở cơ sở làm việc trong lĩnh vực này còn thiếu trách nhiệm.
Đưa khuyến nghị, các chuyên gia cho rằng, trước hết cần thực hiện cấp C/O gắn với kiểm tra thực tế sản xuất, dán nhãn, kiểm tra các tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, vật tư đầu vào, quy trình sản xuất của các DN xin cấp C/O… Tuy nhiên, việc này cần sự phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau, không chỉ Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mà cả các cơ quan chức năng khác, như: Bộ Tài chính, Bộ Công an, chính quyền địa phương… Do đó, xem xét, rà soát lại các quy định pháp luật, tìm ra những điểm bất hợp lý để kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp là cấp bách.
Riêng Bộ Công Thương, bên cạnh tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý, Bộ đang tăng cường kết nối hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu với VCCI, Tổng cục Hải quan, đồng thời tăng cường công tác giám sát, bảo vệ DN chân chính, kịp thời xử lý nghiêm những hành vi gian lận xuất xứ.
Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động với 5 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.