Chống hàng giả: cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành
(Tài chính) Hàng giả, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đang được bày bán tràn lan trên thị trường là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Đó là khẳng định của các chuyên gia tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đấu tranh chống hàng giả– cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều ngành” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 9/4.
Thời trang và các sản phẩm tiêu dùng bị làm giả nhiều nhất
Theo thống kê, năm 2014 các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 21.645 vụ sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ hàng giả, trong đó Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương đã trực tiếp xử lý hơn 17.000 vụ, số tiền xử phạt trên 57 tỷ đồng. Trong quý I/2015, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện trên 4.000 vụ vi phạm, trong đó, nhiều vụ đã được các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng biên giới, biên phòng, hải quan. Về phía ngành công an năm 2014, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 665 vụ vi phạm, trong đó khởi tố 120 vụ, 196 bị can.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, số lượng các vụ việc vi phạm bị phát hiện, bắt giữ chưa tương xứng với thực tế sản xuất buôn bán vận chuyền hàng giả đang diễn ra rất phức tạp ở Việt Nam. Chỉ tính riêng theo số liệu của ngành hải quan năm 2014 có tới 26.000 tấn thịt trâu nhập khẩu vào Việt Nam nhưng số lượng được bày bán tại các chợ, siêu thị rất ít. Như vậy không loại trừ khả năng một số lượng lớn thịt trâu bị làm giả thành thịt bò đề kiếm lời do giá hai loại này chênh lệch cao.
Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam Lê Thế Bảo chia sẻ, hàng giả, hàng nhái xuất hiện ở tất cả các loại sản phẩm từ bình dân đến cao cấp. Các sản phẩm mỹ phẩm, dệt may, giày dép, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, rượu bia, nước giải khát, bột giặt, vật tư nông nghiệp… là nhóm 30 mặt hàng bị làm giả, làm nhái trầm trọng nhất và có mức độ lưu thông lớn trên thị trường Việt Nam. Chính vì thế, hàng giả, hàng nhái đã và đang trở thành vấn nạn gây nhức nhối của toàn xã hội, khiến cho người dân hoang mang, ảnh hưởng đến sản xuất của các DN chân chính, gây thất thu NSNN, làm xấu đi môi trường kinh doanh và uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đẩy lùi hàng giả tại Việt Nam
Tại buổi đối thoại, các chuyên gia cho rằng, hàng giả hoành hành là do việc ngăn chặn, xử lý của các lực lượng chức năng chưa thực sự quyết liệt. Bên cạnh đó, một bộ phận DN có hàng hóa bị làm giả chưa phối hợp với các hiệp hội và lực lượng chức năng từ địa phương đến trung ương để ngăn chặn việc SXKD hàng giả; đặc biệt các cơ quan thực thi pháp luật còn đang tồn tại cách hiểu khác nhau về hàng giả. Ngoài ra, phương tiện phục vụ công tác đấu tranh còn thiếu thốn, chưa có thiết bị giám định hàng giả, hàng thật, nhiều vụ việc phải đưa ra nước ngoài thẩm định, dẫn đến thời gian xử lý kéo dài.
Để công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhập lậu đạt hiệu quả, ông Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, các ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn, tăng cường phối hợp, phát hiện, xử lý vi phạm. Các cơ quan báo chí cần vào cuộc, tăng cường tuyên truyền để giúp người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng, không bao che, tiếp tay, mua bán, sử dụng hàng giả; chủ động thông tin, tố cáo với các cơ quan chức năng về vụ việc vi phạm. Đại diện Ban chỉ đạo 389 đề nghị, trong thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; quan tâm đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho các cán bộ thực thi nhiệm vụ; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện cho lực lượng chức năng ở các địa bàn trọng điểm.